Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

VÀI SUY NGHĨ VỀ MẤY CÂU KẾT BÀI THƠ 'KHÓC GIỮA BAN CHIỀU' CỦA NGUYỄN TUYỂN - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

 

VÀI SUY NGHĨ VỀ MẤY CÂU KẾT

BÀI THƠ "KHÓC GIỮA BAN CHIỀU"

CỦA NGUYỄN TUYỂN

*

Trằn trọc mãi không ngủ được, tôi lang thang dạo facebook và gặp bài thơ "Khóc Giữa Ban Chiều" của nhà thơ Nguyễn Tuyển. Thú thật, ban đầu tôi nghĩ, bài thơ của anh cũng giống ngàn vạn bài thơ khác trên các trang mạng xã hội: đọc xong sẽ quên liền vì bài thơ không có gì đặc biệt khiến người đọc phải chú ý:  

(Tác giả Đặng Xuân Xuyến)

KHÓC GIỮA BAN CHIỀU

 

Mẹ ạ!

chiều nay con lại nhớ

Chiếc chõng tre ọp ẹp thủa nào

Thèm một giấc ngủ vùi như chưa có

Để nghe tròn một khúc ca dao.

 

Cho con hiểu vì sao biển mặn

Giọt mồ hôi, giọt nước mắt như là

Cho con hiểu sóng bạc đầu dâu bể

Trăm năm Cò mãi bay lả, bay la.

 

Mẹ ạ!

chiều nay con lại nhớ

Chiếc áo xưa khâu vá trăm đường

Mắt mẹ yếu vụng đường kim mũi chỉ

Nhưng mặc vào vẫn rộn khúc yêu thương.

 

Lối con bước mênh mang.

bàn tay mẹ

Nâng con qua trăm thác vạn ghềnh

Cho con thấy thêm bao điều mới mẽ

Phía chân trời luôn rộng mở thênh thênh.

 

Mẹ ạ!

chiều nay con nhớ quá

Cắn môi mình

mặn chát một rẻo quê...

*.

NGUYỄN TUYỂN

Nhưng rồi mấy câu kết bài thơ cứ vấn vít trong đầu, "bắt" tôi phải đọc lại bài thơ:

"Mẹ ạ!

chiều nay con nhớ quá

Cắn môi mình

mặn chát một rẻo quê..."

Những câu thơ tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại có sức nặng giữ cho bài thơ "Khóc Giữa Ban Chiều" nằm lại trong trí nhớ bạn đọc bởi những câu thơ này được viết bằng cảm xúc chân thực của nhà thơ nên ngôn ngữ thơ ăn nhập với hồn thơ, khiến hình tượng thơ sống động. Những câu thơ kết bài thơ không chỉ là điểm sáng của bài thơ mà còn là trụ cột giữ cho bài thơ đứng được. Cũng giống như bài thơ “Dấu Hỏi” của tôi: “Rau trên luống chắc gì rau sẽ sạch / Người thôn quê đâu hẳn sẽ chân quê / Rượu ngàn trận chửa tin là tình bạn / Ngủ mòn gường chưa dám gọi tình nhân”, nếu không có chữ “mòn” trong câu “Ngủ mòn giường chưa dám gọi tình nhân” thì bài thơ cũng sẽ trôi tuột khi đọc xong “Dấu Hỏi”. Lạ thế! Đôi khi chỉ vài câu thơ, thậm chỉ chỉ một câu thơ hoặc một chữ thôi cũng đủ tạo cho bài thơ gây ấn tượng, để bài thơ găm vào trí nhớ người đọc.

Đọc: "Mẹ ạ! / chiều nay con nhớ quá / Cắn môi mình / mặn chát một rẻo quê..." tôi cũng thấy se lòng, cũng bất giác có cùng tâm trạng "cắn môi mình" để khỏi bật ra tiếng nấc.

Vâng, thơ hay, thơ gây được cảm xúc với bạn đọc là những câu thơ được viết ra từ khúc xạ chân thực mạch đập của trái tim, không phải là những câu thơ đẹp mã được làm xiếc câu chữ, đọc lên nghe kêu, nghe vang nhưng rối rắm, vô hồn. Câu: "Mẹ ạ / chiều nay con nhớ quá / Cắn môi mình / mặn chát một rẻo quê…", hệt ngôn ngữ thường nhật trong cuộc sống nhưng lấy được tình cảm của bạn đọc bởi những câu thơ này chân thực, có hồn, gợi được nhiều cảm xúc với bạn đọc.

*.

Hà Nội, sáng 16 tháng 12-2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét