Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

MỘT CHÚT TÂM TÌNH VỀ THƠ MẠC PHONG TUYỀN - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

 

MỘT CHÚT TÂM TÌNH VỀ THƠ

MẠC PHONG TUYỀN

*

(Tác giả Đặng Xuân Xuyến)

Nhà thơ trẻ Mạc Phong Tuyền là người rất kỹ tính trong sáng tác. Một bài thơ từ lúc là bản nháp đến khi anh đưa ra giới thiệu với bạn đọc có thể đến vài tuần, vài tháng, thậm chí ngay cả khi bài thơ đã công bố rồi anh vẫn sửa đi sửa lại, sửa tới sửa lui, hôm nay ưng cái bụng nhưng ngày mai chưa chắc cái bụng anh còn ưng. Vì thế mà câu chữ anh chọn dùng thường mới, lạ và có nhiều sáng tạo trong cách sử dụng ngôn từ. Có những chữ “cũ kỹ”, “quê mùa” từ chốn dân dã, thôn quê bỗng trở nên lạ, đẹp, “đắt” trong thơ Mạc Phong Tuyền, và chính những chịu khó tìm tòi làm mới cách thể hiện văn cảnh đã tạo phong cách thơ cá tính, độc đáo, rất của riêng Mạc Phong Tuyền. Sự “làm mới” mang nhiều yếu tố phá cách này như con dao 2 lưỡi, có thể đẩy bài thơ lên cao nhưng cũng có thể đạp bài thơ xuống tận cùng thất bại. Thật mừng, trong vốn liếng thơ ca của Mạc Phong Tuyền, có khá nhiều bài gây ấn tượng mạnh với bạn đọc bởi cấu tứ lạ, bởi những thao tác làm mới cách thể hiện khiến những câu chữ “cũ kỹ”, đời thường trở nên sinh động, mềm mại, đẹp, lạ, vẫn giữ được chất dân dã chân quê mà lại thêm nét khoáng đạt, hiện đại.

Những người theo trường phái thơ "siêu thực", "cách tân" sẽ thích thơ của Mạc Phong Tuyền vì cấu tứ lạ, vì sự bóng bảy, đa nghĩa, bí hiểm và sáng tạo trong cách sử dụng câu chữ. Phái này quan niệm thơ càng rối rắm, càng bóng bảy, khó hiểu và đa nghĩa thì tài của nhà thơ càng cao, càng “tuyệt bút”. Nhưng những người trung thành với lối thơ truyền thống sẽ không thích thơ Mạc Phong Tuyền vì ngoài sự bóng bẩy, bí hiểm, người đọc khó tìm thấy những rung cảm của nhà thơ nên không tạo được sự đồng cảm với người đọc. Phái chuộng lối thơ truyền thống cho rằng: Thơ rối rắm kiểu đánh đố người đọc, lại vô hồn, không tạo được sự đồng cảm với người đọc thì đấy là điểm chưa thành công của người làm thơ.

Thực ra, thơ của Mạc Phong Tuyền không rối rắm, bí hiểm như thơ của các nhà thơ thuộc trường phái “cách tân”, “siêu thực”. Anh chịu khó tìm tòi làm mới cách thể hiện câu chữ để tạo những hình ảnh lạ mà đẹp trong thơ, và cũng khá nhiều bài thơ của anh găm sâu trong trí nhớ người đọc. Tuy nhiên cũng có những trường hợp anh “làm mới” còn đuối, chưa đạt nên những bạn đọc khó tính cho là “tạo dáng”, là xa lạ, khó hiểu. Có lẽ vì vậy mà người yêu thơ anh cũng nhiều mà người “lánh” thơ anh cũng không ít.

Chặp gần Tết năm 2021, anh tâm sự qua messenger, bài thơ "Nhớ Huế", ban đầu anh công bố trên trang facebook cá nhân:

Hổm rồi ghé chợ Đông Ba

Ngỡ rằng Huế đắt Huế la Huế rầy

Ai dè Huế vẫn thơ ngây

Tôi về Vỹ Dạ - nhớ - đày đọa tôi...

nhưng sau những chỉnh sửa, anh công bố lại "Nhớ Huế" với "diện mạo" hoàn toàn mới:

Hổm rồi ghé chợ Đông Ba

Ngỡ rằng Huế đắt xắt ra miếng rồi

Thần Kinh vẫn nếp xưa thôi

Tôi về Vỹ Dạ - nhớ - tồi tội tôi...

thì bạn đọc Quỳnh Hương bình luận: - "Bữa trước tôi rất thích cái tứ "đày đọa", hôm nay tôi vào xem lại thấy đổi “đày đọa” thành “tồi tội” lấy làm tiếc lắm.".

Khi đọc những tâm sự của Mạc Phong Tuyền qua messenger, tôi trả lời anh, chưa bàn đến sự hay dở của "Nhớ Huế" với những chỉnh sửa ở 3/4 câu thơ trong bài "Nhớ Huế" nhưng tôi thích 2 chữ "tồi tội" hơn vì 3 chữ "tồi tội tôi" khiến câu thơ: "Tôi về Vỹ Dạ - nhớ - tồi tội tôi..." gợi được nhiều cảm xúc của nhiều cung bậc tình cảm: hờn tủi, luyến tiếc, nhớ nhung,... nhẹ nhàng quyện vào nhau để nỗi bâng khuâng dành cho Huế thêm da diết, xóa đi tâm trạng nặng nề và cảm giác cảm xúc không thật như khi dùng 2 chữ "đày đọa". Sự thay đổi ở câu cuối này làm “dư vị” đất cố đô thêm bâng khuâng, thao thiết.

Mạc Phong Tuyền yêu thơ, làm thơ theo cách chơi thơ rất riêng như thế.

-------------

MỜI NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:

- Về phong cách bình thơ của Châu Thạchl

- Chuyện về thầy xem tướng Bùi Cao Thếl

- Thầy phong thủy Bùi Đồng và những comment bình thơl

- Đọc Nguyễn Xuân Dương bình thơl

- Đọc Đỗ Hoàng “cảm” Nguyễn Bình Phươngl

- Nguyễn Hoàng Đức qua mấy bài viết tôi đã đọcl

- Tưng tửng 7 chuyện cùng Nguyễn Đăng Hànhl

- Vài lời về mấy bài viết gần đây của ông Nguyên Lạcl

- Thơ Việt chỉ có thể nhảy vọt khi có biến cố lịch sửl

- Sát thủ thơ Trần Thanh Dũng và thi tập 6/8l

- Đọc “Dọc đường gió bụi”l

- Nguyễn Thanh Bình-Bông Dã Quỳ trong nắng chiều thu muộnl

-----------------------------

Trái qua phải: Nhà báo Trần Tiến, nhà thơ Nguyễn Đăng Hành, nhà thơ Thanh Huyền, nhà thơ Mạc Phong Tuyền ; ngày 5 tháng 7-2020.

*.

Hà Nội, sáng 16 tháng 07-2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét