Cuống quýt với thơ
Lử đử cùng thơ
Say thơ như điếu đổ.
Cả đời
Đánh đổi
Được gì?
- Dăm ba bài thơ dán tem "thơ bụi'. (1)
Thiếu vợ
Thiếu con
Đâu phải Kép Tư Bền
Sao cứ bắt miệng cười tim héo.
Đời lắt léo
Phận eo sèo
Thây kệ thế gian úp mở.
Giả ngố
Mượn chữ bày trò
Vác thơ
Tưng tửng.
................
(1): Chữ dùng của nhà thơ Nguyễn Khôi
*.
Ân Thi, đêm 22 tháng 04.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
ĐỌC “VĂN THÙY DỊ NHÂN” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Tôi đã được đọc thơ và một số bài viết ca ngợi nhà thơ Văn Thùy in báo và
đăng trên trang mạng rộng rãi, nhưng chưa một lần gặp mặt. Tình cờ một ngày đầu
xuân năm nay (tháng 3/2017) tôi sang Ân Thi - Hưng Yên thăm nhà người bạn và
gặp Văn Thùy cũng có mặt trong cuộc vui không hẹn này. Thì ra anh là người cùng
quê với anh bạn trẻ tôi quen. Còn Văn Thùy không biết hàng ngày và ở những cuộc
gặp gỡ khác anh ăn vận ra sao. Trước mặt tôi lúc này với chiếc nón nan rộng
vành và tấm áo dài thâm phai màu, chưa thể nhìn được khuôn mặt, bộ râu cùng mái
tóc muối tiêu tung tỏa … nom anh như nhân vật dấu mặt trong những bộ phim kiếm
hiệp của Kim Dung từ đâu xuất hiện. Có lẽ hình ảnh nón nan với áo trùng than
này đã tạo cho người đời nhìn nhà thơ Văn Thùy thành “Dị nhân” đi kèm với tuổi
tên chăng? Tôi quan sát anh khi xếp thứ “áo nón phường tuồng” đi, là một ông
lão tuy đã râu tóc phai màu nhưng còn nhanh nhẹn, đôi mắt sáng, bộ comple tôn
thêm vẻ ngoài đĩnh đạc của một thi nhân khi hai tay đón lấy chén trà… Tan cuộc,
anh tặng tôi hai tập sách dày dặn: Tập thơ “Mảnh ghép của thơ Việt” và tập “Thư pháp” có nhiều bức vẽ chữ cho chính những câu thơ anh tâm đắc
đã gửi cùng đời. Và anh khoe đã bán được hơn “BẨY CHỤC TRIỆU ĐỒNG” sau hàng
tháng bán thơ, vẽ thơ ở Văn Miếu - Hà Nội…
Ngày tháng trôi đi… chiều qua tôi đọc được bài thơ của Đặng Xuân Xuyến vẽ
chân dung của người thơ Văn Thùy đã gợi lại những câu thơ và nét thư pháp bâng
khuâng của con người xương thịt “Văn Thùy” khi tiễn tôi ở Ân Thi ra về thêm một
đoạn đường, không nón để râu tóc được tự do bay trong gió. Nhưng khi sống cùng
thơ trong bức chân dung của Đặng Xuân Xuyến vẽ anh thì say thơ, mê thơ đến “cuống quýt”, “lử đử” như đã bị thơ lấy mất đi hồn vía, lấy mất đi chính cả cuộc
đời đã hơn bẩy mươi năm bút mực dốc cạn mà không biết có phút nào nhận ra mình:
Cả đời
Đánh đổi
Được gì?
- Dăm ba bài thơ, dán tem “thơ bụi”
Câu thơ như thể nét cắt sắc lẻm, đau tận xương tủy cho những ai đã đi cùng
thơ sắp hết đời mình với bao mơ mộng chứa chan khi cầm bút từng mong, không thi
hào thi bá thì cũng để lại chút danh thơm như Nguyễn Công Trứ từng ghi “Đã sinh ra ở trong trời đất/ Phải có danh gì
với núi sông”. Giờ nhìn lại, còn lại:
“Dăm ba bài thơ dán tem “thơ bụi”
Đau hơn, cuộc sống bình thường, đời thường no đói, giàu nghèo, sang hèn gì
ai cũng có một tổ ấm vợ, con xum họp mới là đời người, mới là cuộc sống… Người
thơ ở đây không biết còn lý do gì ngoài sự mê đắm thi ca hay chỉ vì “Dăm ba bài thơ dán tem thơ bụi” đã đổi
cả hạnh phúc êm ấm gia đình:
Thiếu vợ
Thiếu con.
Viết đến đây, hình ảnh Văn Thùy để đầu trần phóng xe
tiễn tôi thêm một quãng qua thị trấn Ân Thi bỗng thoáng hiện về trong trí nhớ:
Một người hơn bẩy mươi tuổi còn tháo vát nhanh nhẹn như vậy, anh như tự lý giải
cho những câu thơ của Đặng Xuân Xuyến, lý giải cuộc đời này:
Đời lắt léo
Phận eo sèo
Thây kệ thế gian úp mở
Đã thế thì anh việc gì phải: Giả ngố/
Mượn chữ bày trò/ Vác thơ/ Tưng tửng như Đặng Xuân Xuyến đã khắc họa? Bởi tất cả
từng trải, mất mát và bao nhiêu nỗi buồn đau của giấc mơ bệnh lý do nàng thơ ám
ảnh suốt cả đời người đã làm cho con tim khô héo, có thể phẩy tay “Thây kệ thế gian…” thì con người Văn
Thùy cũng đủ bản lĩnh nhìn thẳng vào đời với cái nhìn khinh bạc thật sự, không
cần “Giả ngố”, không cần phải “Mượn chữ bày trò” anh đã đem chính những
câu thơ mình, dùng thêm “hoa tay thư pháp”
vẽ thành tranh trước Văn Miếu, Quốc Tử Giám bán cho bàn dân thiên hạ. Liệu có
bao người làm thơ dám đem ra bán giữa chợ đời như anh.
Qua bài thơ Văn Thùy “Dị nhân”,
Đặng Xuân Xuyến đã thành công ở những nét đặc tả một dạng thi sĩ số phận lận
đận trong cuộc sống cơm áo con người.
*.
CHỬ VĂN
LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.
Email: haicv08@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét