(Làng Đá (Đỗ Hạ), Quang Vinh, Ân Thi, Hưng Yên) |
vài suy nghĩ khi đọc
truyện ngắn
ĐÙA CỦA TẠO HÓA
*
Truyện ngắn ĐÙA CỦA TẠO HÓA của nhà văn Phạm
Hoa đã miêu tả khá thành công tính cách nhân vật Tuấn, đại diện cho một trong
những điểm yếu của người đàn ông hiện đại.
Tuấn là con trai duy nhất của một gia đình
căn cơ, khá giả với đầy đủ lợi thế: Đẹp trai, học giỏi, hiếu thuận và lịch lãm.
Bố hy sinh khi anh còn quá nhỏ, mẹ ở vậy thờ chồng nuôi con. Lớn lên trong
tình yêu, sự hy sinh và kỳ vọng vô bờ của người mẹ, anh đã có tất cả: Đẹp trai,
thành đạt, được mọi người quý trọng, cưới được cô vợ xinh đẹp thảo hiền. Nhưng
thật oái oăm, hay như cách nói của nhà văn Phạm Hoa, gọi đó là trò đùa của tạo
hóa, bỗng chốc anh trở thành trắng tay, như chưa tồn tại ở cõi đời.
Đọc ĐÙA CỦA TẠO HÓA, hình ảnh bà Thuận được
tác giả khắc họa rất rõ nét và sinh động: Bản lĩnh mà yếu đuối, nhân hậu mà ghê
gớm, bao dung mà ích kỷ... trước và sau khi Tuấn cưới vợ. Con người bà chứa đầy
mâu thuẫn giữa cho và nhận, giữa tình thương và trách nhiệm vì tình yêu bà dành
cho con theo kiểu “độc chiếm yêu thương”. Người đọc yêu bà đấy, cảm phục bà đấy
nhưng cũng trách giận bà đấy, khó có thể cảm thông cho sự cứng rắn, ích kỷ đến
mù quáng của bà sau khi Tuấn cưới vợ.
Xưa tới nay, muôn đời vẫn vậy, người mẹ luôn
hết lòng vì con, sẵn sàng chấp nhận mọi đắng cay, khổ cực, thậm chí đánh đổi cả
mạng sống của mình để đứa con được hạnh phúc. Đó là lẽ thường tình, người mẹ
nào cũng làm vậy, nhưng việc yêu con đến cạn kiệt bản năng làm mẹ như bà Thuận,
người đời khó có thể chấp nhận. Người đọc, thậm chí có thể kính phục bà trong
việc nuôi dạy Tuấn nên người, lo lắng chở che cho Tuấn đến quên bản thân mình
nhưng không ai chấp nhận tình yêu kiểu “độc chiếm yêu thương” bà dành cho Tuấn.
Đấy chính là điểm “thắt nút” buộc Tuấn phải tháo gỡ, là đầu mối bi kịch cuộc
đời Tuấn, và cũng chính là bi kịch cuộc đời của một gia đình tưởng sẽ mãi ấm
êm, hạnh phúc.
Trái ngược với hình ảnh bà Thuận, hình ảnh
Tuấn hiện lên qua phác họa của Phạm Hoa thật yếu đuối và nhu nhược. Con người
anh rất hoàn hảo về hình thức và tri thức, nhưng cứ nhàn nhạt về tính cách. Cả
cuộc đời anh là một xâu chuỗi sự “răm rắp vâng lời”. Tuốt tuột anh làm theo ý
mẹ, nghe theo sự sắp đặt của mẹ. Anh giỏi trong tri thức nhưng lại quá mù mờ về
bổn phận của thằng đàn ông. Anh nhanh nhẹn, hoạt bát trong các mối quan hệ xã
hội nhưng lại quá ngớ ngẩn trong ứng xử gia đình. Giữa hai người phụ nữ (mẹ và
vợ), anh cư xử như một thằng “trẻ con”: Không chính kiến, không suy nghĩ, không
hành động.
Mâu thuẫn giữa mẹ và vợ đã đẩy đến điểm đỉnh.
Cuộc chiến giành giật “quyền sở hữu” Tuấn - (theo chữ của Nguyễn Kiên là “vùng
khuất trong tiềm thức (...) có ẩn ức sinh lý”) - từ hai người đàn bà đã ở mức
quyết liệt, một mất một còn mà hành động của Tuấn vẫn chỉ là: Luống cuống quỳ
xuống chân mẹ, khóc rưng rức, van xin. Hành động “đáng kể” nhất của anh, được
Phạm Hoa viết: “May thay, hóa ra Tuấn lại tỉnh táo hơn cả”, là kéo vợ
chạy khỏi nhà, chạy ào ra đồng.
Giữa hai người phụ nữ yêu thương của mình,
Tuấn không biết phải làm gì (mà đúng ra anh chẳng chịu làm gì cả). Anh bị họ
giằng xé, đun đẩy. Anh là cái cớ để họ bám víu, để họ quyết chiến sống còn
nhưng anh vẫn bàng quan, vô cảm. Với họ, anh chỉ là con xúc sắc xinh xinh, đẹp
mắt cần phải độc chiếm. Với anh, họ là người thân yêu như ngàn vạn người khác
ngoài xã hội. Phạm Hoa đã lột tả tất cả sự nhu nhược, ươn hèn và ích kỷ trong
tâm lý và tính cách của Tuấn, chỉ qua một đoạn ngắn: “Tuấn cảm giác rõ sự
hết lời của mình. Giới hạn cuối cùng của cuộc xin xỏ đã hết. Chợt anh mỉm cười
mềm yếu và dễ dãi. Anh không thể chặt xác Loan ra làm ba được. Anh bỗng thấy
lạnh run người. Anh im lặng đứng dậy, nước mắt cũng thôi chảy. Vừa đi ra ngõ,
anh vừa thấy loáng thoáng ý nghĩ. Thôi mẹ muốn thế nào cũng được. Anh sẽ ra đi
vậy. Để cho các người ở lại giành giật, cắn xé lẫn nhau. Một khi đến yêu mà vẫn
không biết yêu thì tồn tại sao nổi. Chính lúc đó, trong con người anh như diễn
ra cuộc biến đổi dữ dội. Anh cảm thấy cô đơn, lạnh vắng, như đang lững thững
bước trên miền đất nào đó rất xa lạ.” Vâng! Tuấn đã “biến đổi dữ dội” (!)
để nhận ra sự cô đơn, vô vị, bất lực của mình nhưng anh vẫn không làm gì, ngoài
hành động bỏ trốn. Người đọc cảm mến anh ở những trang đầu bao nhiêu thì nay
bực tức anh bấy nhiêu, thậm chí lên án anh vì hành động trốn chạy, vô trách
nhiệm của mình.
Ích kỷ và nhu nhược phải chăng là tính cách
tạo nên con người Tuấn? Thằng đàn ông có dáng dấp mạnh mẽ, thành đạt của anh
chỉ là vỏ bọc của một tâm hồn yếu đuối, bạc nhược, của suy nghĩ rất con trẻ
chẳng biết làm gì và thật xa lạ với xã hội, đại diện cho những “cậu ấm” suốt
ngày quẩn quanh bên mẹ, yêu mẹ bằng sự tôn thờ tuyệt đối. Kết thúc truyện, hay
kết thúc bi kịch cuộc đời Tuấn là sự tan vỡ gia đình, là bước đi vô định của
anh giữa màn đêm cô tịch, để mãi mãi không còn ai thấy sự tồn tại của anh trên
cõi đời này.
Có lẽ Phạm Hoa đã gặp không ít người đàn ông
kiểu như Tuấn trong cuộc sống nên đã xây dựng nhân vật Tuấn trong ĐÙA CỦA TẠO
HÓA rất đặc trưng cho những chàng công tử chỉ được cái mẽ người “hào hoa và
diêm dúa” nhưng vô tích sự ở đời. Qua tác phẩm của mình, Phạm Hoa cảnh báo: Nếu
tình yêu của người mẹ dành cho cậu con trai theo kiểu “độc chiếm yêu thương” sẽ
biến con mình trở thành người đàn ông nhu nhược, yếu đuối và ích kỷ, hay còn
gọi là người đàn ông “nửa vời”, bị “cắt xén”. Sự ra đi của Tuấn là cần thiết
cho cho sự chấm dứt hình ảnh người đàn ông “trẻ con” yếu đuối về tâm hồn, nhu
nhược về tính cách đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội hiện đại.
*.
Làng Đá, mùa hè, năm 2002
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét