Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY: 'RƯỢU ĐÊM NAY' CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Tác giả: Trịnh Thị Nhâm



ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY:

“RƯỢU ĐÊM NAY” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

*

RƯỢU ĐÊM NAY

- với M.Q -

 

Người ở lại bên ta ngồi châm tửu

Dìu ta say quên bớt oái oăm đời

Quên "cười ruồi - mắt đĩ - và cơn đau"

Cả nham nhở niềm tin vừa vá vội.

 

Chén rượu đấy, rót rồi, cứ uống

Nước mắt đan đốt tê dại đêm cuồng

Đắp nụ cười nghẹn đắng lằn môi

Nuốt lấy nhau gán niềm tin tráo đổi.

 

Ta vẫn biết đêm cuồng xô sóng dội

Người vì ta dạn dĩ chốn quần hồng

Xác thân phàm bầm dập những bỉ bôi

Phận lá liễu tả tơi vì gánh tội.

.

Ta sẽ dám trọn đêm nay chồng vợ

Cho mồ hôi rịn chặt với mồ hôi

Cho hơi thở mơn man dìu hơi thở

Cho bỏng đêm cuộn từng cột sóng trào.

*.

Làng Đá, đêm 28 tháng 12/2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

LỜI BÌNH:

(Tác giả Trịnh Thị Nhâm)

RƯỢU ĐÊM NAY, nhân vật trữ tình uống cùng một người đàn bà, họ không hề xa lạ với nhau, hoặc giả đã từng có thời bên nhau rồi rời xa, nay gặp lại trong một đêm cùng chén rượu. Anh say thật hay cố say để quên đi sự đời u uất nhức nhối trầm luân, và sống động hơn là người đàn bà xưa đang bên cạnh, trước mặt mình trong hoàn cảnh không mong muốn:

"Người ở lại bên ta ngồi châm tửu

Dìu ta say quên bớt oái oăm đời

Quên "cười ruồi - mắt đĩ - và cơn đau"

Cả nham nhở niềm tin vừa vá vội"

"Quên" ư? Anh đang hận, anh đang cười khẩy cho phận mình và nhân vật nữ là bạn anh, đang cố làm cho cả hai đều vui, nhưng vui sao được trong nỗi gượng gạo bẽ bàng, và trong ánh mắt vằn những tia u ám của anh. Tôi tin là thế. Cả hai cùng đau hay chỉ có anh đau và thương người còn lại có thể đã dạn dĩ, đã "sạn sỏi" với niềm đau. Viết tới đây tôi đặc biệt bị ám ảnh bởi câu thơ: "Chén rượu đấy, rót rồi, cứ uống", tôi như hình dung rõ rệt, khuôn mặt, cử chỉ của người đàn bà lúc ấy: dè dặt, bối rối, e ngại, ngượng ngập, len lén, cảm thấy vị thế của mình thấp kém, phải cúi mình không dám ngẩng cao đầu. Nên chén rượu rót rồi mà không dám chạm tới, thật tái tê day dứt. Bởi vậy, nhân vật nam phải lên tiếng: "Chén rượu đấy, rót rồi, cứ uống". Ta quay trở lại với nhân vật trữ tình xưng "ta". Anh muốn đắm chìm trong cơn "say yêu" trong lữ quán, nhưng anh đau, đắng đót, trong sự u uẩn cố "lừa" mình ngay cả trong cơn khát dục tình, thật xót xa cay đắng:

"Nước mắt đan đốt tê dại đêm cuồng

Đắp nụ cười nghẹn đắng lằn môi

Nuốt lấy nhau gán niềm tin tráo đổi".

Ở khổ thơ tiếp theo với giọng thơ chứa đựng sự day dứt, vật vã, đầy thương cảm, trách nhiệm, pha chút mặc cảm và nhân văn, khi cho rằng: vì một lẽ nào đó, có liên quan đến mình mà người đàn bà ngồi đây trước kia "lành lặn" trong sạch, giờ bị xô đẩy vào chốn mưu sinh "đèn mờ" phải hứng chịu sự xỉ vả, khinh bỉ của người đời:

"Ta vẫn biết đêm cuồng xô sóng dội

Người vì ta dạn dĩ chốn quần hồng

Xác thân phàm bầm dập những bỉ bôi

Phận lá liễu tả tơi vì gánh tội"

Và rồi để bù đắp những ân tình trong quá khứ đã mất, anh mong muốn cùng nàng một đêm "chồng vợ". Đó là khát vọng ân ái nâng đỡ nhau, tôn trọng nhau trong cảm xúc yêu đương đến tột cùng. Tôi cho rằng đó là sự tử tế rất nhân văn trong hoàn cảnh cuộc sống hiện tại của nhân vật nữ trong bài.

Bài thơ thật ám gợi với cảm xúc tận trong gan ruột của nhà thơ.

Thi sĩ Đặng Xuân Xuyến có biệt tài khơi mạch nguồn cảm xúc về thơ tình. Thơ tình của anh mang dấu ấn riêng: đắm say, bạo liệt, cuồng dâng, tận hiến, nhưng cũng đầy đớn đau. Đọc thơ mà tôi thấy quặn thắt, và muốn khóc! Có lẽ bài thơ đã " nhập đồng" vào tôi đấy thi sĩ!!!

------------

P/S: Bài thơ được in trong tạp chí VĂN HỌC MỚI số 29 trang 297 do nhà thơ Hà Nguyên Du thực hiện. Phát hành tháng 1/2024 qua hệ thống Amazon.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Các bài viết của (về) tác giả Trịnh Thị Nhâm0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe nhạc phẩm NẮNG CÓ CÒN XUÂN

của Đức Trí, qua tiếng hát nhóm V.Music:

*.

Hạ Long, 01 tháng 02/2024

TRỊNH THỊ NHÂM

Địa chỉ: Tổ 9 khu 3, số 14/04 tòa A

chung cư Trần Hưng Đạo Plaza

thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Email: trinhnham52@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét