Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ "TÌNH NỞ" CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Tác giả: Châu Thạch

TÌNH NỞ

Nở ơi… đận ấy… trăng hè
Giả ngây Nở để Chí đè cưỡng yêu
Ơn trời đêm ấy Chí liều
Cháo hành Thị Nở còn phiêu đến giờ.

Vườn trăng nhễ nhại chẳng ngờ
Hương tình Thị Nở tới giờ vẫn tươi.
*
Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2013
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

CẢM NHẬN VỀ TÌNH NỞ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Chỉ mấy câu thơ ngắn gọn đã diễn đạt đến đỉnh cao của cảm xúc: cảm xúc xác thịt và cảm xúc tâm hồn. Đọc thơ, không ai không thấy máu nóng hình như cũng chảy rần rần trong da thịt mình trước cảnh ân ái dưới trăng của Thị Nở - Chí Phèo, hai con người bị dồn nén sinh lý lâu ngày. Đọc thơ ta cũng thấy yêu mến cái thứ tình chất phát trong tâm hồn của hai con người thật thà được bày tỏ qua tô cháo hành.
Ta thấy vườn trăng đêm ấy “nhễ nhại” nhưng không nhớp nhúa như những chốn lầu xanh đèn mờ, vì trong ánh trăng “nhễ nhại” đó nồng nàn một thứ “hương tình tới giờ vẫn tươi”.
Bài thơ nhắc đến Thị Nở và Chí Phèo, hai nhân vật trong truyện ngắn nổi tiếng có tên Chí Phèo của nhà văn Nam Cao xuất bản năm 1941, là một tác phẩm xuất sắc viết về tấn bi kịch của một nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội thời đó. Chuyện tình Thị Nở - Chí Phèo của nhà văn Nam Cao đã gây cảm hứng cho nhiều tác giả cảm tác về “Chí Phèo”, để cho ra đời những tác phẩm “Chí Phèo - Thị Nở” với diện mạo mới, tình tiết mới nhưng để diển tả hết cái chất nóng kích dục, cái hương tình âu yếm vọng đến trăm năm chỉ trong vài câu thơ ngắn gọn thì nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã thành công.
Chí Phèo là một tác phẩm văn học được nhà văn Nam Cao xây dựng những nhân vật chân thực, sống động, điển hình với ngôn ngữ tự nhiên, sinh động, gần với sinh hoạt của người nông dân thời phong kiến. Đây là một tác phẩm văn học đã phổ biến gần như với mọi người. Do đó nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã khôn khéo khi chỉ cần dùng những câu thơ ngắn, kích động được hồi ức của con người để hình ảnh của câu chuyện sống động lại trong lòng bạn đọc. Bài thơ không cần dài nhưng dựng được lại cả câu chuyện trong trí nhớ và cô đọng câu chuyện ấy trong chủ đề Tình Nở, tách và làm nổi bật phẩm chất ẩn chứa trong câu chuyện tình yêu độc đáo, vốn không đẹp dưới con mắt thường tình của đời.
Bằng hai câu thơ thôi, tác giả đã giới thiệu được nhân vật, thời khắc, khung cảnh, tâm lý nhân vật và toát yếu câu chuyện xảy ra:
Nở ơi… đận ấy… trăng hè
Giả ngây Nở để Chí đè cưỡng yêu
Đận ấy” là gì? Là tiếng địa phương của một vùng nào đó, chỉ về thời gian trong quá khứ, có nghĩa là lúc ấy hay thuở ấy. Khó có tác giả nào dám dùng chữ như thế, và sự “liều” dám dùng chữ “đận ấy” đã làm cho câu thơ trở nên mộc mạc, hòa hợp với câu chuyện của miền quê. “Giả ngây Nở để Chí đè cưỡng yêu”: Câu thơ hiển hiện lại đêm trăng trong trí óc ta, hiển hiện lại thân thể Thị Nở dưới trăng và làm nóng hổi trong đầu ta đoạn phim Chí Phèo cưỡng bức Thị Nở. Đọc hai câu thơ ta thấy gì? Ta thấy tình yêu diễn ra dưới trăng của hai con người dưới đáy xã hội không bần tiện chút nào. Nếu đọc chính truyện của Nạm Cao, không ai không cảm nhận trong đêm hôm đó, nhục dục của hai người trong truyện thiên về thú tính nhiều hơn. Qua thơ Đặng Xuân Xuyến, cái thú tính đó biến mất, chữ “giả ngây’ và chữ “cưỡng” không làm nặng nề bối cảnh mà cho ta hình dung được sự lý thú của hai con người tự nguyện đến với nhau.
Với hai câu thơ kế tiếp, tác giả cũng chỉ tóm tắt một phần thân bài của câu chuyện Chí Phèo nhưng gởi vào đó những từ ngữ làm nhẹ đi dục tính trong hành động của Chí Phèo và đặt vào câu chuyện một thứ tình đằm thắm, thiết tha như trở thành một kỷ niệm đẹp khắc trong lòng mỗi người:
Ơn trời đêm ấy Chí liều
Cháo hành Thị Nở còn phiêu đến giờ.
Với Chí Phèo thì không có “ơn trời” vì Chí Phèo chửi cả trời. Vậy “Ơn trời” là lời của tác giả với chủ đích như một lời trách nhẹ, trách âu yếm về cái hành động liều lĩnh của Chí. Chữ “phiêu” trong câu “Cháo hành Thị Nở còn phiêu đến giờ” cũng là lời của tác giả gởi vào lòng người đọc cái hơi nóng của tô cháo mà Chí Phèo đã thưởng thức trong đêm hôm ấy, làm cho “cháo” trở thành thú vị trong tâm tưởng ta ngày hôm nay. Hai câu thơ gây ấn tượng trong lòng ta, cho ta thấy một Chí Phèo ít thô lổ, ít cộc cằn hơn. Tình yêu của họ trở nên lý tưởng với tô cháo hành “còn phiêu đến giờ”. Từ đó, tác giả đã làm cho sự thích thú của Chí Phèo lan ra và kéo dài thời gian trong lòng người đọc thơ.
Và cuối cùng tác giả khẳng định hương thơm của tình yêu - của tính bản thiện - tỏa trong vườn trăng đêm ấy vẫn còn tươi mãi đến giờ:|
Vườn trăng nhễ nhại chẳng ngờ
Hương tình Thị Nở tới giờ vẫn tươi.
Sẽ có người không thích câu “Vườn trăng nhễ nhại” nhưng với tôi tác giả dùng chữ “nhễ nhại” vô cùng hợp lý. Nhễ nhại là ở trạng thái ướt đẫm, chảy thành dòng. Vườn trăng nhễ nhại là vườn tràn đầy ánh trăng nhưng ánh trăng không trong vắt. Đây là ánh trăng nhìn qua lăng kính của người thi sĩ. Họ nhìn ánh trăng qua tâm lý khi thấy cuộc tình đang diễn ra không phải là một cuộc tình nên thơ, có phần nhục dục. Cảnh và tình trong thơ phải hòa hợp với nhau, vì vậy tác giả phải khiến cho ánh trăng không còn trong như chính nó. Hai câu thơ cuối cho ta cảm nhận một thứ hương rất lạ, đó là thứ hương tình (bản thiện) của Thị Nở, một thứ hương tình hiếm có ở những người phụ nữ bình thường.  
Tình Nở là một bài thơ cho ta hai cảm xúc. Cảm xúc ở tâm hồn đem đến cho ta cảm nhận hương vị của một mối tình bình dân, chân chất và mộc mạc. Cái hương vị đó ta không tìm thấy khi đọc chính truyện của nhà văn Nam Cao. Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã đặt vào trong sáu câu thơ ngắn của mình những từ ngữ thích đáng như “ơn trời”, “giả ngây”, “cưỡng yêu”, “hương tình”, “vẫn tươi” để thi vị hóa cái đêm hôm đó, làm cho Tình Nở gây hình ảnh đẹp trong thơ và tạo ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc. Cái cảm xúc trong tâm hồn mà tác giả tạo ra trong thơ làm cho sự cảm xúc trong xác thịt bớt đi tính dục. Từ đó hơi nóng tình dục chảy trong người khi nhớ lại cảnh ái ân đầy bản năng dưới trăng không còn lõa lồ khó nhìn nữa, mà nó trở nên một bức tranh nghệ thuật tả chân.
Có thể nói, Tình Nở của Đặng Xuân Xuyến đã cô đọng thi đề, thi tứ, thi ý trong những câu thơ súc tích. Thơ ngắn nên sức khái quát thật cao. Sự lựa chọn để miêu tả những khoảng khắc dồn nén thật đúng lúc và tuyệt vời. Bài thơ cũng tạo một cái nhìn mới vào truyện ngắn Chí Phèo mà từ lâu, đã được giảng dạy ở học đường theo một định hướng không hoàn toàn của nó ./.
*
Đà Nẵng, ngày 13/04/2017
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
Email: truongvantran@hotmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét