Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

CÂY CẢNH NGÀY TẾT: NHỮNG CÂY CẢNH ĐEM LẠI VẬN MAY - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

 

CÂY CẢNH NGÀY TẾT:

NHỮNG CÂY CẢNH ĐEM LẠI VẬN MAY

*

CHƠI ĐÀO NGÀY TẾT ĐỂ TIỄU MA TRỪ QUỶ, ĐEM LẠI MAY MẮN, HẠNH PHÚC 

Theo tín ngưỡng dân gian, cây hoa đào được xem là tinh hoa của Ngũ Hành, tượng trưng cho sự sinh sôi mạnh mẽ, có sức mạnh trừ tà, trị quỷ, nên mỗi khi tết đến, người dân (Bắc Bộ) thường chọn đào (cây hoặc cành) bài trí trong nhà để nghênh đón một năm may mắn, no đủ và hạnh phúc với gia đình.

Đào bài trí đón tết phải là đào đẹp, có hoa cánh kép, màu thắm, cành đều, gốc thẳng. Thân đào phải chắc, khỏe. Cành đào phải vừa phải, dăm (nhánh nhỏ nhất của cành đào) phải vút thẳng ra ngoài tán, nụ hoa phải trải đều từ đầu tới cuối dăm. 

Khi chọn đào phải có đủ bộ “tứ quý”: Hoa, nụ, lộc và quả, bởi theo tín ngưỡng dân gian, đó là biểu tượng đầy đủ cho sự sung túc, đề huề phải có của gia đình. 

Thú chơi hoa đào ngày tết được diễn giải theo sự tích cây hoa đào trong truyền thuyết dân gian Bắc Bộ:

Ngày xưa, ở phía đông núi Sóc Sơn (Hà Nội), có một cây đào mọc đã lâu đời. Cành lá xum xuê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng lớn. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây đào, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng. Với sức mạnh phi thường của mình các vị thần đã giúp dân diệt trừ ma quái, có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của hai vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy.

Ðến ngày cuối năm, như các vị thần khác, hai vị thần Trà và Uất Lũy cũng phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Đề phòng mấy ngày tết, khi hai thần vắng mặt ở trần gian, lũ ma quỷ sẽ hoành hành, làm khổ muôn dân, các thần đã bày cho người dân cách để lũ ma quỷ khỏi quấy phá: Bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, hoặc lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần dán ở cột trước nhà. Chỉ cần nhìn thấy hoa đào hay hình vẽ hình hai vị thần trên giấy hồng là ma quỷ sẽ thi nhau bỏ chạy.

Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ và cầu mong sự ấm no, hạnh phúc sẽ đến với gia đình.

Ngoài việc chơi đào ngày tết để trừ ma quỷ, rước tài lộc, may mắn, dân gian còn dùng đào (tranh hoặc tượng) để kích hoạt vận đào hoa cho người muộn vợ muộn chồng, bằng cách: Treo một bức tranh cây đào có quả trong phòng riêng ở cung tình duyên (góc Tây Nam) của người “ế vợ ế chồng” hoặc đặt một bức tượng hình cây đào ở hướng Tây Nam của ngôi nhà để người đó gặp may mắn trong tình duyên.

 

CÂY QUẤT - THỂ HIỆN SỰ SUM VẦY, SUNG TÚC VÀ MAY MẮN 

Theo quan niệm dân gian, cây quất là biểu tượng của sự sung túc, của thành tựu quanh năm, tượng trưng cho sự thu hoạch “bội thu” và cũng là sự khởi đầu tốt đẹp về tài, lộc cho một năm mới.

Đồng thời, cây quất còn là biểu tượng của sự bình an, trường thọ và may mắn trong tình duyên. Vì thế, mỗi khi tết đến, người ta thường mua một cây quất có gốc, thân cứng cáp, lộc lá xanh tươi, hoa quả xum xuê, tầng thế hài hòa, cân xứng... bài trí trong nhà, để cầu mong khởi đầu một năm mới tốt đẹp cho các thành viên trong gia đình.

Cây quất được coi là đẹp, là lý tưởng phải hội tụ đủ tứ quý, bao gồm: 

- Dáng: Đẹp tự nhiên, thẳng, không gò ép; thân, gốc cứng cáp, không có chỗ lõm vào, thò ra; tán tròn đều; tầng thế hài hòa, cân xứng... 

- Lá: To nhưng thưa, xanh và bóng mượt. Lá nhỏ, vàng là quất xấu, có khả năng cây đang bị thối rễ.

- Quả: Có quả xanh, quả chín, nhưng phải to tròn, căng mọng, không sai quá, không nhiều quả xanh quá; các chùm quả khoe đều về các phía. Quả bé là quất xấu, cây đang bị sâu bệnh hoặc thối rễ.

- Nụ, lộc: Nhiều nụ và nhiều lộc non xanh mơn mởn, đặc biệt phải có đủ búp, quả non, hoa và nụ.

 

MAI VÀNG - BIỂU TƯỢNG CỦA TRỪ TÀ ĐUỔI QUỶ, ĐEM LẠI MAY MẮN 

Thú chơi hoa mai vàng ngày tết, phổ biến ở vùng Nam Bộ, được coi là biểu tượng của tín ngưỡng việc trừ tà, đuổi quỷ, đem lại may mắn, tài lộc cho con người... được diễn giải qua SỰ TÍCH CÂY MAI VÀNG trong truyền thuyết dân gian Nam Bộ:

Xưa có cô gái tên Mai, con của người thợ săn rất gan dạ và can đảm. Năm lên mười bốn tuổi, cô đã được cha đào luyện trở thành nữ hiệp sĩ tài giỏi và tinh thông võ thuật. Lúc đó, ở làng kế bên có một con yêu tinh đến quấy phá, dân làng treo giải ai giết được nó sẽ được trọng trưởng. Thế là hai cha con lên đường giết yêu tinh. Sau khi giết được yêu tinh trở về, danh tiếng của hai cha con vang dội khắp nơi. 

Vài năm sau, người cha già đi nhiều, sức khoẻ cũng ngày một yếu; còn cô gái bước qua tuổi 18, khỏe mạnh và ngày càng tinh thông võ thuật. 

Năm ấy, có con rắn tinh xuất hiện, giết hại biết bao người. Dân làng lại đến khẩn khoản cha con cô đi giết rắn tinh trừ họa. Trước ngày lên đường, người mẹ may cho cô một chiếc áo màu vàng rất đẹp và cô hứa ngày trở về sẽ mặc chiếc áo ấy để mẹ nhìn thấy từ xa. Lúc giáp trận, người cha vì sức yếu nên chẳng mấy chốc đã bị yêu tinh quật ngã, chỉ còn mình cô chống chọi quyết liệt. Cuối cùng cô cũng giết chết được rắn tinh nhưng rủi thay, trước khi chết, rắn tinh đã vùng dậy, dùng đuôi quấn và xiết chết cô.

Cảm thương trước tấm lòng nghĩa hiệp của cô và sự đau đớn tột cùng của người mẹ, Ngọc Hoàng đã cho cô mỗi năm được sống lại chin ngày - từ 28 tháng Chạp đến mùng 6 Tết để trở về đoàn tụ với gia đình. 

Về sau, khi người mẹ mất, cô gái không trở về nhà nữa mà hóa thành một cây mọc bên ngôi miếu mà dân làng đã lập để thờ cúng cô. Dân làng thấy cây lạ cứ trổ hoa vàng suốt chin ngày Tết nên đã lấy tên cô đặt cho cây là cây hoa Mai và chiết nhánh mang về trồng khắp nơi để trừ tà đuổi quỷ, mang lại bình yên cho gia đình.

Chơi mai ngày tết. không cầu kỳ như chơi đào, chơi quất nhưng chậu mai ngày tết cũng phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản:

- Nụ và hoa: Không quá ít cũng không quá nhiều; được phân bố đều, đẹp mắt. Thường thì người ta chọn hoa màu vàng tươi hoặc vàng chanh với những đóa hoa 5 - 6 cánh, tươi tắn không dập nát, không bị vặt do hoa nở quá sớm. Khi chọn được chậu hoa mai như thế sẽ tạo nên một không gian sáng, bắt mắt và ấm cúng.

- Lá: Không nhiều nhưng phải có vài cành lộc tươi, non, xanh mơn mởn mới mong mang tài lộc đến cho gia chủ.


CÂY NGỌC BÍCH MANG LẠI TÀI VẬN DỒI DÀO 

Cây ngọc bích còn được gọi là cây phỉ thúy, cây tình bạn, cây may mắn hoặc cây thường xanh.

Lá ngọc bích màu xanh hình tròn giống đồng xu, dày thịt và mọng nước. Là loài cây bản địa Nam Phi, không ưa nước, dễ nhân giống, chỉ cần lấy 1 chiếc lá đặt xuống đất ẩm, lá sẽ nảy mầm mọc thành cây mới nên ngọc bích thường được trồng làm cây cảnh trong nhà.

Theo quan niệm phong thủy thì cành lá của ngọc bích tượng trưng cho tài sản, tiền bạc; khi cây ra hoa sẽ tượng trưng cho sự giàu sang hạnh phúc được nhân đôi của gia chủ. Vì thế, trong văn hóa Á Đông, cây ngọc bích được coi là biểu tượng cho tài lộc. 

Là loài lá nhỏ nên cây ngọc bích được xếp vào họ cây thuộc hành Kim, vì thế nên đặt chúng ở hướng Tây (hướng thuộc hành Kim) hoặc Tây Bắc, sẽ có tác dụng kích hoạt tích cực dòng năng lượng về tài lộc.

Theo ứng dụng của phong thủy cổ đại, ngọc bích có tác dụng chiêu tài do vậy nếu được đặt đúng vị trí sẽ mang lại nhiều may mắn về sức khỏe và tài lộc. Vì thế, các thương gia thường đặt cây ngọc bích ở quầy thu ngân, phòng kế toán hoặc ở lối đi vào cửa hàng, văn phòng... nhằm kích hoạt dòng năng lượng về tài lộc của không gian (doanh nghiệp) luôn được hưng vượng.

Người ta tối kỵ đặt cây ngọc bích ở hướng Đông Nam (khu vực tài lộc) vì theo lý thuyết của phong thủy thì năng lượng Kim của cây sẽ xung khắc với năng lượng Mộc của hướng đó, sẽ làm cho dòng năng lượng về tài lộc của khu vực tài lộc bị trì trệ, suy yếu.

Dân gian còn cho rằng cây ngọc bích cũng có tác dụng tốt về mặt sức khỏe, vì thế nên đặt chậu ngọc bích ở bên cửa sổ vừa tạo cảnh đẹp cho ngôi nhà, lại tăng cường sức khỏe tốt cho gia chủ.

 

CÂY PHÁT LỘC BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ MAY MẮN 

Theo tín ngưỡng dân gian thì cây phát lộc là biểu tượng của may mắn, sức khỏe và thịnh vượng. Loài cây này không chỉ làm tăng nguồn năng lượng tích cực cho không gian sinh sống mà còn có tác dụng làm phục hồi các dòng năng lượng bị trì trệ trong không gian, giúp cho ngôi nhà hoặc văn phòng căng đầy sinh khí, mang đến nhiều vận may về lộc tài và hạnh phúc cho người cư ngụ.

Số lượng cành (hoặc cây) có ý nghĩa như sau:

1 cành: Là biểu tượng cho sự đơn giản và những vận may mang đến từ xung quanh.

2 cành: Là biểu tượng cho SONG HỶ và những mối quan hệ tốt đẹp.

3 cành: Là biểu tượng cho sự trường thọ, hạnh phúc và thịnh vượng.

4 cành: Là biểu tượng cho cuộc sống tốt đẹp, với những thành công vượt trội về học tập, sáng tạo. Tuy nhiên, tiếng Trung Quốc âm của số 4 (tứ) gần giống với âm chữ TỬ (chết), đó là sự bất hạnh nên không mấy ai dùng 4 cành (hoặc 4 cây) trang trí trong nhà ở hoặc văn phòng.

5 cành: Là biểu tượng cho sự cân bằng mọi yếu tố trong cuộc sống với đầy đủ may mắn và hạnh phúc.

6 cành: Là biểu tượng cho sự may mắn nhiều về công danh, tiền bạc.

7 cành: Là biểu tượng cho sức khỏe và những may mắn đem đến từ các mối quan hệ.

8 cành: Là biểu tượng cho sự may mắn và nhiều tài lộc.

9 cành: Là biểu tượng cho sức khỏe, thịnh vượng và cuộc sống tốt đẹp.

10 cành: Là biểu tượng cho cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

11 cành: Là biểu tượng cho cuộc sống của gia đình luôn được may mắn.

21 cành: Là biểu tượng cho cuộc sống được ban tặng những phước lành.

Cây phát lộc đã dễ trồng, sức sống lại mãnh liệt nên việc trang trí một bình (hoặc chậu) phát lộc trong nhà để đem lại những vận may về sức khỏe, tài lộc và hạnh phúc cho gia đình cũng nên lắm chứ?

 

HOA THỦY TIÊN - KHỬ TÀ, VƯỢNG KHÍ, ĐEM LẠI CÁT TƯỜNG 

Hoa thủy tiên được xem là loài hoa thanh tao, quyền quý và được coi như biểu tượng của sự kiêu sa và quá yêu thương bản thân mình.

Thủy tiên là loài cây có thân hành, lá mịn, mọc thẳng, hoa nở vào mùa xuân. Loại được chọn làm cây cảnh để chiêu tài nạp lộc khi tết đến xuân về thường là thủy tinh hoa màu trắng, sáu cánh trắng như tuyết, nhị hoanhư một cái ly màu vàng ở giữa, chung quanh mép viền một vòng đỏ thẫm, hương thơm rất dịu.

Tín ngưỡng dân gian tin hoa thủy tiên màu trắng có tác dụng khử tà, vượng tài khí và đem lại cát tường cho gia đình nên những ngày cuối năm, thủy tiên được chăm sóc cẩn thận để hoa nở đúng dịp tết, thường là vào lúc giao thừa, để cầu mong tài lộc sung túc và may mắn đến với gia đình.

Xưa, người chơi hoa rất kỵ hoa thủy tiên màu vàng vì cho rằng nếu để hoa thủy tiên màu vàng trong nhà sẽ gặp chuyện xui xẻo (do hoa thủy tiên màu vàng luôn rủ đầu xuống), có thể còn đem lại nước mắt và bất hạnh. Nay, người chơi hoa lại coi màu vàng tươi sáng của hoa là biểu tượng của sự hồi sinh, là dấu hiệu cho sự bắt đầu của một mùa xuân ấm áp nên hoa thủy tiên màu vàng dần được ưa chuộng.

Tuy nhiên, do e ngại hoa thủy tiên có thể mang lại sự phù phiếm bất hạnh cho cô dâu, nên dù là hoa thủy tiên màu trắng thì cũng không bao giờ được hiện diện trong đám cưới.


Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

Mời thư giãn với nhạc phẩm BÀI CA TẾT CHO EM

của Quốc Dũng, qua tiếng hát Quang Lê:

(Trích từ: TÌM HIỂU VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG TRONG DÂN GIAN của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà Xuất bản Thanh Hóa 2007)

.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét