Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

'LẠC' CỦA KHÉT - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

 

"LẠC" CỦA KHÉT 

*

(Tác giả Đặng Xuân Xuyến)

Nhận được tập thơ "Mình Mắc Cạn Vào Nhau" của Khét (Trần Đức Tin) gửi tặng chiều qua, 05 tháng 05 năm 2021. Cầm tập thơ nho nhỏ xinh xinh, chừng trăm trang in, tôi muốn đọc một lèo rồi viết vài dòng cảm nhận về tâp thơ, để đáp lại sự quý yêu của Khét nhưng sách in cỡ chữ nhỏ quá mà lưng thì đau, cánh tay lại nhức buốt, cử động rất khó khăn nên cả tối qua vất vả lắm tôi mới đọc được vài bài. Những lúc thế này mới thấy sức khỏe thật đáng quý.

Thơ Khét, như mấy bài tôi vừa đọc, có cách viết khá giống với phần đông những cây viết trẻ: làm mới, lạ và "độc" trong cách sử dụng câu từ nhưng giọng thơ của Khét thì lại khá ấn tượng, rất riêng biệt của Khét. Bài "Lạc" là một bài thơ như thế:

LẠC

Những đứa trẻ

lạc

đường

đi hoang như chưa từng có mẹ

thổi khúc sáo tiêu dao, trâu mỏi mòn gặm nhấm

thèm uống nửa trưa đồng nắng hạ, nứt nẻ chân đất soi bóng những hố bom

con lia thia quẫy đuôi, không trôi được nỗi buồn

những đứa trẻ

lạc

đường

thèm lời à ơi, câu chuyện bà kể dù cổ tích không thiêng

trơ vơ

Bụt

tuốt sợi rơm vàng, ngồi khóc để con diều ăn gió

ăn hết những yêu thương.

*.

Khét (Trần Đức Tin)

Khét viết về "Những đứa trẻ / lạc / đường" với lối ví von rất ngộ nghĩnh: "đi hoang như chưa từng có mẹ". Thì hẳn là vậy mà! Không có Mẹ thì không có sự chằm bặp yêu thương, không có sự dẫn dắt dạy bảo, thì khổ lắm, dễ lầm đường lạc lối lắm. Nhưng lạ là ở văn bản bằng chữ của "Lạc", Khét ghi cụ thể: "như chưa từng có mẹ" thì rõ ràng chính "những đứa trẻ" đã tự ý thức "lạc đường", tự chối bỏ vòng tay yêu thương chở che của "mẹ" để "đi hoang", để tự dời bỏ Quê Hương mang theo nỗi đau của kẻ xa xứ, không nhà. Nghĩa đen là vậy. Ẩn ý ở những câu chữ này là gì? "Lạ" và "ngộ nghĩnh" ở sự ví von này sao cứ làm đau trái tim người đọc khi những câu thơ cứ nhoi nhói bắt người đọc liên tưởng tới thực trạng những hình ảnh xám xịt màu đen trong xã hội hiện tại?!

Khét viết tiếp về chuyện "đi hoang" của "những đứa trẻ" bằng những cách ghép chữ mới, lạ, với những hình ảnh gợi nhiều cảm xúc:

"thổi khúc sáo tiêu dao, trâu mỏi mòn gặm nhấm

thèm uống nửa trưa đồng nắng hạ, nứt nẻ chân đất soi bóng những hố bom

con lia thia quẫy đuôi, không trôi được nỗi buồn"

Những câu: “thèm uống nửa trưa đồng nắng hạ, nứt nẻ chân đất soi bóng những hố bom”, "con lia thia quẫy đuôi, không trôi được nỗi buồn" thật xót xa, nhiều ám ảnh.

Khét viết tiếp ước mơ của "những đứa trẻ" tự bỏ nhà "đi hoang": "thèm lời à ơi, câu chuyện bà kể" bằng tiếp tục ý thức tự đánh lừa niềm tin vì đã biết "dù cổ tích không thiêng", vẫn cố bấu víu vào hy vọng huyễn hoặc sẽ có được chút phép nhiệm màu của những câu chuyện "cổ tích" để có được cuộc sống bình thường với “mẹ”, với Quê hương....  

Nhưng sự thực cuộc sống hiện tại theo Khét kể sao mà đắng chát, mà đằm những xót xa:

"trơ vơ

Bụt

tuốt sợi rơm vàng, ngồi khóc để con diều ăn gió

ăn hết những yêu thương."

"Bụt" trong truyện cổ tích là một ông Tiên có phép nhiệm màu luôn chớ che, bảo vệ, luôn đem đến những yêu thương, hạnh phúc cho con người còn "Bụt" trong "Lạc" của Khét lại là một ông Bụt “trơ vơ”, bất lực “tuốt sợi rơm vàng, ngồi khóc để con diều ăn gió”, "ăn hết những yêu thương."... Phép nhiệm màu của Bụt, của ông Tiên trong niềm tin ngàn đời của người dân Việt đã bất lực trước sự hoành hành đang chiếm thế thương phong của cái ác.

Đọc những câu thơ này của Khét, tôi nhớ hình như đã nghe ở đâu đó, đọc ở đâu đó lời ngợi ca về một "ông Tiên", một ông "Bụt" hiện hữu giữa đời thường còn nhân đức hơn nhiều ông tiên, ông "Bụt" trong truyện cổ tích… nhưng mà suốt từ sáng đến giờ tôi vẫn không thể nhớ ra.

*.

Hà Nội, trưa 06 tháng 05.2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét