(Trái qua phải: Nguyễn Thành Nam, Đặng Xuân Xuyến, Đặng Tuấn Hưng và Nguyễn Tùng Linh tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh năm 2018) |
RU CON
- với con yêu Đặng Tuấn Hưng -
Con mỗi ngày mỗi lớn
Mình mỗi ngày mỗi già
Tóc thêm dày sợi bạc
Đêm trở mình nhiều hơn.
Lặng nhìn con nằm ngủ
Ngổn ngang mối tơ vò
Ầu ơ... thương cái ngủ
Giấu nỗi buồn trong thơ.
Giận “người lớn” dạy hư
Khiến con thơ phải khổ
Con níu vào giấc ngủ
Kiếm nụ cười trong mơ
Con như búp non tơ
Cần đời cha bóng cả
Cha đã qua mùa hạ
Chở che con mấy mùa?
Ầu ơ... Ơi cái ngủ
Ngủ ngoan nào con yêu...
*.
Hà Nội, chiều 20 tháng 08 năm 2013
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
ĐỌC “RU CON” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Thường thì người ta hay dùng lục bát để ầu ơ ru
con, có mấy ai dám dùng thể thơ ngũ ngôn để ru con. Ấy thế mà nhà thơ Đặng Xuân
Xuyến đã mang thể thơ ngũ ngôn âm dương cân đối, nhịp điệu hùng khí để ru con.
Âu cũng là cái may, cái mạnh để nhà thơ diễn đạt cái tình của mình.
Bài thơ đi thẳng luôn vào vấn đề, không kể lể dài
dòng, không trình bày nguyên nhân, đã dựng được một khung cảnh chân thật, cảm
động:
Con mỗi ngày mỗi
lớn
Mình mỗi ngày mỗi
già
Tóc thêm dày sợi
bạc
Đêm trở mình nhiều
hơn.
Ngay ở khổ thơ đầu, đã khắc họa hình ảnh người
cha với những đường nét đặc biệt: Đó là người cha độc thân, gánh cả thiên chức
làm cha và làm mẹ. Đó là người cha cô đơn, đang cảm nhận sự già yếu của bản
thân theo thời gian (tóc thêm dày sợi bạc) nên càng trăn trở,
lo lắng cho tương lai của đứa con, khiến “Đêm
trở mình nhiều hơn”.
Hình ảnh người cha “lặng nhìn con nằm ngủ” trong khung cảnh tĩnh lặng với trĩu nặng
yêu thương ấy, tưởng yên bình mà lại hừng hực cái tâm biến động:
Lặng nhìn con nằm
ngủ
Ngổn ngang mối tơ
vò
Ầu ơ... thương cái
ngủ
Giấu nỗi buồn trong
thơ.
Hành động “Giấu nỗi buồn trong thơ” không phải là
để trốn tránh hiện thực mà là giấu đi những nỗi buồn, để con thơ luôn được vui
tươi trong sự chở che, bảo bọc của người cha.
Bài thơ đi tiếp với nhịp trầm trầm như tự sự:
Giận “người lớn”
dạy hư
Khiến con thơ phải
khổ
Con níu vào giấc
ngủ
Kiếm nụ cười trong
mơ
Không một lời kể lể, không một câu đấu tố “kẻ”
được gọi là “người lớn” đã “dạy hư”, làm khổ đứa con bé bỏng của
mình, nhưng trong thơ đã hiện lên hoạt cảnh đầy kịch tính, xúc động: Con níu vào giấc ngủ
Kiếm nụ cười trong mơ.
Đọc đến đây tôi đã khóc,
khóc thật sự bởi hình ảnh “con níu vào
giấc ngủ” chứ không phải níu con vào giấc ngủ - “Kiếm nụ cười trong mơ” chứ không phải nở nụ cười trong mơ. Động từ
“níu” và “kiếm” sử dụng thật đắt và sống động,
gây được xúc cảm: Một đứa trẻ ở lứa tuổi rất ngây thơ trong sáng đã sớm hiểu
chuyện, ý thức được thiệt thòi của mình mà “níu
vào giấc ngủ” để “kiếm nụ cười trong
mơ”, để tự bù đắp những thua
thiệt cho mình. Và người cha, cảm được những giọt lệ âm thầm của người con,
hiểu được những khao khát, thua thiệt của người con, đã lặng nhìn con ngủ với
những xót xa trĩu nặng. Dù không vạch tội cụ thể “người lớn” nào đã làm khổ con mình nhưng người đọc vẫn nhận diện ra
kẻ đó là ai và cảm nhận được nỗi uất hận trào dâng trong lòng người cha
đối với kẻ nhẫn tâm làm khổ con mình. Đây là khổ thơ mấu chốt. Cấu tứ đặc biệt
này tạo dòng chảy sức sống của bài thơ.
Con như búp non tơ
Cần đời cha bóng cả
Cha đã qua mùa hạ
Chở che con mấy
mùa?
Nhà thơ đã dùng thủ pháp
so sánh đối tỉ để hiện lên khuôn mặt non tơ của con thơ bên gương mặt cương
nghị và bóng dáng lồng lộng của người cha dẫu đã qua mùa hạ rực lửa vẫn vững
vàng chở che cho đứa con bé bỏng của mình. Tôi hơi ngạc nhiên với dấu chấm hỏi
“?” ở cuối khổ thơ này: “Chở che con mấy
mùa?”. Phải chăng, vì sợ sức khỏe và tuổi già sẽ không thể che chở cho con
đến khi con trưởng thành nên người cha mới nặng lòng đến thế? Theo tôi, giá cứ
chấm than “!” có lẽ sẽ gợi cảm, tạo hồn thơ hơn.
Ầu ơ... Ơi cái ngủ
Ngủ ngoan nào con
yêu...
Bài thơ dừng lại rất đúng lúc, đã khơi dòng mãn
đạt tình cảm cha con, đã bừng sáng lên niềm tin vào tương lai tốt đẹp. Dù vậy, Ru
con vẫn chưa thật sự là bài thơ hay, mới chỉ đạt ở mức khá được.
Tiêu đề bài thơ tuy cũ, cấu tứ thơ lại hiền lành
nhưng sự chân thực được cất lên từ tình yêu thương con vô bờ của người cha đã
khiến bài thơ sống động, có sức truyền cảm, làm run rẩy, xúc động trái tim
người đọc. Đấy chính là cái thành công, cái được của Ru con!
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐÔI CHÂN TRẦN
của Phôn Kcor, qua tiếng hát Ya Suy:
*
Hà Nội, ngày 17/04/2017
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Khoan Tế, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét