PHẬT
GIÁO VỚI QUAN NIỆM
PHÙ
HỘ ĐỘ TRÌ
![]() |
(Tác giả Đặng Xuân Xuyến) |
Việt Nam là một dân tộc lấy
đạo hiếu làm đầu nên tín ngưỡng thờ cúng, nhất là thờ cúng gia tiên được dân
gian tín trọng.
Với người Việt, cái chết chỉ chấm dứt
sự tồn tại và hoạt động của thể xác con người còn linh hồn người chết sẽ luôn
hiện hữu và có “mối liên hệ vô hình” với các thành viên trong gia đình, theo
dõi và bảo trợ cho người thân tránh rủi ro, bất trắc, gặp được điều may mắn. Vì
quan niệm như thế nên người Việt lập bàn thờ để cúng lễ tổ tiên, làm nơi trú
ngụ cho linh hồn người chết, đồng thời cũng cầu mong sự phù hộ độ trì của người
đã chết cho những người còn sống; coi đấy như là thước đo về đức hiếu - nghĩa
của con người.
Tín ngưỡng trong văn hóa của người
Việt là như vậy, còn quan điểm của Phật giáo thì sao? Phật giáo có cho rằng
người đã chết sẽ phù hộ độ trì cho người còn sống gặp điều may mắn, “thoát khỏi bể khổ trần ai” như tín
ngưỡng của người Việt?
Chúng ta đều biết: Tư tưởng của Phật
giáo là tư tưởng vô thần, phủ nhận hoàn toàn thuyết Thiên mệnh, hơn nữa,
Phật giáo chủ trương: Con người và chỉ có con người mới thực sự là người ban
phúc giáng họa cho chính mình. Sự cầu cạnh, van xin ở người khác hoặc nơi thần
linh, nếu có được cũng chỉ là phần không đáng kể, chỉ có tâm niệm, hành động
hướng thiện mới mang lại hạnh phúc cho bản thân. Ngược lại, một tâm niệm ác,
một hành động xấu sẽ tự chuốc lấy kết quả đau khổ về cho mình. Chính
với quan điểm con người làm chủ mọi quả báo của mình nên Phật giáo không chấp
nhận quan điểm cho rằng linh hồn người đã chết vẫn còn tồn tại, vẫn giữ “mối
liên hệ vô hình” và phù hộ độ trì cho quyến thuộc hiện tại (những người còn
sống) được bình an, hưởng lạc.
Phật giáo cho rằng đã là chúng sinh
thì phải trải qua vòng luân - hồi - sinh - tử và cái sự “chết” kia không phải
là sự “sống gửi thác về” như quan
niệm dân gian của người Việt, mà là bước kế tiếp của sự chuyển kiếp. Sau khi
chết, tùy theo nhân thiện, nghiệp ác lúc còn sống và nhân duyên của
các kiếp trước mà người đã chết sẽ được sinh vào cõi người, cõi trời hay bị đọa
vào địa ngục. Nếu bị đọa vào địa ngục thì phải chịu quả báo của nghiệp ác khi
còn sống, sự quả báo (bị trừng phạt) ấy nặng hay nhẹ, nhanh hay lâu phụ thuộc
vào nghiệp ác tạo ra lúc còn sống ở kiếp người. Do vậy, người đã chết dù
thế nào cũng không thể trở về “dương gian” để phù hộ độ trì cho người đang
sống.
Trái với quan điểm của khá nhiều tôn
giáo và đạo giáo khác (trong đó có tín ngưỡng của người Việt) là tin vào chuyện
người chết sẽ có những tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống của người trần tục,
Phật giáo đưa ra quan điểm: Người đã chết không thể phù hộ độ trì cho quyến
thuộc còn sống mà chính những quyến thuộc (hiện tại) còn sống, bằng nhân
thiện, hành thiện của mình đang làm sẽ ảnh hưởng tới “quả báo” của
người đã khuất.
Trong Kinh Địa Tạng, khi nói
về Lợi ích người còn kẻ mất, có đoạn viết:
“Các
chúng sinh đã làm ác, lúc sắp chết cha mẹ bà con nên vì những người đó mà tu
tạo Phúc Đức để giúp cho đời sau của họ. Như treo tràng phan, bảo cái và đốt
đèn, hoặc tôn kính tượng đọc kinh trang, hoặc cúng dường tượng Phật, lại trì
niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ Tát.
(...) Sau
khi người đó chết rồi, trong bảy tuần bảy ngày, lại vì người đó làm nhiều việc
thiện thì có thể làm cho người ấy thoát hẳn đường ác, được sinh lên cõi trời (...)
quyến thuộc hiện tại cũng được lợi ích vô cùng.
(...)
Trong ngày có người thân sắp chết phải hết sức thận trọng, chớ sát hại sinh vật
và làm những chuyện ác như: Lễ quỷ thần, cầu cúng yêu quái. Tại sao vậy? Vì
những sự sát hại và cúng tế đó không có một mảy may năng lực nào lợi ích cho
ngwời sắp chết mà lại còn kết thêm tội duyên sâu nặng hơn. Giả sử người sắp
chết kia, đời nay lúc này còn sống hoặc ngay đời sau có được những nhân duyên
thánh thiện, đáng sinh vào cõi người hay vào cõi trời, nhưng vì trong lúc sắp
chết, bị quyến thuộc làm những nhân ác nói trên, nên khiến cho người ấy vạ lây,
phải biện bạch đối chứng mãi, thành chậm trễ sinh vào chỗ tốt lành. Huống chi
người sắp chết kia, lúc sống chưa từng có chút thiện căn thì cứ theo nghiệp dữ
đã làm mà tự chịu lấy quả khổ ở đường ác. Vậy nỡ nào mà quyến thuộc lại làm
tăng thêm tội cho họ nữa.”.
Có thể nói ở điểm này, Phật giáo hơn
hẳn nhiều tôn giáo khác về tính nhân văn và đạo lý làm người, phù hợp với nếp
sống tình cảm của người Việt. Ai trong chúng ta cũng vài lần trong đời từng
được nghe những lời ca thán: “Rõ khổ, ông
ấy chết rồi mà chẳng được yên” hay “người
sống làm nhục vong linh người chết” khi thấy cảnh đau lòng: Người còn sống
làm mất gia phong do tổ tiên để lại.
Giáo lý nhà Phật không chấp nhận việc
phù hộ độ trì cho những người còn sống của những người đã khuất mà đi vào đề
cao việc người còn sống phải lo làm việc thiện, tạo ra những duyên thiện để
trước hết tạo ra thiện căn cho chính bản thân mình, sau đó làm giảm bớt nghiệp
ác mà người thân khi còn sống vướng phải. Phật giáo chỉ thừa nhận ở một chừng
mực nào đó, Phật tử sẽ nhận được sự phù hộ độ trì của Trời, Phật, Bồ Tát... khi
Phật tử là người có thiện căn.
Quan điểm của Phật giáo về vấn đề
này, dù có khắt khe đến mấy chúng ta cũng phải thừa nhận đây là quan điểm đầy
tính nhân bản. Quan điểm đó giáo dục mọi người phải không ngừng vươn
tới Chân - Thiện - Mỹ để hoàn thiện và làm đẹp thêm nhân cách của
mình. Quan điểm đó nhắc nhở mọi người không chỉ sống xứng đáng với truyền thống
của cha ông mà còn phải “phát tiết” những giá trị đạo đức, những tinh hoa mà
cha ông đã xây dựng, gìn giữ, để người đương thời phải thừa nhận: Con hơn cha
vì nhà có phúc.
-------------
(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)
- Chuyện về thầy xem tướng Bùi Cao Thếl
- Kỷ niệm khó quên thời là lính văn nghệl
- Bàn thêm về câu “Tam nam bất phú”l
- Vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn
Thànhl
- Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật
Kiệtl
- Thế thái nhân tình qua thơ Đặng Xuân Xuyếnl
- “Tưng tửng” 7 chuyện cùng Nguyễn Đăng Hànhl
- Bạn đọc cảm nhận về bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân
Xuyếnl
- Đọc bài thơ “Say Yêu” nghĩ về thơ tình Đặng Xuân
Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời
nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét