Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

BÀI THƠ “CHUNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN VÀ NHỮNG CẢM NHẬN - NHiều Tác Giả


BÀI THƠ CHUNG CỦA
ĐẶNG XUÂN XUYẾN VÀ NHỮNG CẢM NHẬN
*
CHUNG
- Tặng Quỳnh Hương -

Em có cần anh không?
Nếu cần anh hãy cùng anh chung sống
Gạo nấu chung nồi
Chăn trùm chung gối
Ta chia chung ánh mắt nụ cười...

Đừng ngại em ời...
Giường nhà anh đủ dài, đủ rộng
Chăn nhà anh đủ ấm, đủ nồng
Ta khêu ngọn lửa hồng
Ta nối câu quan họ
Ta bện mây với gió
Kết thành thuyền chơi trăng...

Em sẽ là buồm căng
Anh sẽ là gió lộng
Thuyền trăng mình thơ mộng
Dập dìu giữa biển xanh
Em. Nào, về với anh!
*.
Hà Nội, trưa 25 tháng 04. 2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

(Nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm)
ĐẾN VỚI BÀI THƠ “CHUNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Đã lâu… tôi mới nghe được một thông điệp tình yêu - lời tỏ tình mộc mạc, giản đơn mà chân thành, vừa cổ điển vừa hiện đại. Lời tỏ tình từ tâm can, không ấp úng rụt rè vụng dại của tuổi trẻ mới vào đời, mà là lời tỏ tình của người đã trải qua những cung bậc thăng trầm trong tình ái, đã bước vào ngôi đền tình yêu thắp nén tâm hương của lòng mình và nghe được thần ái tình mách bảo lẽ hằng thường vĩnh cửu - bền vững của tình yêu. Tiếng nói của thần ái tình thường thì thầm trong lòng con người, nhưng không phải ai cũng nghe rõ. Hình như trời cho trái tim thơ của Đặng Xuân Xuyến nghe được tiếng nói tâm linh.
Trong kinh dịch quẻ Hàm là đạo vợ chồng - tiếp nối đến quẻ Hằng là đạo dài lâu. Sự dài lâu nào cũng có nguyên lý của nó như nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống con người. Như khí trời, không có khí trời thì vạn vật và con người không thể tồn tại và con người cũng cần tình yêu như khí trời vậy, “Đến sỏi đá cũng cần có nhau” thì con người sinh ra trong trời đất không có tình yêu và tình vợ chồng chẳng có lỗi với tạo hóa lắm sao!
 Em có cần anh không”, một câu hỏi tưởng giản đơn bình thường nhưng đầy nội lực, không trải qua những thao thức với tình yêu, không hiểu thấu nguồn cội của tình yêu, đặc biệt là tình yêu vợ chồng là sự hằng thường lâu dài không thể tỏ tình từ tâm can như vậy. Chữ “cần” vừa mang sức nặng của câu thơ, vừa là ngọn lửa minh bạch và chân thành thắp sáng trong ngôi đền tình yêu của mọi lứa đôi trong cõi đời này. Thiếu sự “cần” ấy mọi cuộc tình sẽ thành tẻ nhạt. Ngược lý của cần là không cần, ôi không cần nhau thì đâu còn là tình yêu nữa.
 Em có cần anh không”. Cần là một nhu cầu như nhu cầu hít thở để bảo toàn sự sống con người, và con người không có tình yêu như trái đất thiếu mặt trời là điều tất nhiên. Nhưng câu hỏi này đối tượng được hỏi phải là người nào? Mới gặp nhau, mới biết nhau mà hỏi như vậy thật là vô duyên. Đặng Xuân Xuyến tặng bài thơ này cho Quỳnh Hương có nghĩa là 2 người đã hiểu nhau, biết nhau lâu rồi. Quỳnh Hương đã là không khí trong lành trong lồng ngực nồng nàn của nhà thơ hít thơ, nàng đã là bài thơ mà Đặng Xuân Xuyến là tác giả. Cũng có trường hợp 1 bóng hồng lướt qua đã rung động cho thi nhân làm thơ tặng, nhưng tôi dám chắc rằng không có nhà thơ nào dám cả gan hỏi “Em có cần anh không” như Đặng Xuân Xuyến.
Sau câu hỏi “Em có cần anh không” thì câu thứ 2 sinh ra là lẽ tất nhiên “Nếu cần hãy cùng anh chung sống”. Lòng thành của nhà thơ cụ thể hơn, tính mục đích rõ ràng minh bạch hơn, câu thơ như ánh nắng hồi hộp thở trong hoa, ánh mắt của nhà thơ đang ngước lên thành kính đợi chờ vị thần tình ái của lòng mình. Sự chân thành như sóng đã dâng lên là hối hả vỗ bờ, và mọi sự chân thực đều ngắn gọn và rõ ràng:
Gạo nấu chung nồi
Chăn trùm chung gối
Ta chia chung ánh mắt nụ cười
Lời tỏ tình đến đây tưởng như đã đủ, nhưng với tình yêu đặc biệt là tình yêu chân thành thì nói biết bao nhiêu cho vừa. Xuân Diệu: “Đã hôn rồi/ Hôn lại/ Hôn mãi mãi muôn đời/ Anh mới thôi dào dạt”. Đặng Xuân Xuyến là nhà thơ hậu sinh cái gen đa tình bay bổng của thơ đã nhiễm với gen đời. Anh vẫn tỏ tình với ngôn ngữ mộc mạc:
Đừng ngại em ời
Giường nhà anh đủ dài đủ rộng
Chăn nhà anh đủ ấm đủ nồng
Câu thơ gọi hồn những trang cổ tích, cho người đọc trôi ngược về cội nguồn nề nếp cha ông, nhưng cũng rất hiện đại trong cuộc sống hôm nay. Chữ “đủ” là linh hồn của câu thơ, đủ có nghĩa là không thừa không thiếu, đủ mang hồn của triết học phương đông, kín đáo nói với người tình của mình và cho tất cả những lứa đôi, những cặp vợ chồng và cả chúng ta: mọi sự ở đời này hãy tự cho là đủ - thì sẽ đủ. Tôi nghe thấy tiếng Lão Tử cười thầm và tay khẽ vuốt râu - Đạo đã thành thơ.
Cái đẹp của thơ Đặng Xuân Xuyến là sự mộc mạc vì hồn cốt của anh mộc mạc. Nhưng cái mộc mạc của chàng trai quê Hưng Yên đã già nửa đời ra đi dan díu với kinh thành, nên vẻ đẹp mộc mạc mang một vẻ đẹp khác. Sau những điều cụ thể của sự “cần” có anh không, của gạo chung nồi, chăn chung, gối chung của căn nhà đủ dài đủ rộng, sự mộc mạc của thơ bay lên với tất cả nỗi lòng:
Ta khêu ngọn lửa hồng
Ta nối câu quan họ
Ta bện mây với gió
Kết thành thuyền chơi trăng.
 Khêu ngọn lửa hồng ý tưởng của câu thơ mang nỗi lo xa, cẩn thận gìn giữ tình yêu, ngọn lửa tình yêu khêu lên, thắp sáng không chỉ một đêm nay, đêm mai mà sáng cả một đời. Câu quan họ không chỉ hát trong đêm nay mà “Ta nối câu quan họ” nối dài mãi ngân vang mãi trong cả đời. Chữ “khêu” và chữ “nối” đọc lướt qua sẽ không thấy nỗi lòng của nhà thơ.
Từ bệ phóng của đời sống, của lòng chân thành hồn thơ bay lên, tình yêu ảo diệu lung linh Ta bện mây với gióKết thành thuyền chơi trăngBàn tay của ái tình thật kỳ diệu “Bện mây với gió”, chủ thể và khách thể giao hòa - anh với em là một. Anh không nhớ anh là mây hay là gió, em không nhớ em là gió hay là mây. Như Liệt Tử nói: “Ta cưỡi gió hay gió cưỡi ta”, gió và mây quện vào nhau kết thành con thuyền chơi trăng, và con thuyền chơi trăng ấy vừa có, vừa không mang sắc màu huyền bi đạo phật. Bơi trong cuộc sống vĩnh hằng. Đọc đến đây mới thấm thía chữ “cần”. Mây cần có gió, gió cần có mây để hóa con thuyền chơi trăng và vui sống trong cõi đời này.
Nếu là tôi, tôi sẽ dừng bài thơ ở đây. Nhưng nhà thơ đang yêu, đang say nên dù đã qua sự tột đỉnh thăng hoa, nhưng tình yêu hoàn nguyên cho anh sức khỏe, vẫn yêu tiếp:
Em sẽ là buồm căng
Anh sẽ là gió lộng
Thuyền trăng mình thơ mộng
Dập dìu giữa biển xanh
Em, nào, về với anh.
Buồm căng và gió lộng là ý thơ không có gì mới, không say lòng người bằng “Bện mây với gió”, “Thuyền trăng mình thơ mộng/ Dập dìu giữa biển xanh” tưởng là hình ảnh đẹp của thơ nhưng đã thiếu lửa, không cháy như sự đam mê quấn bện vào nhau như mây gió.
Thế mới biết làm thơ cực khó, thêm một chữ thì thừa, bớt một câu thì thiếu. Ngoài sự xúc động thực, vốn đời cần có tư tưởng và câu chữ bầu lên nhà thơ.
Ở bài thơ này một số chữ tôi đã phân tích ở trên đã bầu lên nhà thơ Đặng Xuân Xuyến.
Câu kết: “Em, nào, về với anh”. Một câu nói thừa nhưng lòng tôi hình dung hình ảnh bàn tay nắm bàn tay, đôi tình nhân cùng nhau tung tăng bước vào ngôi nhà hạnh phúc. Tôi thầm cầu trời sự hình dung mong đợi của tôi và của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến thành sự thật.
*.
Hà Nội, chiều 09 tháng 10.2016
NGUYỄN THANH LÂM
Địa chỉ: Số 4, ngõ 179 Minh Khai
quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội
Email: thanhlam.tho@gmail.com

(Nhà thơ Nguyễn Khôi)
ĐÔI LỜI GÓP THÊM CỦA NGUYỄN KHÔI
Nhân đọc bài ĐẾN VỚI BÀI THƠ “CHUNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN của nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Khôi tôi có đôi lời “góp thêm” về bài thơ “CHUNG” của Đặng Xuân Xuyến.
Bài thơ có 2 câu HAY nhất, đó là "tứ" thơ - là rường cột của bài thơ:
Ta bện mây với gió
Kết thành thuyền chơi trăng
Một "tứ" thơ lạ, một sáng tạo độc đáo. Nó thơ mộng nhưng cũng thầm bảo: đằng sau cái thơ mộng là biển khổ cuộc đời đấy, có dám chung lưng đấu cật "Vượt biển" thì hãy về với anh?
Viết đến đây Nguyễn Khôi lại nhớ đến Trường ca "Khảm Hải" - Vượt Biển của Dân tộc Tày, Việt Bắc (thói quên nghề nghiệp của 1 đời ở và làm công tác Dân Tộc mà). Thật là sòng phẳng, nói trước cái khó khăn / có chấp nhận (chịu nổi) thì mới "Em, nào, về với anh"...kẻo sau này lại:
Chồng gì anh 
Vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời của nhau...
                           (Ca dao)
rồi lại chia tay như cuộc hôn nhân trước...
Chao ôi, thơ Tình là tiếng lòng, tiếng con tim thổn thức của tuổi trẻ, nhưng ở cái tuổi dở ông / dở thanh niên như nhà thơ Đặng Xuân Xuyến, thì đó là sự "hồi xuân" mà lửa lòng bưng bừng "khát" (thèm) một cuộc hôn nhân (già) như mộng? để có một bạn đời cùng chung một con thuyền tình để "vượt biển" qua nốt quãng đời còn lại trên thế gian này.
  Nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm về cơ bản "bình" trong bài ĐẾN VỚI BÀI THƠ “CHUNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN là đủ rồi, rất Hàn lâm...
Tuy nhiên, cái có vẻ "mộc mạc" của Đặng Xuân Xuyến ở mấy câu thơ khổ đầu như dẫn dắt cô gái quê ngây thơ kia đi đến "ta bện..." thì không còn mộc mạc nữa mà là rất lãng mạn kiểu Xuân Diệu:
"Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc với muôn dây 
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến..."
                                                  (Cảm Xúc)
thì ở đây phải là một cô gái có tâm hồn đồng điệu mới kham nổi cái "tầm" yêu (khát vọng yêu của Đặng Xuân Xuyến) để thành một cặp đôi hoàn hảo khi kết thành thuyền Thơ...
HAY, HAY, HAY.
LẠ, LẠ, LẠ...
Đó là một cống hiến nhỏ của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến cho ngàn lẻ cái Thơ Tình xưa nay hiếm của “Chung” là thế chăng?!
Nguyễn Khôi gõ nhanh, có điêu gì bất cập xin được miễn thứ.
*.
Phố Hàn 3 giờ sáng 11-10-2016
NGUYỄN KHÔI
Địa chỉ: P12A05 nhà 17T, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.
Email: khoidinhbang@gmail.com

HƠI THỞ NÚI RỪNG TRONG BÀI THƠ “CHUNG”
(Nhà Nghiên cứu Bùi Đồng)
Cái chất giọng, hơi thở và cách tỏ tình của chàng trai trong bài thơ làm người đọc hình dung ra một vùng đồi núi trập trùng, hương rừng ngai ngái và chàng trai được ướp mình trong không gian đó nên lời nói cũng mộc mạc, rõ ràng như thuở bản thiện tính:
Em có cần anh không 
Nếu cần hãy cùng anh chung sống ...
Thế thôi! Đơn giản nhưng lại là lời cầu hôn đẹp nhất mà cũng “rừng rú” nhất và chắc chắn người phụ nữ kia không hề từ chối.
Gạo nấu chung nồi
Chăn trùm chung gối
Ta chia chung ánh mắt nụ cười.
Đến đây càng chắc chắn hơn: lời tỏ tình của người thẳng thắn, bộc trực, chả màu mè nhưng tình lại vô cùng sâu đậm. 
Đừng ngại em ời...
Giường nhà anh đủ dài, đủ rộng
Chăn nhà anh đủ ấm, đủ nồng
Ta khêu ngọn lửa hồng
Ta nối câu quan họ
Ta bện mây với gió
Kết thành thuyền chơi trăng...
Cái thật thà đậm chất sơn cước nhưng cũng rất lãng mạn kiểu núi rừng của chàng trai (trong thơ) như thế, làm ta nhớ đến những câu thơ trong bài thơ Em Tắm của nhà thơ Cầm Vĩnh Ui (Bạc Văn Ùi):
“Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm
Da của em ngần trắng
Da cha mẹ cho em”
Hay:
“Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem”
Cả bài thơ CHUNG là hơi thở của núi rừng, là cách thổ lộ tình cảm của chàng trai miền sơn cước: thẳng thắn, bộc trực mà sâu đậm. Đọc thơ, ta hình dung như thấy chàng trai đang mộc mạc tỏ tình với cô gái giữa đại ngàn lộng gió. Khó tìm thấy chất trai thành thị hay trai miền đồng bằng trong bài thơ này.
Thế đấy, tôi cứ bám mãi vào tâm tư đấy mà quả quyết người con trai Hà Thành Đặng Xuân Xuyến đã hoá mình thành chàng trai rừng núi, yêu cô miền núi, mới bị đồng hóa sâu đến thế . 
Toàn bài không có ý tưởng đặc biệt, cũng chẳng có từ hoa mỹ, lại càng không dùng thủ pháp nhưng khi đọc ta cũng thấy mình hổn hển theo lối nói gấp gáp, trần trụi, sơn cước để yêu hơn một con người.
Thật lạ là sao lại như vậy?
*.
Thành Nam, 22 tháng 10.2016
BÙI ĐỒNG
Địa chỉ: 3/176 Phan Đình Phùng, t/p Nam Định.
Email: hatbuinhangian.db@gmail.com
Điện thoại: 090.219.18.04

        
Mời thư giãn với nhạc phẩm TÂM SỰ ĐẦU XUÂN
của Hoài Linh, qua tiếng hát Như Quỳnh:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét