THU
LẠNH
Người đã đi rồi, đi quá xa
Bỏ ta ở lại với quê nhà
Hôm nay về lại thăm làng Đá
Ngơ ngẩn chiều tà ta với ta…
Giếng nước còn trong, bậc đã rêu
Chênh chao chiều vọng tiếng cu gù
Tháng chín thôi mà... sao đã lạnh
Thu vàng vồi vội rải nắng hanh.
Ừ, trách gì đâu, chỉ nhớ thôi
Người đi thì cũng đã đi rồi
Nào ai biết được duyên mà đợi
Mây tím lưng trời, thôi, cũng thôi.
*
Hà Nội, chiều 20 tháng 10.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
ĐỌC THU PHAI và THU LẠNH
(Thơ Trần Mai Ngân và Đặng Xuân Xuyến)
Hình như đọc thơ cũng có cái duyên tiền định. Kiếp
trước không biết tôi có quan hệ gì với hai nhà thơ này hay không mà kiếp này
đọc thơ họ, tôi luôn luôn cảm thấy có một sợi dây trong thơ của họ quấn quýt
lòng tôi, buôc tôi phải nghĩ phải suy và phải viết. Như hôm nay bài thơ Thu
Phai của Trần Mai Ngân và bài thơ Thu Lạnh của Đặng
Xuân Xuyến khiến cho tâm hồn tôi cũng thấy tâm trạng phai và lạnh. Lạ thay,
phai lạnh trong cuộc đời thì buồn nhưng phai lạnh trong cuộc tình lại thường
làm cho tâm hồn phong phú thêm. Điều đó được chứng minh ở hai bài thơ này, bởi
họ không có cuộc tình phai, lạnh thì làm gì có hai bài thơ làm cho ta cảm động.
Điều đó cũng được chứng minh khi tôi ngồi đọc thơ họ giữa thời tiết vào đông,
bên ngoài đang phai và đang lạnh thì tiếng lòng phai lạnh của họ trong thơ cũng
đem đến cho tôi những cảm xúc thăng hoa.
Đọc Thu Phai của Trần Mai Ngân
THU
PHAI
Thắp hương sùng bái nỗi đau
Gánh buồn ôm hết - ngọt ngào cho ai
Giật mình sợi tóc Thu phai
Làm sao nhuộm hết năm dài xa xưa
*
TRẦN MAI NGÂN
ta thấy thu không phai chút nào mà kỷ niệm mùa thu trong lòng tác giả cũng
chẳng phai, chỉ có tóc trên đầu tác giả là phai mà thôi. Vậy thì Trần Mai Ngân
dùng tóc mình để nói về tuổi vào thu cúa cuộc đời mình, một cuộc đời mà đeo
đẳng một cuộc tình triền miên trong nỗi đau. Lạ thay, nỗi đau đó lại được tác
giả “Thắp hương sùng bái” nghĩa là
tôn sùng nó và hy sinh cho nó đến nỗi “Gánh
buồn ôm hết- ngọt ngào cho ai”. Không cần bíết sâu về cuộc tình ta cũng
đoán định được, đây là một cuộc tình lớn trong tâm hồn tác giả. Bài thơ cho ta
thấy một thân phận trong tình yêu, thân phận đó phải đối mặt với những nghịch
lý trong tình trường, chịu đắng cay với nỗi buồn ôm hết nhưng cũng bằng lòng
với hạnh phúc của một thuở xa xưa nào đó, đến nỗi muốn nhuộm lại những năm dài
xa xưa ấy như nhuộm cho xanh lại mái tóc mình. Thế nhưng cuộc tình khác với mái
tóc, không làm sao nhuộm được.
Bài thơ ngắn nhưng ôm trọn biến cố của thời gian vào lòng, thức dậy trong
lòng người đọc những tình cảm khác lạ, trong đó sự ray rứt và cảm mến, sự hờn
dỗi và yêu đương, sự thiết tha và hời hợt xen lẫn cùng nhau, khiến cho đọc nó
ta như thấy mùa thu tuổi đời đang phai nhưng mùa thu của ngày nào hình như còn
hiện hửu mãi trong tim.
Qua “Thu lạnh” của Đặng Xuân Xuyến ta thấy lạnh ngay, lạnh nhiều,
lạnh cóng vì “Người đã đi rồi, đi quá xa”.
Bài thơ “Thu lạnh” của Đặng Xuân
Xuyến cho ta một khung cảnh còn héo hắt hơn “dấu xưa hồn thu thảo/ nền cũ bóng tịch dương”.
Hình ảnh cái giếng năm xưa, nước vẫn còn trong nhưng
bậc cấp bước lên rêu phủ, giống như yêu vẫn còn nhưng tình đã hóa xa xôi. Hình
ảnh con chim cu gù và tiếng kêu của nó trong thu vàng nắng, trong mây tím lưng
trời làm cho bức tranh thu vô cùng xa vắng và nỗi buồn thu bàng bạc kia phả
xuống, len trong từng ngóc nghách của làng quê.
Những câu thơ buông xuôi, hờn dỗi:
“Ừ trách gì đâu, chỉ nhớ thôi
Người đi thì cũng đã đi rồi
Nào ai biết được duyên mà đợi
Mây tím lưng trời, thôi, cũng thôi”
nó không làm ta cảm thấy đau lòng như “Thu
Phai”, nhưng nó làm cho cõi lòng ta trống vắng đến vô cùng, hiu hắt đến vô
tận. Trong cái khung cảnh hiu hắt đó, con người cô đơn lại càng cảm thấy cô đơn
hơn nữa, nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã thở dài một câu thườn thượt làm cho thu
lạnh càng kéo dài lê thê đến tận cuối chân trời: “Mây tím lưng trời, thôi, cũng thôi”
Bài thơ cũng không dài lắm, không than van lắm, mà sao nó khiến xao động
lòng ta đến thế. Bởi vì tác giả dựng một bức tranh quê quá thân yêu, chứa chan
bao dấu tích, mà nay trở nên lặng lẽ đến vô cùng. Rồi thì nhà thơ gởi vào bức
tranh đó cõi lòng tê tái, tê tái nhưng vẫn gượng ép, gượng ép chối bỏ sự tê tái
của mình bằng những câu thơ bất cần, buông xuôi và vu vơ hờn trách.
Tôi vô tình đọc hai bài thơ của hai tác giả một lần, “Thu Phai” và “Thu
Lạnh” đọc trong buổi đầu đông. Những cơn gió phai và lạnh trong thơ lạ
thay, làm cho tôi âm áp. Ngược lại, cơn gió thổi đầu đông ngoài kía đem cái
lạnh len lỏi vào phòng. Cả hai cơn gió đều làm tôi se lòng, se lòng nhớ quá khứ
tuổi thanh xuân ./.
*
CHÂU THẠCH
Địa
chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
Email: truongvantran@hotmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét