VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC ‘RU CON’
CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
*
RU CON
- Với con yêu Đặng Tuấn Hưng -
Con mỗi ngày mỗi lớn
Mình mỗi ngày mỗi già
Tóc thêm dày sợi bạc
Đêm trở mình nhiều hơn.
Lặng nhìn con nằm ngủ
Ngổn ngang mối tơ vò
Ầu ơ... thương cái ngủ
Giấu nỗi buồn trong thơ.
Giận “người lớn” dạy hư
Khiến con thơ phải khổ
Con níu vào giấc ngủ
Kiếm nụ cười trong mơ
Con như búp non tơ
Cần đời cha bóng cả
Cha đã qua mùa hạ
Chở che con mấy mùa?
Ầu ơ... Ơi cái ngủ
Ngủ ngoan nào con yêu...
*.
Hà Nội, đêm 20 tháng 08 năm 2013
ĐẶNG
XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH:
(Tác giả Bùi Đồng) |
Đàn ông ru con thì cứ thế mà ru, chả ai thèm để ý xem có
đúng chủ trương, đường lối một cách ngớ ngẩn nữa.
Mình thích cách diễn giải của tác giả vì nó phóng khoáng,
chân thật nhưng cũng rất thơ.
Khổ thật, khi đọc thơ lại phải xem quan điểm thế nào,
viết có nhiều người thích không... để rồi mất mình, mất thơ, mất cái khoái
thong dong khi nhắm thơ.
Đặng Xuân Xuyến đã tránh được điều đó nên rất thân thiện
với người đọc và thơ cũng tự nhiên hay, chả cần thủ pháp, nguyên tắc, quan điểm
gì cả.
...Lặng nhìn con nằm ngủ
Ngổn ngang mối tơ vò..
Đây là khoảnh khắc thú nhất và thật nhất của đời người.
Ai không có những phút thế này thật thiệt thòi vì lúc này cảm xúc bề bộn,
thiêng liêng và pha trộn nhiều lắm, tình bố con cũng lớn dần từ đây, người đọc
thơ dễ bỏ qua tình tiết này nên thật phí.
Ầu ơ...thương cái ngủ
Giấu nỗi buồn trong thơ
Câu thơ này đã làm nên bài thơ mà mạch của nó tự nhiên
như củ khoai hạt lúa.
Thương lắm cái ngủ, thương cả tiếng ầu ơ trầm buồn chậm
rãi để giấu đi tâm trạng, lo lắng, sợ hãi khi nghĩ về tương lai của con mình.
Tình bố khác với tình mẹ, nó không ồn ào, phơi bầy vì nó
quá sâu chứ không phải cơi đựng trầu... Lo lắm chứ bởi những thói hư tật xấu
của cuộc đời lây lan sang con, di truyền sang con dù vô tình hay cố ý.
Người ta bảo thơ hay ở chỗ khi tác giả không định làm thơ
thì mới hay được! Có lẽ đúng.
Con níu vào giấc ngủ
Cách biểu cảm thật hay. Trẻ con lớn lên trong giấc ngủ mà
giấc ngủ đó rất cần:
Cần đời cha bóng cả
Chở che con mấy mùa...
Cám ơn Đặng Xuân Xuyến và cám ơn anh Nguyễn Đăng Hành đã
cho mình có cơ hội tiếp xúc và cảm nhận được bài thơ.
*.
Thành Nam, 16.11.2019
BÙI ĐỒNG
Địa chỉ: 3/176 Phan Đình Phùng,
t/p Nam Định.
Email: hatbuinhangian.db@gmail.com
Điện thoại: 0902191804
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét