NHÀ THƠ NGUYỄN THANH LÂM
CẢM NHẬN THƠ ĐẶNG XUÂN
XUYẾN
*
THIẾU NỮ
.
Ô kìa người ngọc giữa sớm mai
Áo xiêm trễ nải chả chịu cài
Ngực nõn phập phồng ru hồn gió
Bổng đảo in hồng trong mắt ai.
*.
Hà Nội, ngày 05/02/2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
ĐẾN VỚI “THIẾU NỮ”, BÀI THƠ HAY CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Trong không khí mùa xuân
Đinh Dậu (2017), mọi người của thế kỷ 21 này đón xuân, đón tết cổ truyền không
còn thèm khát ở sự ăn mà ở sự chơi, hưởng thú vui tinh thần, không màng đến “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”. Nhưng tìm
thú vui tinh thần đâu phải dễ dàng, bởi xã hội tình người vô cảm, âu lo và bất
an nhiễm vào hồn người như một căn bệnh - căn bệnh của loài người.
May mắn thay tôi đọc
được bài thơ “Thiếu nữ” của Đặng
Xuân Xuyến. Bài thơ cho tâm hồn thư giãn, quên hết những bất trắc âu lo trong
cõi tục trần, bài thơ như bức tranh không phải để ngắm bằng mắt mà ngắm bằng
hồn. Ru hồn trong từng câu chữ và từng câu chữ hiện lên bóng hình của người đẹp
- người ngọc. Ôi đã là đàn ông không biết thưởng thức vẻ đẹp của “Thiếu nữ” chẳng đáng buồn sao!
Đầu đề bài thơ là “Thiếu nữ” nghĩa là tuổi còn tơ non như
hoa đương nụ, như trăng mới nhú, gái ở tuổi dậy thì. Tàng ẩn những điều kỳ diệu
cho hồn tha hồ tưởng tượng, sự tưởng tượng đến bến bờ yêu say đắm và dịu ngọt
trong hồn không thể cưỡng được. Đến nỗi nhà thơ phải thốt lên: “Ô kìa” - “Ô kìa người ngọc giữa sớm mai”. Chữ “Ô kìa” như sự thảng thốt bất ngờ ngoài ý
tưởng. Có gì khác thường, khác với thông lệ, khác với nếp nghĩ của nhà thơ.
Chắc nhà thơ nghĩ rằng người đẹp sẽ phải đoan trang e lệ, “Dín gió e sương”, nhất là giữa sớm mai càng phải kín đáo hơn. Chữ
sớm mai biểu thị thời gian tươi mới nõn nà của thiếu nữ. Thế mà thiếu nữ ấy: “Áo xiêm trễ nải chả chịu cài”. Một bức
tranh nude cho người xem tưởng đến trường phái hội họa thời phục hưng rất gợi
cảm và gợi dục. Xưa ở Việt Nam nữ sỹ Xuân Hương đã vẽ bức tranh thiếu nữ ngủ
ngày rất phồn thực: “Thiếu nữ nằm chơi
quá giấc nồng/… Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa
thông/ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở ở không xong”.
Bức tranh thơ của Đặng
Xuân Xuyến chỉ là bức tranh phồn thực mờ, đòi hỏi sức tưởng tượng, nude nhưng
mờ ảo. “Chả chịu cài” có nghĩa là có
phần kín có phần hở và phải có phẩn hở phần kín mới nên thơ. Gợi giác quan cảm
xúc. Chất thi sỹ cũng là ở đây, nếu hở quá lộ quá sẽ không còn thơ nữa, chính
vì vậy: “Ngực nõn phập phồng ru hồn gió”.
Gió bị ru hồn hay thi nhân bị thôi miên, thiếu chữ “ru hồn gió” sẽ mất thiêng, gió còn bị ru hồn thì người còn bị ru
hồn hơn. Nếu nói ngôn ngữ của tuổi trẻ thì còn bị “Phê” hơn.
Nếu đổi lại câu thơ “Phập phồng ngực nõn” thì sẽ bị giảm cái
hay cái thực của chủ thể “Ngực nõn”.
Chẳng khác gì nói: “Hồng thắm làn môi”
mà phải nói “làn môi hồng thắm” mới
chính xác. Thế mới biết làm thơ như đánh cờ, như sự sắp đặt cuộc đời vậy. Đánh
cờ quân nào đi trước, đứng trước, quân nào đi sau, ván cờ tình yêu - cuộc sống
cũng vậy, cũng phải có luật chơi và phải hiểu luật mới chơi được. Chữ “Ru hồn gió” tạo chất say của câu thơ,
tài của nhà thơ là biết điều khiển câu chữ cho hợp với đạo thơ. “Bồng đảo in hồng trong mắt ai” hay ở chữ
“in hồng”. Trong mắt như có lửa - lửa
của đắm say, nhưng chỉ hồng thôi mà không chói, sự đam mê vừa tới, vừa đủ. Chói
quá - nhìn kỹ quá sợ làm đau bồng đảo. Cách thưởng thức vẻ đẹp bằng sức cảm của
tâm hồn không trần tục thì mới là thơ.
“Trong mắt ai” nhà thơ nhìn thấy mà lại “trong mắt ai”. Lòng thi sỹ cảm giác vẻ đẹp ấy là của trời, không
phải của mình, có chút gì đấy như sự “ghen”,
ghen với đời, bâng quơ ghen với ai, sự ghen đáng yêu của tuổi 50 tự biết mình,
tiếc cho mình!
Ôi. Trong mùa xuân khao
khát niềm vui tinh thần hơn vật chất này, được thưởng một bài thơ “Thiếu nữ” - Nude như xem bức tranh bằng
hồn thật đáng quý biết bao!
*
NGUYỄN THANH LÂM
Địa chỉ: Số 4/179 Minh Khai, Hai
Bà Trưng, Hà Nội
Email: thanhlam.tho@gmail.com
.
.
CHUNG
- Tặng Quỳnh Hương -
.
Em có cần anh không?
Nếu cần anh hãy cùng anh chung sống
Gạo nấu chung nồi
Chăn trùm chung gối
Ta chia chung ánh mắt nụ cười...
.
Đừng ngại em ời...
Giường nhà anh đủ dài, đủ rộng
Chăn nhà anh đủ ấm, đủ nồng
Ta khêu ngọn lửa hồng
Ta nối câu quan họ
Ta bện mây với gió
Kết thành thuyền chơi trăng...
.
Em sẽ là buồm căng
Anh sẽ là gió lộng
Thuyền trăng mình thơ mộng
Dập dìu giữa biển xanh
Em. Nào, về với anh!
*.
Hà Nội, trưa 25 tháng 04. 2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
ĐẾN VỚI BÀI THƠ “CHUNG” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Đã lâu… tôi mới nghe
được một thông điệp tình yêu - lời tỏ tình mộc mạc,
giản đơn mà chân thành, vừa cổ điển vừa hiện đại. Lời tỏ tình từ tâm can, không
ấp úng rụt rè vụng dại của tuổi trẻ mới vào đời, mà là lời tỏ tình của người đã
trải qua những cung bậc thăng trầm trong tình ái, đã bước vào ngôi đền tình yêu
thắp nén tâm hương của lòng mình và nghe được thần ái tình mách bảo lẽ hằng
thường vĩnh cửu - bền vững của tình yêu. Tiếng nói
của thần ái tình thường thì thầm trong lòng con người, nhưng không phải ai cũng
nghe rõ. Hình như trời cho trái tim thơ của Đặng Xuân Xuyến nghe được tiếng nói
tâm linh.
Trong kinh dịch quẻ Hàm
là đạo vợ chồng - tiếp nối đến quẻ Hằng là đạo dài
lâu. Sự dài lâu nào cũng có nguyên lý của nó như nhu cầu thiết yếu trong cuộc
sống con người. Như khí trời, không có khí trời thì vạn vật và con người không
thể tồn tại và con người cũng cần tình yêu như khí trời vậy, “Đến sỏi đá cũng
cần có nhau” thì con người sinh ra trong trời đất không có tình yêu và tình vợ
chồng chẳng có lỗi với tạo hóa lắm sao!
“Em có
cần anh không”, một câu hỏi tưởng giản đơn bình thường nhưng đầy nội lực,
không trải qua những thao thức với tình yêu, không hiểu thấu nguồn cội của tình
yêu, đặc biệt là tình yêu vợ chồng là sự hằng thường lâu dài không thể tỏ tình
từ tâm can như vậy. Chữ “cần” vừa
mang sức nặng của câu thơ, vừa là ngọn lửa minh bạch và chân thành thắp sáng
trong ngôi đền tình yêu của mọi lứa đôi trong cõi đời này. Thiếu sự “cần” ấy
mọi cuộc tình sẽ thành tẻ nhạt. Ngược lý của cần là không cần, ôi không cần nhau
thì đâu còn là tình yêu nữa.
“Em có
cần anh không”. Cần là một nhu cầu như nhu cầu hít thở để bảo toàn sự sống
con người, và con người không có tình yêu như trái đất thiếu mặt trời là điều tất
nhiên. Nhưng câu hỏi này đối tượng được hỏi phải là người nào? Mới gặp nhau,
mới biết nhau mà hỏi như vậy thật là vô duyên. Đặng Xuân Xuyến tặng bài thơ này
cho Quỳnh Hương có nghĩa là 2 người đã hiểu nhau, biết nhau lâu rồi. Quỳnh
Hương đã là không khí trong lành trong lồng ngực nồng nàn của nhà thơ hít thơ,
nàng đã là bài thơ mà Đặng Xuân Xuyến là tác giả. Cũng có trường hợp 1 bóng
hồng lướt qua đã rung động cho thi nhân làm thơ tặng, nhưng tôi dám chắc rằng
không có nhà thơ nào dám cả gan hỏi “Em
có cần anh không” như Đặng Xuân Xuyến.
Sau câu hỏi “Em có cần anh không” thì câu thứ 2 sinh
ra là lẽ tất nhiên “Nếu cần hãy cùng anh
chung sống”. Lòng thành của nhà thơ cụ thể hơn, tính mục đích rõ ràng minh
bạch hơn, câu thơ như ánh nắng hồi hộp thở trong hoa, ánh mắt của nhà thơ đang
ngước lên thành kính đợi chờ vị thần tình ái của lòng mình. Sự chân thành như
sóng đã dâng lên là hối hả vỗ bờ, và mọi sự chân thực đều ngắn gọn và rõ ràng:
Gạo nấu chung nồi
Chăn trùm chung gối
Ta chia chung ánh mắt nụ cười
Lời tỏ tình đến đây
tưởng như đã đủ, nhưng với tình yêu đặc biệt là tình yêu chân thành thì nói
biết bao nhiêu cho vừa. Xuân Diệu:
Đã hôn rồi
Hôn lại
Hôn mãi mãi muôn đời
Anh mới thôi dào dạt
Đặng Xuân Xuyến là nhà
thơ hậu sinh cái gen đa tình bay bổng của thơ đã nhiễm với gen đời. Anh vẫn tỏ
tình với ngôn ngữ mộc mạc:
Đừng ngại em ời
Giường nhà anh đủ dài đủ rộng
Chăn nhà anh đủ ấm đủ nồng
Câu thơ gọi hồn những
trang cổ tích, cho người đọc trôi ngược về cội nguồn nề nếp cha ông, nhưng cũng
rất hiện đại trong cuộc sống hôm nay. Chữ “đủ”
là linh hồn của câu thơ, đủ có nghĩa là không thừa không thiếu, đủ mang hồn của
triết học phương đông, kín đáo nói với người tình của mình và cho tất cả những
lứa đôi, những cặp vợ chồng và cả chúng ta: mọi sự ở đời này hãy tự cho là đủ -
thì sẽ đủ. Tôi nghe thấy tiếng Lão Tử cười thầm và tay khẽ vuốt râu - Đạo đã
thành thơ.
Cái đẹp của thơ Đặng
Xuân Xuyến là sự mộc mạc vì hồn cốt của anh mộc mạc. Nhưng cái mộc mạc của
chàng trai quê Hưng Yên đã già nửa đời ra đi dan díu với kinh thành, nên vẻ đẹp
mộc mạc mang một vẻ đẹp khác. Sau những điều cụ thể của sự “cần” có anh không,
của gạo chung nồi, chăn chung, gối chung của căn nhà đủ dài đủ rộng, sự mộc mạc
của thơ bay lên với tất cả nỗi lòng:
Ta khêu ngọn lửa hồng
Ta nối câu quan họ
Ta bện mây với gió
Kết thành thuyền chơi trăng.
Khêu ngọn lửa hồng ý tưởng của câu
thơ mang nỗi lo xa, cẩn thận gìn giữ tình yêu, ngọn lửa tình yêu khêu lên, thắp
sáng không chỉ một đêm nay, đêm mai mà sáng cả một đời. Câu quan họ không chỉ
hát trong đêm nay mà “Ta nối câu quan họ”
nối dài mãi ngân vang mãi trong cả đời. Chữ “khêu” và chữ “nối” đọc
lướt qua sẽ không thấy nỗi lòng của nhà thơ.
Từ bệ phóng của đời
sống, của lòng chân thành hồn thơ bay lên, tình yêu ảo diệu lung linh “Ta
bện mây với gió/ Kết thành thuyền chơi trăng”. Bàn tay của ái tình thật
kỳ diệu “Bện mây với gió”, chủ thể và
khách thể giao hòa - anh với em là một. Anh không nhớ anh là mây hay là gió, em
không nhớ em là gió hay là mây. Như Liệt Tử nói: “Ta cưỡi gió hay gió cưỡi ta”, gió và mây quện vào nhau kết thành
con thuyền chơi trăng, và con thuyền chơi trăng ấy vừa có, vừa không mang sắc
màu huyền bi đạo phật. Bơi trong cuộc sống vĩnh hằng. Đọc đến đây mới thấm thía
chữ “cần”. Mây cần có gió, gió cần có
mây để hóa con thuyền chơi trăng và vui sống trong cõi đời này.
Nếu là tôi, tôi sẽ dừng
bài thơ ở đây. Nhưng nhà thơ đang yêu, đang say nên dù đã qua sự tột đỉnh thăng
hoa, nhưng tình yêu hoàn nguyên cho anh sức khỏe, vẫn yêu tiếp:
Em sẽ là buồm căng
Anh sẽ là gió lộng
Thuyền trăng mình thơ mộng
Dập dìu giữa biển xanh
Em, nào, về với anh.
Buồm căng và gió lộng là
ý thơ không có gì mới, không say lòng người bằng “Bện mây với gió”, “Thuyền
trăng mình thơ mộng/ Dập dìu giữa biển xanh” tưởng là hình ảnh đẹp của thơ
nhưng đã thiếu lửa, không cháy như sự đam mê quấn bện vào nhau như mây gió.
Thế mới biết làm thơ cực
khó, thêm một chữ thì thừa, bớt một câu thì thiếu. Ngoài sự xúc động thực, vốn
đời cần có tư tưởng và câu chữ bầu lên nhà thơ.
Ở bài thơ này một số chữ
tôi đã phân tích ở trên đã bầu lên nhà thơ Đặng Xuân Xuyến.
Câu kết: “Em, nào, về với anh”. Một câu nói thừa
nhưng lòng tôi hình dung hình ảnh bàn tay nắm bàn tay, đôi tình nhân cùng nhau
tung tăng bước vào ngôi nhà hạnh phúc. Tôi thầm cầu trời sự hình dung mong đợi
của tôi và của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến thành sự thật.
*.
NGUYỄN THANH LÂM
Địa chỉ: Số 4/179 Minh Khai, Hai
Bà Trưng, Hà Nội
Email: thanhlam.tho@gmail.com
.
.
CUỒNG YÊU
- Chú giải: Bài
thơ này Đặng Xuân Xuyến viết tặng một số bạn đọc có hôn nhân trắc trở, không phải
là bài kệ, bài phú luận sao tình dục, vì thế bạn đọc yêu thích môn tử vi chỉ nên
coi là những dòng cảm thán về một số trường hợp dễ đưa hôn nhân đến thất bại,
vì bài thơ chỉ đưa ra những ý nghĩa nguyên thủy của một số sao, bộ sao, chưa chịu
sự tác động, chi phối của Âm Dương Ngũ Hành, của Cách-Cục, và ảnh hưởng qua lại
giữa các tinh đẩu… được biểu hiện cụ thể trên từng lá số.
.
Ta đầu hàng! Xin tạo hóa buông tha
Mệt mỏi lắm Kiếp cư Tài hãm địa
Nát Phu-Thê bởi chềnh hềnh Cô-Quả
Sao nỡ bồi hội Phá-Phục-Hình-Riêu?
.
Ta sợ rồi những phép thử tình yêu
Đã Tham hãm còn đặt Đào trực chiếu
Kiếp trai lơ nhiễu nhương tình dâm
loạn
Hội Riêu-Đà thêm bi lụy chiếu chăn.
.
Cơ-Lương-Thìn gặp Tuần-Triệt cắt
ngăn
Khiến Phu-Thê đảo chao bao trắc trở
Ngắm thiên hạ líu lo tình chồng vợ
Thêm mủi lòng cời bếp lửa trơ vơ.
.
Đêm vặn mình cạn kiệt những hoang mơ
Ngày lặng lặng gặm khối tình man dại
Xúi Tam Minh cúi đầu nghe vô lại
Ngạo nghễ cười Riêu nhập chủ dâm
bôn.
.
Giữa hồng trần lẳng lặng chọn cô đơn
Sát Tý-Ngọ hội Kiếp-Riêu thành khốn
Gái dại giai rải tình trăm bến bãi
Trai trải lòng hoang hoải những bờ
vai.
.
Vợ chồng mình nào khác vợ chồng ai
Cũng ái ân cũng ánh nhìn đằm đắm
Sao người ta nói cười vui vạn dặm
Còn mình thì lệ ngược chảy vào tim?
.
Có lẽ vì Mã-Lộc hội Phá-Tham?
Hay sát tinh gặp Âm Dương lạc hãm?
Ừ. Tham-Sát hội cung nên thê thảm
Gái giang hồ, trai tứ chiếng đề tên?
.
Mệt lắm rồi! Xin tạo hóa lãng quên
Buông Mã-Lương đóng ở nơi Tỵ-Hợi
Đời mỉa mai: lũ loạn dâm, làm đĩ
Gột bao giờ mới hết được tiếng nhơ?
.
Đạo vợ chồng nào đâu dám thờ ơ
Nhưng Tử-Tham ở cùng nơi Mão-Dậu
Uẩn khúc đấy, tình trường này, cố
giấu
Cửa thiền môn xin dựa bóng sớm
chiều!
.
Biết phận mình khoác số kẻ cuồng yêu
Tình chồng vợ như trưa chiều đổi áo
Tuế-Kỵ-Cô hay Đồng-Riêu trở tráo
Cũng dâm ô, đắc kép tựa Mã-Đào
.
Số phận này oan nghiệt bởi trời cao
Ta phẫn uất. Hận bàn tay tạo hóa
Trời cao hỡi! Trời cao ơi! Đểu quá!
Cho đẹp rồi lại phá bởi cuồng yêu!
*
Hà Nội, chiều 10 tháng 11.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
ĐẾN VỚI BÀI THƠ MANG HỒN CỐT TỬ VI
CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Thơ và tử vi hòa trong
máu của Đặng Xuân Xuyến. Thơ là tiếng lòng anh. Tử vi là tự nghiên cứu và chiêm
nghiệm, soi đời mình trong lá số, đặc biệt là soi sự đổ vỡ trong tình yêu của
chính anh. Có lẽ vì thế, anh tung lên facebook bài thơ - CUỒNG YÊU. Cuồng yêu
là bài thơ chỉ những người biết về tử vi mới hiểu, những người ngoại đạo chỉ
cảm bằng thơ, nhưng hiểu sâu xa đến cội nguồn thì chỉ lơ mơ.
Bình bài thơ này tôi
không bình về nghệ thuật thơ, mà chỉ chú giải các sao trong tử vi trong bài thơ
để mọi người hiểu về bài thơ.
Mở đầu bài thơ nhà thơ
viết:
Ta đầu hàng! Xin tạo hóa buông tha
Mệt mỏi lắm Kiếp cư Tài hãm địa
Nát Phu-Thê bởi chềnh hềnh Cô-Quả
Sao nỡ bồi hội Phá-Phục-Hình-Riêu?
''Kiếp'' là sao Địa Kiếp
trong tử vi, được gọi là hung tinh, đóng ở đâu phá ở đấy, đặc biệt ở ''cung Tài
- ''tiền tài'' hãm địa sẽ làm cho tiền bạc của con người gieo neo, khổ ải. Thậm
chí vong gia bại sản, sự liều lĩnh của sao Địa Kiếp - Địa Không còn dẫn tới ngục tù.
Địa Kiếp đóng ở cung
miếu địa lại rất tốt, đặc biệt những người sinh vào tháng tư, tháng mười lại
được hưởng thế mạnh của hung tinh, chắc chắn trong đời sẽ một thời đại phát,
tiền của ùa vào như sấm.
Dù miếu địa, nhưng Địa
Kiếp - Địa Không độc thủ, tính chất
khác hẳn khi đồng cung với các sao khác, sẽ mang đến những may, rủi khác nhau
cho những người có năm sinh khác nhau.
Bàn về sao Địa Kiếp - Địa Không sẽ tràng giang
đại hải, trong bài viết này tôi chỉ bàn khái quát, chủ yếu bàn Kiếp-Không đi
với hai sao Đào Hoa và Hồng Loan
Về nguyên lí: Địa Kiếp-
Địa Không đi với Đào-Hồng là tơ duyên trắc trở, éo le, oan trái. Nếu đi thêm
với sao Thiên Hình thì oan nghiệt, thậm chí tự tử vì tình. Mức độ tàn phá của
Địa Kiếp- Địa Không cho mỗi lá số khác nhau, có thể chia li chồng vợ, có thể bị
cưỡng hiếp, có thể bị sát phu, hoặc sát thê, có thể phụ nữ phải làm nghề bằng
vốn tự có... hoặc đi tu rồi lại vấn vương trở về cõi tục
''Nát Phu Thê bởi chềnh
hềnh Cô - Quả'', Cô - Quả là hai sao Cô Thần và Quả Tú, chỉ cần
một trong hai sao Cô Thần - Quả Tú đóng ở cung Phu - Thê sẽ dẫn tới cuộc sống
vợ chồng luôn có một khoảng trống vắng trong tâm hồn khó hòa hợp, bởi Cô Thần
và Quả Tú mang tính cô đơn, khó tính khó chiều. Nam kị Cô Thần nữ kị Quả Tú, vì
hai sao Cô Thần và Quả Tú mà có những người phụ nữ xinh tươi, những người đàn
ông tài giỏi lại vô duyên, do dự không thắng được lòng mình để quyết đến với
tình yêu, và có người phải ở vậy đến già...
''Sao nỡ bồi Phá-Phục-Hình-Riêu''. Đời sống hôn nhân đã bị Cô Thần và
Quả Tú làm lạnh lẽo rồi, lại thêm: ''Phá-Phục-Hình-Riêu''
nữa thì càng khổ hơn,
''RIÊU'' là sao Thiên
Riêu, tượng là ''lông'', ý nhĩa là sao DÂM, Thiên Riêu đi cùng các sao khác sẽ
mang ý nghĩa khác nhau. Cho nên có người lông tóc mượt; có ngươi lông tóc khô,
cứng; có người nhiều lông; có người ít lông; có người tuổi trẻ mà đã có tóc
bạc. Tính của Thiên Riêu là dâm, do vậy khả năng tình dục của mỗi người cũng
khác nhau. Có người to khỏe mà khả năng tình dục kém, có người bé nhỏ khả năng
tình dục lại tràn đầy như nàng Phi Yến mảnh mai.
Lông ở mắt ''lông mày''
là mái nhà của đôi mắt cũng báo hiệu khả năng tình dục của người ấy. Thiên Riêu cũng biểu hiện khả năng trực giác nhậy cảm.
Cho nên có người lãnh cảm, có người thời gian ân ái lâu dài, có người chưa đi
chợ đã hết tiền. Nhưng Thiên Riêu đi với sao Thiên Y- Ân Quang, Thiên Quí, lại
hợp với sao Thiên Cơ- Thiên Lương lại tốt và đức độ. lá số ấy biểu hiện là thầy
thuốc, lại thêm sao Hồng Loan nữa là thầy thuốc mát tay, đi với Thiên Hình là
bác sĩ phẫu thuật giỏi, hoặc thầy thuốc châm cứu giỏi.
Trở lại câu thơ: ''Nát Phu Thê bởi chềnh hềnh Cô-Quả'/ sao nỡ bồi
Phá-Phục-Hình-Riêu'' tác giả muốn miêu tả sự cay đắng, cô đơn, héo hon
trong tình yêu đến tột đỉnh.
“Phá” là sao 'Phá Toái'
- gây sự và xóa bỏ. ''Phục'' là sao Phục Binh biểu hiện âm mưu và ngầm phục chờ
cơ hội để tác họa. Ôi, trong tình yêu mà âm mưu thì đầy nguy hiểm. tình yêu mà
lăm le xóa bỏ sẽ dẫn đến chia tay, lại thêm Cô Thần, Quả Tú -lạnh lùng với Thiên
Riêu dâm đãng, ngầm chứa con dao - ''Thiên Hình'' chia cắt thì oan nghiệt cho
tình yêu biết bao. Ngôn ngữ - thuật ngữ của
tử vi làm sâu sắc thêm cho thơ mà ngôn ngữ thường chưa đạt tới đỉnh:
Ta sợ rồi những phép thử tình yêu
Đã Tham hãm còn đặt Đào trực chiếu
Kiếp trai lơ nhiễu nhương tình dâm
loạn
Hội Riêu-Đà thêm bi lụy chiếu chăn.
Tham là sao ''Tham
Lang'' đệ nhị đào hoa tinh, ngôi sao lẳng lơ ngồi nơi ''hãm'' - trong bóng tối,
nhìn Đào Hoa - ''gái đẹp'' khát thèm như người đàn ông nhìn phụ nữ bằng ánh mắt
lột truồng người đẹp để thỏa mãn lòng dục ''tình
dâm loạn'', ánh mắt nhìn ''trực chiếu''
như muốn nuốt chửng con mồi, và hội trong máu cả ''Phá-Riêu-Đà'' càng bi lụy, chung thân tân khổ trong việc ấy -
chiếu chăn.
Phá - Đà là hai sao hung
bạo, Riêu là sao dâm kết hợp với nhau là bạo dâm, đạo vợ chồng mà lại bạo dâm,
mất hết tình cảm trở thành thô thiển và hoang thú, không có nhạc dạo, mà như ăn
sống nuốt tươi mới buồn biết bao. Tác giả đã trải qua nỗi thống khổ ấy mới
than, khóc như vậy
Cơ-Lương-Thìn gặp Tuần-Triệt cắt
ngăn
Khiến Phu-Thê đảo chao bao trắc trở
Ngắm thiên hạ líu lo tình chồng vợ
Thêm mủi lòng cời bếp lửa trơ vơ.
''Cơ-Lương'' là hai sao
Thiên Cơ và Thiên Lương, Thìn là cung Thìn. Cơ Lương là hai sao phúc tinh đóng
ở cung Thìn rất tốt gọi là ''miếu địa'', đang ở nơi tốt lành an vui lại bị Tuần
- Triệt ngăn cách. Tuần là tuần không, Triệt là triệt không, Tuần Triệt là hoàn
cảnh khách quan ngăn trở
Về nguyên lí khi Tuần
Triệt đóng ở cung Phu-Thê là vợ chồng phải xa nhau, có thể xa một năm hay nhiều
năm. Xa nhau bằng bất cứ lý do gì. Có thể li thân, có thể vì làm ăn ở xa, đi
nước ngoài, ...Có lẽ Đặng Xuân Xuyến đã có thời phải li thân - xa vợ nên mới
dùng tính chất của hai sao Tuần-Triệt để thể hiện trong thơ rất đắt. Anh đau
đớn nhìn cảnh những lứa đôi líu lo với nhau như chim ca hát mà tủi phận mình:
''mủi
lòng cời bếp lửa trơ vơ''...
Giữa hồng trần lẳng lặng chọn cô đơn
Sát Tý-Ngọ hội Kiếp-Riêu thành khốn
Gái dại giai rải tình trăm bến bãi
Trai trải lòng hoang hoải những bờ
vai.
Sát là sao Thất Sát,
đóng ở cung Tí hoặc cung Ngọ là đắc địa, nhưng hội nhập với sao Kiếp và Riêu là
hai sao hung tinh và sao dâm, cũng như người tử tế chơi với kẻ xấu bị ảnh
hưởng, gần mực thì đen, thực tế ở đời có người chân thực - cương dũng bị kẻ xấu
''Địa Kiếp'' lôi kéo ám hãm vào sự dâm, như anh hùng khó thoát ải mĩ nhân cũng
là chuyện thừờng Nhưng ở văn bản thơ: ''Gái
dại giai rải tình trăm bến bãi'' như tố cáo người phụ nữ - người vợ
ngoại tình, mà tình trăm bến bãi càng thấy sự mê hoặc cám dỗ kinh khủng của sao
hung tinh ''Địa Kiếp'' và sự quyến rũ mê hồn gợi dục của sao Thiên Riêu. Người
con trai bị đòn của Kiếp - Riêu nhẹ hơn nhưng cũng ''trải lòng hoang hoải những bờ vai''. Ông ăn chả bà ăn nem âu cũng
là chuyện đời không thiếu. Nhưng ở đây ta thấy người vợ tệ hơn, bờ bụi hơn.
Thất Sát là sao mạnh -
biểu hiện khí chất mạnh - cương dũng nhưng bị cuốn vào vòng xoáy của Kiếp -
Riêu cũng bị sa đà, ''hoang hoải'' và có trường hợp sợ phụ nữ hoặc căm ghét phụ
nữ. Bờ vai là tượng trưng cho sự mạnh mẽ của đàn ông, mà những đàn ông này lại
cần những bờ vai của đàn ông khác, là sao vậy? Là vì đó là mẫu người có thể là pede,
có thể là ái nam ái nữ, có thể là người vì lý do nào đó mà căm ghét phụ nữ...
Phải chăng vì thế mà Đặng Xuân Xuyến đã tế nhị viết: “Trai trải lòng hoang hoải những bờ vai”.
Có lẽ vì Mã-Lộc hội Phá-Tham?
Hay sát tinh gặp Âm Dương lạc hãm?
Ừ. Tham-Sát đồng cung nên thê thảm
Gái giang hồ, trai tứ chiếng đề tên?
Mã là sao Thiên Mã, Lộc
là sao Hóa Lộc, Phá là sao Phá Quân, Tham là sao Tham Lang trong tử vi.
Có lẽ Đặng Xuân Xuyến
chưa thấu hết cả chiều sâu và chiều rộng của bộ sao ''Mã - Lộc hội Phá - Tham''. Đây là bộ sao mạnh trong việc kiếm tiền
- ''Tham Lang gặp Lộc kiếm tiền như trở
bàn tay'', lại thêm Thiên Mã - sức chạy của ngựa trời chở tiền và cả ngôn
ngữ siêu việt cả Thiên Mã - ''Mã ngộ Khốc
- Khách'' - ngựa có nhạc rất hay. Có lẽ một thời nhà thơ kiếm được rất
nhiều tiền, nhưng đời sống vợ chồng yêu nhau và đến với nhau vì tiền thì chưa
phải là tình yêu đích thực, và tôi đồ rằng: tiền là một trong những nguyên nhân
làm đổ vỡ tình cảm cuộc sống vợ chồng của nhà thơ.
''Sát tinh gặp Âm - Dương lạc hãm'', sát tinh là những sao hung trong
tử vi, gặp Thái Dương - ''mặt trời'' và Thái Âm - ''mặt trăng'', đặc biệt là
Kình Dương và Đà La rất tối kị trong tình yêu. HÃM là ở không đúng chỗ,
như mặt trăng phải ở từ cung Dậu đến cung Sửu - tức là từ 6 giờ chiều đến 3 giờ
sáng, mặt trời phải đóng ở cung Dần đến cung Ngọ - tức là từ 3-4 giờ sáng đến
12 giờ trưa thì mới hợp cách.
''Ừ. Tham - Sát đồng cung nên thê thảm/ Gái giang hồ trai tứ chiếng đề
tên'' THAM là sao Tham Lang, SÁT là sao
Thất Sát - là hai sao mạnh, phụ nữ có một trong hai sao này ở mệnh thì khí chất
mạnh bạo không kém nam nhi, không hợp trong tình yêu, ở thế kỉ 21 phụ nữ mạnh
bạo hơn xưa và cũng vì vậy sự tan vỡ trong tình yêu cũng tăng so với thế kỉ
trước, vợ chồng ở với nhau cùng cương dũng sẽ bất ổn dễ dẫn tới đổ vỡ phải có
độ cưng nhu mới tạo thế Âm - Dương cân bằng mới an bình.
Hai sao Tham Lang và
Thất Sát trong tử vi không đồng cung mà chỉ hợp chiếu thôi nhà thơ Đặng Xuân
Xuyến ạ. Phải chăng vì chú trọng đến gieo vần mà nhà thơ để vậy?!
Kết thúc bài thơ, Đặng
Xuân Xuyến đã tự ngộ:
Biết phận mình khoác số kẻ cuồng yêu
Tình chồng vợ như trưa chiều đổi áo
Tuế-Kỵ-Cô hay Đồng-Riêu trở tráo
Cũng dâm ô, đắc kép tựa Mã-Đào
“Cuồng yêu” có nguyên
nhân và nguyên nhân chính là anh tự kìm nén, đã bao tháng năm kìm nén vì thương
con mà không chịu tục huyền và chỉ cuồng yêu trong thơ. Soi tình yêu của đời
mình qua lăng kính tử vi thấy ''Tuế-Kỵ-Cô hay Đồng-Riêu trở tráo/ Cũng dâm
ô, đắc kép tựa Mã-Đào''.
Toàn những sao lạnh
lùng, cô đơn, dâm đãng và tráo trở dày vò trái tim cuồng yêu, anh đau đớn như
người bệnh vô phương cứu chữa. Chờ ở số phận và trách số phận: ''Số phận này oan nghiệt bởi trời cao/ Ta phẫn
uất hận bàn tay tạo hóa/ Trời cao hỡi! Trời cao ơi! Đểu quá!''
Tôi đã xong việc chú
giải các sao tử vi trong bài thơ CUỒNG YÊU của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến, hy vọng
bạn đọc hiểu thêm về bài thơ.
*
Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2017
NGUYỄN THANH LÂM
Địa chỉ: Số 4/179 Minh Khai, Hai
Bà Trưng, Hà Nội
Email: thanhlam.tho@gmail.com
.
.
NHẮM RƯỢU VỚI CƯỠNG XUÂN
- THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN
*
Tôi có thói quen mỗi lần đọc thơ,
khi gặp một câu hay, ý lạ thường tự thưởng cho mình một ly rượu - thắp lửa ở
lòng mình, thả hồn lang thang trên ngọn nguồn, bến bờ say của câu chữ. Và hôm
nay đọc tập: Cưỡng Xuân của Đặng
Xuân Xuyến, không cưỡng nổi lòng mình, không thể hoãn cái sự sướng, tôi nhắm
rượu với thơ.
Sao lại Cưỡng Xuân? Người ta thường nói đón xuân, khao khát mùa xuân về, có
người rẽ lá vàng chặn lối xuân đi và chặn nẻo xuân về; có thể yêu xuân và thù
hận mùa xuân, nhưng Cưỡng Xuân thì chưa có ai dám “liều” như nhà thơ Đặng Xuân
Xuyến.
Mùa xuân như thiếu nữ huyền bí trong
vẻ non tơ mà nhà thơ dám cưỡng xuân sao? Không thể! Nhưng nhan đề tập thơ là “Cưỡng Xuân” rất lạ, gợi trí tưởng
tượng, hoang mang, mời gọi tìm hiểu. Ôi “Cưỡng Xuân”! Mới nghĩ đến thôi đã thấy
lạ và không khỏi giật mình.
Và tôi như kẻ vụng trộm lắng nghe
tiếng nói thì thầm của đôi trai gái:
Em
gạ một đêm chồng vợ
Cho
mùi da thịt thơm hương
và tiếng chàng trai:
Ừ
thì, một đêm thôi nhé
Mai
đừng, nữa gạ một đêm.
Gạ thôi, rủ yêu thôi, có cưỡng gì
đâu! Nhưng tình yêu đến với tình yêu, thực sự như lửa gặp lửa sẽ hòa đồng cùng
cháy sáng. Không mặc cả, không gạ gẫm, chàng trai không những bằng lòng một đêm
mà còn “lo xa”:
Mùa
này ẩm trời dài lắm
Da
đây thịt đấy đến mòn.
(Ẩm trời)
Thì ra là vậy. Sự lo lắng của chàng
trai đã vén màn bí mật của “Cưỡng Xuân”. Là sự lạ trong tình yêu mà cũng rất
đời thường. Cái sự lạ trong đời thường không
khoác áo đạo đức, mà lại rất hồn nhiên:
Rỉ
rắc mưa
Rét
ngọt trở mùa
Em
vê tròn ném tôi vào cơn lốc...
(…)
Vít
cổ xuống
Cong người
Em
rướn…
Em…
(Khát)
Cưỡng
xuân ở đây là sự cưỡng của cơn say “Ném
tôi vào cơn lốc” và sự run rẩy của bàn tay, bản năng không lý trí: “Vít cổ xuống/ Cong người/ Em rướn...”
theo bản năng yêu... và tiếng “Em” cuối
cùng như tiếng thở gấp, đưa tình lên đỉnh… cõi bồng lai.
Tôi tự hỏi, tình yêu điên cuồng mê
dại như thế có phải là “Cưỡng” không? Muốn đem lý thuyết phân tâm của
F.Rớt để trả lời mà không thể, mọi lý thuyết đều “mất điện” trong tình yêu.
Hãy nghe trong giấc “Mơ
Đêm” - “Cuống cuồng vòng tay ghì
hơi ấm” - Chỉ ngôn ngữ của thơ mới “ghì
hơi ấm”, chỉ “khi tỉnh rượu/ lúc tàn
canh” nhà thơ mới tự thương mình, giật mình xót xa cho mình:
Giật
mình
Ánh
mắt nửa đêm
hun
hút đại ngàn gió hú...
Thèm trận cuồng lũ
Dào
dào trùm ải chờ mưa
Khát...
Khát là sự đòi hỏi của thể chất, khi
khát cần uống, khi đói thèm ăn, nhưng cái khát trong tình yêu dày vò ở tâm, ở
tim, linh thiêng và gần với thánh thần hơn. Cái khát thể hiện bằng thơ: “Trăng vàng lả lướt bến sông/ Đắm hồn tôi với
mênh mông gió trời” (Mơ). Khát trong cả giấc mơ là cái khát không bờ, không
bến. Và khi đã khát thì ở đâu cũng khát. Cái khát của tình yêu không có nhà,
không nơi ẩn náu mà ở đâu cũng thành quê hương.
Một chiều lạ “Sợ đêm về/ quẩn gió/ xáo xác khuya…/ Te tẻ chiều/ nhớn nhác/ nhón chân
qua”. Chỉ cái khát của tình yêu - của thơ mới nhận ra vị “te tẻ chiều”, nếm được tiếng “xáo xác khuya”, thức ngộ bao chiều mà
chiều vẫn lạ.
Tôi đọc bài “Khát” (Lời đề tặng V. yêu). Không biết V. yêu có phải là vợ yêu không
mà sao giống tình vợ chồng đến vậy. Ở đây không có sự “Cưỡng Xuân” mà rất tự
nguyện:
Nào
nằm xuống
Vùi
ngực anh
Dán
chặt…
(…)
Dòng
nham thạch cuộn từng cơn nóng hổi
Thế.
Thế. Thế
Căng
người
Em
hứng đợi...
(…)
Thỏa
thuê từng cơn khát
Em.
Em ơi… đêm sắp qua rồi....
Tình cảm vợ chồng ngoài cái say, cái
yêu thuần khiết, còn có cái say, cái yêu nghĩa vụ. Nhưng ở đây hoàn toàn thăng
hoa “Căng người/ hứng đợi”, và sự
giục giã “Em. Em ơi... đêm sắp qua rồi”
thì không thể yêu nghĩa vụ chút nào, mà cao hơn cơn khát yêu của vợ chồng.
Nhưng nhà thơ đã tự tố cáo mình, trong thơ không thể dối được. Vợ chồng thì có
đêm nay và nhiều đêm nữa, việc gì phải vội, phải sợ không còn nữa mà phải hổn hển “Em. Em ơi… đêm sắp qua rồi.”.
Vâng. Cơn khát này cao hơn, đằm hơn cơn
khát vợ chồng nên không phải vợ chồng mới có chất say - Chất khát của tình yêu!
Lại một bài “Đêm” nữa tặng V. yêu. Cơn khát nóng ran làm “Đêm bức bối”, màn đêm như bị căng ra và nén lại: “Em đè ta nghiến ngấu/ Đêm chuyển màu”.
Đêm chuyển màu gì vậy? Họa sỹ thực
thụ có thể biết 180 màu đen, nhưng màu đêm của tình yêu chỉ tình yêu mới biết,
màu của “Đêm lõa lồ/ rần rật/ đốt thịt da.”.
Ôi! Tình yêu đã truyền vào đêm sức
sống, truyền một ngôn ngữ linh thiêng - thần bí mà rất đời.
Khát, yêu, nhớ là mạch đập liên hoàn
trong trái tim yêu, cứ tưởng nhớ là phải xa xôi, cách mặt nhưng nhớ của Đặng
Xuân Xuyến như hiện thực trông thấy rõ ràng, như cuốn phim đời:
Đêm
tỉnh giấc
Khát
mắt cười chiều qua lăn trên chiếu
Căng
người
run
rẩy cuộc yêu...
(…)
Gió
trườn qua khe cửa.
Đã yêu, ai chẳng nhớ, nhưng nhớ rất
chi tiết “Gió trườn qua khe cửa” -
gió như một chứng nhân có lẽ chỉ nhà thơ mới có. “Gió trườn qua khe cửa” là ngọn gió có linh hồn, ngọn gió vàng xoa
dịu và mát lành cõi phàm tục của tình yêu.
Sếch-xpia bảo: Tình yêu như người
cung thủ bịt mắt mình, phóng mũi tên tình yêu đi đến đâu không cần biết mà vẫn
trúng đích.
Trong cái mê, có cái ngộ, cái biết,
và phải trải qua bến mê mới thấy bờ giác. Đặng Xuân Xuyến đã ngồi thiền dưới
gốc cây bồ đề tình có biết bao năm để ngộ chăng? Cứ tính từ ngày vợ chồng Xuyến
chia tay, hay cộng cả trước và sau thời gian ấy mới đắc đạo tình hay đốn ngộ.
Đốn ngộ là đột biến, đắc đạo là sự tiêm ngộ. Theo tôi thì Đặng Xuân Xuyến trải
qua bao đổ vỡ, hẫng hụt, khổ đau mà đắc ngộ.
Hãy nghe về sự ngộ, sự biết của anh:
Ừ
biết
Em
rồi chẳng đợi
Mà
lòng chẳng nỡ buông lơi
Ừ
biết
Chỉ
lời giả dối
Mà
tin, tin đến cạn lời.
Biết em không thật mà lòng vẫn tin
là sao? Hãy lấy lòng khát yêu để trả lời cho câu hỏi này. Hãy lấy sự “Cưỡng Xuân” - Gượng yêu làm chìa khóa mở
ra tâm hồn nhà thơ.
Nhà thơ vẫn khát thèm yêu nên dù
biết rằng “em chẳng đợi”, chẳng yêu
mình mà vẫn gượng yêu, gượng tin, thậm chí còn mong nàng nói dối là yêu mình
còn hơn phải nghe những lời phũ phàng nói thẳng - không yêu. Ta nhận ra nhân
cách đẹp của nhà thơ chính ở sự phi lý này.
“Thôi
thì sắm vai người dại/ Ngô nghê với tháng năm dài”. Trải qua những khổ đau,
những cơn khát, cưỡng xuân, Đặng Xuân Xuyến chấp nhận “Dại Yêu”, chấp nhận “Niềm vui
dẫu chỉ nửa vời/ Có sao đâu/ Vẫn cứ ngời ngợi hương/ Chỉ tôi/ Chín nhớ/ Mười
thương/ Đủ rồi”.
Đọc những dòng thơ, như nghe tiếng
nước mắt chảy ngược vào tâm, giọt nước mắt long lanh ánh sáng thức ngộ - Thức
ngộ sau chén say, mê đắng của tình yêu:
Ta
gạ em cạn chén
Thế
là em cạn ta...
Nửa
đời trai trinh bạch
Em
nhuộm ta ngả màu.
(Em)
Màu của tình yêu là màu gì vậy? Là 7
sắc cầu vồng sau chiều mưa chăng? Không! Màu tình yêu là muôn màu, màu của hạnh
phúc và khổ đau, không họa sĩ nào vẽ nổi, nó biến ảo trong không gian, thời
gian, trong tâm thức của mỗi người.
Với Đặng Xuân Xuyến là màu say đắm
và màu “Chán Yêu” hòa quyện, là màu
“Bồng bềnh người ơi/ Mây tím lưng trời”
chìm vào “nụ cười bạc phếch/ Xộc xệch
tình.../ Lếch thếch tiếng yêu.”
Tôi tìm thấy ở Đặng Xuân Xuyến màu
của “Đêm trở mình nhiều hơn/ Tóc dầy thêm
sợi bạc”. Và đặc biệt ở Đặng Xuân Xuyến là màu của tình yêu máu thịt dành
cho cậu con trai - cái màu máu thiêng liêng của tình cha con đã giải thiêng mọi
màu sắc của tình yêu lứa đôi. “Lặng nhìn
con nằm ngủ/ Ngổn ngang nỗi tơ vò”.
Sau màu yêu ngày tươi đẹp đã qua,
con chim thi ca vẫn cất cao giọng hót nhưng không còn là bản tình ca réo rắt mà
là giọng to nhỏ thì thầm:
Mình
già rồi anh nhỉ
Thời
gian thế mà nhanh
Mới
vài chuyện loanh quanh
Tóc
đã pha màu bạc...
Giọng
thoảng nghe khang khác
Mình
già rồi mà anh.
Không ai khuất phục được thời gian,
không ai ở mãi trên đời, yêu đương... mê ngộ một thời rồi đi. Và Đặng Xuân
Xuyến cũng nằm trong quy luật của thời gian như mỗi chúng ta. Chính vì hiểu quy
luật của thời gian mà anh đã “Cưỡng Xuân”, anh “Cưỡng Xuân” và xuân cũng cưỡng
anh.
Nhà thơ “Lánh Yêu” mà vẫn bị yêu: “Sao
chẳng nói yêu từ sớm/ Khi anh đương còn trẻ trai/ Bây chừ lừ đừ, lọm khọm/ Nào
ai dám mộng với ai.”. Nhà thơ trách cô gái trẻ chậm nói lời yêu nhưng trong
lòng tự biết tuổi của mình, sức đã “chồn chân mỏi gối”, lòng thèm yêu lắm nhưng
“Chỉ e nhỡ đường ân ái/ Khiến em đứt ruột
chiều tà.”
Tôi cam đoan rằng: Tuổi của Đặng
Xuân Xuyến mới 52 còn tràn đầy sinh lực, chưa “chồn chân mỏi gối” tí nào, anh như con chim bị trúng thương tình ái,
đổ vỡ duyên vợ chồng nên sợ “cành cây cong” như chiếc cung thôi. Và chất quê
Hưng Yên ở trong máu còn thắm chưa phai, chưa nhiễm chất thị thành, nên thèm
yêu mà vẫn lo xa.
Lo xa nên nhà thơ mới tỏ tình với
ngôn ngữ dân dã chân thành: “Em có cần
anh không/ Nếu cần hãy cùng anh chung sống”. Chữ “cần” mộc mạc mà rất thơ
mang nặng tâm tình. Tình yêu cần tình yêu như con người cần không khí để sống.
Thiếu sự “cần” ấy - thiếu không khí - có ai sống được bao giờ. Bài thơ “Chung”,
tôi đã bình rồi, không bình lại nhưng vẫn bị sự mộc mạc của câu thơ “Em có cần anh không” níu kéo. Tôi đành
nhắp thêm chén rượu nữa cho hồn say với sự “cần”
yêu.
Thơ của Đặng Xuân Xuyến chưa đến bực
tài hoa, mà là thơ của nỗi lòng, tình yêu và sự đớn đau trong tình yêu nâng hồn
anh thành cánh chim bay đến phía sau của chân trời tình yêu và trở về với hồn
quê - Đất nhãn Hưng Yên:
Về
đi em! Về ngắm trăng buông
Câu
mái đẩy lèn sâu ký ức
Dựa
vai anh ngắm đời rất thực
Cổ
tích trầu cau đã hết nhựa rồi..
Nếu có tài họa sĩ, tôi sẽ vẽ bức
tranh đồng quê, có đôi trai gái ngồi ngắm trăng buông. Cô gái tựa vào vai chàng
trai, ngắm trăng trời và nghe trăng ở lòng thổn thức. Nhưng vẽ “Cổ tích trầu cau đã hết nhựa rồi” thì
thật khó. Chỉ có thơ, hồn thơ quê của Đặng Xuân Xuyến mới vẽ được. Tôi nhắm câu
thơ này cho rượu thêm hương.
Rượu và thơ dẫn tôi đi, tôi lang
thang trong sự “Cưỡng Xuân” của Đặng
Xuân Xuyến. Mỗi bài thơ như cưỡng tôi yêu, và tôi bằng lòng với sự cưỡng yêu
ấy.
Tôi bị cưỡng vào những khao khát và
những giấc mơ, mà từ những khát khao và những giấc mơ ấy tôi lại được trôi dạt
tới bờ bến của dại khờ. Ôi! Sự dại khờ trong tình yêu như một cõi tiên. Trên
đảo bồng lai của dại khờ tôi gặp tôi, gặp những khát khao chân thực của tình
người. Tình yêu cần sự dại khờ hơn khôn ngoan.
Có phải yêu thật lòng quá thành dại
khờ nên Đặng Xuân Xuyến đã “Cưỡng Xuân”.
Tôi nghe thẳm xa trong hồn tiếng của trời, tiếng của mùa xuân thì thầm trong
hoa lá: “Tôi bằng lòng… bằng lòng.”.
Thì ra mùa xuân cũng khát yêu và thèm sự “Cưỡng”
như con người. Lâu lắm, xa lắm, trên thế gian chưa
có ai, chỉ có Đặng Xuân Xuyến “Cưỡng Xuân”.
Vì “Cưỡng Xuân” - Tập thơ đầu tay của Đặng Xuân Xuyến, tôi tự rót rượu
thưởng cho mình.
*
Hà Nội, 08 tháng 6-2017
NGUYỄN THANH LÂM
Địa
chỉ: Số 4 ngõ 179, phố Minh Khai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Email: thanhlam.tho@gmail.com
.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Thanh Lâm0
- Đặng Xuân Xuyến
với nghề viết sách và kinh doanh sáchl
- Nhớ chuyện xưa với
anh Phước cà lăml
- Tâm sự về việc
soạn sách “văn hóa tâm linh”l
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét