Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

CHUYỆN COMMENT CỦA LINH AMA - Tạp văn Đặng Xuân Xuyến



CHUYỆN COMMENT
CỦA LINH AMA
*
Sáng ngày 05 tháng 12.2018, đọc bài thơ "Mùi Con Gái" của Mạc Phong Tuyền, tôi cảm hứng viết "Hương Đêm", đề tặng Mạc Phong Tuyền trên dòng thời gian facebook cá nhân.
HƯƠNG ĐÊM
- Tặng Mạc Phong Tuyền
Nhân đọc MÙI CON GÁI -

Mười sáu trăng tròn
Trốn mẹ
Em ngẩn ngơ mùi trai mười bảy
Níu hương đêm
Em
khỏa tóc thề.

“Tháng Tư về...”
Bờ đê...
xòa tay
Em trộn mùi trai mười bảy
nướng lưng trần bỏng nhãy...
Vít
Hương đêm...
*.
Hà Nội, sáng 05.12.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không lâu, nick Linh Ama nhảy vào, "phang" luôn:
- Tôi yêu cái "Mùi con gái..." của Mạc Phong Tuyền, nhưng thú thực dị hợm cái "mùi con trai..." của bạn Đặng Xuân Xuyến!
Tôi ngạc nhiên vì tôi làm gì có "bạn" tự nhiên đến quên cả phép lịch sự như vậy. Tôi nghĩ, Linh Ama có thể là một cô (cậu) nhóc quãng 13, 14 tuổi, bạn facebook của nhà thơ rất trẻ Mạc Phong Tuyền (anh sinh năm 1988 thì phải), định không trả lời nhưng rồi đắn đo nhỡ may đó là một “ai đó cũng đã lơn lớn tuổi” thì sao nên tôi nhã nhặn trả lời chung chung, không dùng đại từ nhân xưng:
- Cám ơn Linh Ama đã đọc và chia sẻ!
Trần Hải Sơn, là hàng xóm ở Đường Láng, cũng là bạn facebook của tôi, có lẽ bực khi đọc comment của Linh Ama nên đã lên tiếng. Linh Ama cao giọng:
- Trần Hải Sơn / Bạn phải biết vì sao mình mang cái tên như đang mang? Lương thiện là căn cốt định đề, trung thực là phẩm hạnh bầu bạn. Với mong muốn bầu bạn, tôi thấy cần cho "Mùi con trai..." vài roi! Thế là thương nhau đấy, bạn hiểu không?
Tôi phì cười: - Ồ “bạn này” la nhỉ? Không thích thơ của tôi thì đừng đọc, can cớ gì mà đay đảy đay đảy kêu "dị hợm"? Thơ tình của tôi tuy thường viết rất phồn thực nhưng không hề dâm tục, nếu không "cảm" được thì "mũ Ni che tai", lấy quyền gì mà "thấy cần cho "Mùi con trai ... " vài roi!".
Tôi tặc lưỡi: - "Có lẽ “nhóc” Linh Ama trẻ người non dạ loạn ngôn vậy thôi chứ chắc gì ý thức được việc mình làm" nên nhắn tin cho Trần Hải Sơn:
- Chú đừng lời qua tiếng lại với "nhóc" Linh Ama nữa. Trẻ con nói luyên thuyên cho có vẻ là người lớn, đôi co làm gì với trẻ con người ta cười cho.
Bẵng đi một thời gian, tối qua 13 tháng 12.2019 Trần Hải Sơn điện thoại cho tôi:
- Anh ơi em vừa tra ra Linh Ama là một nhà thơ, nhà báo và nhà gì gì nữa em quên rồi. Ông ấy khoe là 3 nhà trong 1, bút danh báo chí là Ama Linh, có nghĩa là cha cái Linh (cha của Lê Đào Ngọc Linh sinh năm 1985 ở Gia Lai), từng sống ở Buôn Mê Thuột 20 năm, mới chuyển về Sài Gòn.
Tôi lẩm bẩm:
- Bác nhà báo Ama Linh này lạ nhỉ? Không thích “mùi con trai” nhưng “đã chót” đọc “Hương Đêm” rồi thì tảng lờ như chưa đọc hoặc comment vài dòng chỉ ra cái dở, cái “dị hợm” của HƯƠNG ĐÊM, thế mới là “mong muốn bầu bạn”, mới thực là người lớn. Đã cư xử phản cảm, bác nhà báo này còn “chọc tức” Trần Hải Sơn làm gì: “Bạn phải biết vì sao mình mang cái tên như đang mang? Lương thiện là căn cốt định đề, trung thực là phẩm hạnh bầu bạn. Với mong muốn bầu bạn, tôi thấy cần cho "Mùi con trai..." vài roi! Thế là thương nhau đấy, bạn hiểu không?”, khiến cậu em Trần Hải Sơn ấm ức bao ngày.
Uầy... Văn chương chữ nghĩa vốn khiến người ta hành xử tử tế hơn, lịch sự và lương thiện hơn cơ mà ...  

Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐI BÊN ANH MÙA XUÂN
của Lê Quang, qua tiếng hát Mỹ Tâm:
           
*.
Hà Nội, ngày 14 tháng 12.2019
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét