Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

ĐẾN VỚI BÀI THƠ MANG HỒN CỐT TỬ VI CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Tác giả: Nguyễn Thanh Lâm

CUỒNG YÊU

Ta đầu hàng! Xin tạo hóa buông tha
Mệt mỏi lắm Kiếp cư Tài hãm địa
Nát Phu-Thê bởi chềnh hềnh Cô-Quả
Sao nỡ bồi hội Phá-Phục-Hình-Riêu?

Ta sợ rồi những phép thử tình yêu
Đã Tham hãm còn đặt Đào trực chiếu
Kiếp trai lơ nhiễu nhương tình dâm loạn
Hội Riêu-Đà thêm bi lụy chiếu chăn.

Cơ-Lương-Thìn gặp Tuần-Triệt cắt ngăn
Khiến Phu-Thê đảo chao bao trắc trở
Ngắm thiên hạ líu lo tình chồng vợ
Thêm mủi lòng cời bếp lửa trơ vơ.

Đêm vặn mình cạn kiệt những hoang mơ
Ngày lặng lặng gặm khối tình man dại
Xúi Tam Minh cúi đầu nghe vô lại
Ngạo nghễ cười Riêu nhập chủ dâm bôn.

Giữa hồng trần lẳng lặng chọn cô đơn
Sát Tý-Ngọ hội Kiếp-Riêu thành khốn
Gái dại giai rải tình trăm bến bãi
Trai trải lòng hoang hoải những bờ vai.

Vợ chồng mình nào khác vợ chồng ai
Cũng ái ân cũng ánh nhìn đằm đắm
Sao người ta nói cười vui vạn dặm
Còn mình thì lệ ngược chảy vào tim?

Có lẽ vì Mã-Lộc hội Phá-Tham?
Hay sát tinh gặp Âm Dương lạc hãm?
Ừ. Tham-Sát đồng cung nên thê thảm
Gái giang hồ, trai tứ chiếng đề tên?

Mệt lắm rồi! Xin tạo hóa lãng quên
Buông Mã-Lương đóng ở nơi Tỵ-Hợi
Đời mỉa mai: lũ loạn dâm, làm đĩ
Gột bao giờ mới hết được tiếng nhơ?

Đạo vợ chồng nào đâu dám thờ ơ
Nhưng Tử-Tham ở cùng nơi Mão-Dậu
Uẩn khúc đấy, tình trường này, cố giấu
Cửa thiền môn xin dựa bóng sớm chiều!

Biết phận mình khoác số kẻ cuồng yêu
Tình chồng vợ như trưa chiều đổi áo
Tuế-Kỵ-Cô hay Đồng-Riêu trở tráo
Cũng dâm ô, đắc kép tựa Mã-Đào

Số phận này oan nghiệt bởi trời cao
Ta phẫn uất. Hận bàn tay tạo hóa
Trời cao hỡi! Trời cao ơi! Đểu quá!
Cho đẹp rồi lại phá bởi cuồng yêu!
*
Hà Nội, chiều 10 tháng 11.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

ĐẾN VỚI BÀI THƠ MANG HỒN CỐT TỬ VI
CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Thơ và tử vi hòa trong máu của Đặng Xuân Xuyến. Thơ là tiếng lòng anh. Tử vi là tự nghiên cứu và chiêm nghiệm, soi đời mình trong lá số, đặc biệt là soi sự đổ vỡ trong tình yêu của chính anh. Có lẽ vì thế, anh tung lên facebook bài thơ - CUỒNG YÊU. Cuồng yêu là bài thơ chỉ những người biết về tử vi mới hiểu, những người ngoại đạo chỉ cảm bằng thơ, nhưng hiểu sâu xa đến cội nguồn thì chỉ lơ mơ.
Bình bài thơ này tôi không bình về nghệ thuật thơ, mà chỉ chú giải các sao trong tử vi trong bài thơ để mọi người hiểu về bài thơ.
Mở đầu bài thơ nhà thơ viết:
Ta đầu hàng! Xin tạo hóa buông tha
Mệt mỏi lắm Kiếp cư Tài hãm địa
Nát Phu-Thê bởi chềnh hềnh Cô-Quả
Sao nỡ bồi hội Phá-Phục-Hình-Riêu?
''Kiếp'' là sao Địa Kiếp trong tử vi, được gọi là hung tinh, đóng ở đâu phá ở đấy, đặc biệt ở ''cung Tài - ''tiền tài'' hãm địa sẽ làm cho tiền bạc của con người gieo neo, khổ ải. Thậm chí vong gia bại sản, sự liều lĩnh của sao Địa Kiếp - Địa Không còn dẫn tới ngục tù.
Địa Kiếp đóng ở cung miếu địa lại rất tốt, đặc biệt những người sinh vào tháng tư, tháng mười lại được hưởng thế mạnh của hung tinh, chắc chắn trong đời sẽ một thời đại phát, tiền của ùa vào như sấm.
Dù miếu địa, nhưng Địa Kiếp - Địa Không độc thủ, tính chất khác hẳn khi đồng cung với các sao khác, sẽ mang đến những may, rủi khác nhau cho những người có năm sinh khác nhau.
Bàn về sao Địa Kiếp - Địa Không sẽ tràng giang đại hải, trong bài viết này tôi chỉ bàn khái quát, chủ yếu bàn Kiếp-Không đi với hai sao Đào Hoa và Hồng Loan
Về nguyên lí: Địa Kiếp- Địa Không đi với Đào-Hồng là tơ duyên trắc trở, éo le, oan trái. Nếu đi thêm với sao Thiên Hình thì oan nghiệt, thậm chí tự tử vì tình. Mức độ tàn phá của Địa Kiếp- Địa Không cho mỗi lá số khác nhau, có thể chia li chồng vợ, có thể bị cưỡng hiếp, có thể bị sát phu, hoặc sát thê, có thể phụ nữ phải làm nghề bằng vốn tự có... hoặc đi tu rồi lại vấn vương trở về cõi tục
''Nát Phu Thê bởi chềnh hềnh Cô - Quả'', Cô - Quả là hai sao Cô Thần và Quả Tú, chỉ cần một trong hai sao Cô Thần - Quả Tú đóng ở cung Phu - Thê sẽ dẫn tới cuộc sống vợ chồng luôn có một khoảng trống vắng trong tâm hồn khó hòa hợp, bởi Cô Thần và Quả Tú mang tính cô đơn, khó tính khó chiều. Nam kị Cô Thần nữ kị Quả Tú, vì hai sao Cô Thần và Quả Tú mà có những người phụ nữ xinh tươi, những người đàn ông tài giỏi lại vô duyên, do dự không thắng được lòng mình để quyết đến với tình yêu, và có người phải ở vậy đến già...
''Sao nỡ bồi Phá-Phục-Hình-Riêu''. Đời sống hôn nhân đã bị Cô Thần và Quả Tú làm lạnh lẽo rồi, lại thêm: ''Phá-Phục-Hình-Riêu'' nữa thì càng khổ hơn,
''RIÊU'' là sao Thiên Riêu, tượng là ''lông'', ý nhĩa là sao DÂM, Thiên Riêu đi cùng các sao khác sẽ mang ý nghĩa khác nhau. Cho nên có người lông tóc mượt; có ngươi lông tóc khô, cứng; có người nhiều lông; có người ít lông; có người tuổi trẻ mà đã có tóc bạc. Tính của Thiên Riêu là dâm, do vậy khả năng tình dục của mỗi người cũng khác nhau. Có người to khỏe mà khả năng tình dục kém, có người bé nhỏ khả năng tình dục lại tràn đầy như nàng Phi Yến mảnh mai.
Lông ở mắt ''lông mày'' là mái nhà của đôi mắt cũng báo hiệu khả năng tình dục của người ấy. Thiên Riêu cũng biểu hiện khả năng trực giác nhậy cảm. Cho nên có người lãnh cảm, có người thời gian ân ái lâu dài, có người chưa đi chợ đã hết tiền. Nhưng Thiên Riêu đi với sao Thiên Y- Ân Quang, Thiên Quí, lại hợp với sao Thiên Cơ- Thiên Lương lại tốt và đức độ. lá số ấy biểu hiện là thầy thuốc, lại thêm sao Hồng Loan nữa là thầy thuốc mát tay, đi với Thiên Hình là bác sĩ phẫu thuật giỏi, hoặc thầy thuốc châm cứu giỏi.
Trở lại câu thơ: ''Nát Phu Thê bởi chềnh hềnh Cô-Quả'/ sao nỡ bồi Phá-Phục-Hình-Riêu'' tác giả muốn miêu tả sự cay đắng, cô đơn, héo hon trong tình yêu đến tột đỉnh.
“Phá” là sao 'Phá Toái' - gây sự và xóa bỏ. ''Phục'' là sao Phục Binh biểu hiện âm mưu và ngầm phục chờ cơ hội để tác họa. Ôi, trong tình yêu mà âm mưu thì đầy nguy hiểm. tình yêu mà lăm le xóa bỏ sẽ dẫn đến chia tay, lại thêm Cô Thần, Quả Tú -lạnh lùng với Thiên Riêu dâm đãng, ngầm chứa con dao - ''Thiên Hình'' chia cắt thì oan nghiệt cho tình yêu biết bao. Ngôn ngữ - thuật ngữ của tử vi làm sâu sắc thêm cho thơ mà ngôn ngữ thường chưa đạt tới đỉnh:
Ta sợ rồi những phép thử tình yêu
Đã Tham hãm còn đặt Đào trực chiếu
Kiếp trai lơ nhiễu nhương tình dâm loạn
Hội Riêu-Đà thêm bi lụy chiếu chăn.
Tham là sao ''Tham Lang'' đệ nhị đào hoa tinh, ngôi sao lẳng lơ ngồi nơi ''hãm'' - trong bóng tối, nhìn Đào Hoa - ''gái đẹp'' khát thèm như người đàn ông nhìn phụ nữ bằng ánh mắt lột truồng người đẹp để thỏa mãn lòng dục ''tình dâm loạn'', ánh mắt nhìn ''trực chiếu'' như muốn nuốt chửng con mồi, và hội trong máu cả ''Phá-Riêu-Đà'' càng bi lụy, chung thân tân khổ trong việc ấy - chiếu chăn.
Phá - Đà là hai sao hung bạo, Riêu là sao dâm kết hợp với nhau là bạo dâm, đạo vợ chồng mà lại bạo dâm, mất hết tình cảm trở thành thô thiển và hoang thú, không có nhạc dạo, mà như ăn sống nuốt tươi mới buồn biết bao. Tác giả đã trải qua nỗi thống khổ ấy mới than, khóc như vậy
Cơ-Lương-Thìn gặp Tuần-Triệt cắt ngăn
Khiến Phu-Thê đảo chao bao trắc trở
Ngắm thiên hạ líu lo tình chồng vợ
Thêm mủi lòng cời bếp lửa trơ vơ.
''Cơ-Lương'' là hai sao Thiên Cơ và Thiên Lương, Thìn là cung Thìn. Cơ Lương là hai sao phúc tinh đóng ở cung Thìn rất tốt gọi là ''miếu địa'', đang ở nơi tốt lành an vui lại bị Tuần - Triệt ngăn cách. Tuần là tuần không, Triệt là triệt không, Tuần Triệt là hoàn cảnh khách quan ngăn trở
Về nguyên lí khi Tuần Triệt đóng ở cung Phu-Thê là vợ chồng phải xa nhau, có thể xa một năm hay nhiều năm. Xa nhau bằng bất cứ lý do gì. Có thể li thân, có thể vì làm ăn ở xa, đi nước ngoài, ...Có lẽ Đặng Xuân Xuyến đã có thời phải li thân - xa vợ nên mới dùng tính chất của hai sao Tuần-Triệt để thể hiện trong thơ rất đắt. Anh đau đớn nhìn cảnh những lứa đôi líu lo với nhau như chim ca hát mà tủi phận mình: ''mủi lòng cời bếp lửa trơ vơ''...
Giữa hồng trần lẳng lặng chọn cô đơn
Sát Tý-Ngọ hội Kiếp-Riêu thành khốn
Gái dại giai rải tình trăm bến bãi
Trai trải lòng hoang hoải những bờ vai.
Sát là sao Thất Sát, đóng ở cung Tí hoặc cung Ngọ là đắc địa, nhưng hội nhập với sao Kiếp và Riêu là hai sao hung tinh và sao dâm, cũng như người tử tế chơi với kẻ xấu bị ảnh hưởng, gần mực thì đen, thực tế ở đời có người chân thực - cương dũng bị kẻ xấu ''Địa Kiếp'' lôi kéo ám hãm vào sự dâm, như anh hùng khó thoát ải mĩ nhân cũng là chuyện thừờng Nhưng ở văn bản thơ: ''Gái dại giai rải tình trăm bến bãi'' như tố cáo người phụ nữ - người vợ ngoại tình, mà tình trăm bến bãi càng thấy sự mê hoặc cám dỗ kinh khủng của sao hung tinh ''Địa Kiếp'' và sự quyến rũ mê hồn gợi dục của sao Thiên Riêu. Người con trai bị đòn của Kiếp - Riêu nhẹ hơn nhưng cũng ''trải lòng hoang hoải những bờ vai''. Ông ăn chả bà ăn nem âu cũng là chuyện đời không thiếu. Nhưng ở đây ta thấy người vợ tệ hơn, bờ bụi hơn.
Thất Sát là sao mạnh - biểu hiện khí chất mạnh - cương dũng nhưng bị cuốn vào vòng xoáy của Kiếp - Riêu cũng bị sa đà, ''hoang hoải'' và có trường hợp sợ phụ nữ hoặc căm ghét phụ nữ. Bờ vai là tượng trưng cho sự mạnh mẽ của đàn ông, mà những đàn ông này lại cần những bờ vai của đàn ông khác, là sao vậy? Là vì đó là mẫu người có thể là pede, có thể là ái nam ái nữ, có thể là người vì lý do nào đó mà căm ghét phụ nữ... Phải chăng vì thế mà Đặng Xuân Xuyến đã tế nhị viết: “Trai trải lòng hoang hoải những bờ vai”.
Có lẽ vì Mã-Lộc hội Phá-Tham?
Hay sát tinh gặp Âm Dương lạc hãm?
Ừ. Tham-Sát đồng cung nên thê thảm
Gái giang hồ, trai tứ chiếng đề tên?
Mã là sao Thiên Mã, Lộc là sao Hóa Lộc, Phá là sao Phá Quân, Tham là sao Tham Lang trong tử vi.
Có lẽ Đặng Xuân Xuyến chưa thấu hết cả chiều sâu và chiều rộng của bộ sao ''Mã - Lộc hội Phá - Tham''. Đây là bộ sao mạnh trong việc kiếm tiền - ''Tham Lang gặp Lộc kiếm tiền như trở bàn tay'', lại thêm Thiên Mã - sức chạy của ngựa trời chở tiền và cả ngôn ngữ siêu việt cả Thiên Mã - ''Mã ngộ Khốc - Khách'' - ngựa có nhạc rất hay. Có lẽ một thời nhà thơ kiếm được rất nhiều tiền, nhưng đời sống vợ chồng yêu nhau và đến với nhau vì tiền thì chưa phải là tình yêu đích thực, và tôi đồ rằng: tiền là một trong những nguyên nhân làm đổ vỡ tình cảm cuộc sống vợ chồng của nhà thơ.
''Sát tinh gặp Âm - Dương lạc hãm'', sát tinh là những sao hung trong tử vi, gặp Thái Dương - ''mặt trời'' và Thái Âm - ''mặt trăng'', đặc biệt là Kình Dương và Đà La rất tối kị trong tình yêu. HÃM là ở không đúng chỗ, như mặt trăng phải ở từ cung Dậu đến cung Sửu - tức là từ 6 giờ chiều đến 3 giờ sáng, mặt trời phải đóng ở cung Dần đến cung Ngọ - tức là từ 3-4 giờ sáng đến 12 giờ trưa thì mới hợp cách.
''Ừ. Tham - Sát đồng cung nên thê thảm/ Gái giang hồ trai tứ chiếng đề tên'' THAM là sao Tham Lang, SÁT là sao Thất Sát - là hai sao mạnh, phụ nữ có một trong hai sao này ở mệnh thì khí chất mạnh bạo không kém nam nhi, không hợp trong tình yêu, ở thế kỉ 21 phụ nữ mạnh bạo hơn xưa và cũng vì vậy sự tan vỡ trong tình yêu cũng tăng so với thế kỉ trước, vợ chồng ở với nhau cùng cương dũng sẽ bất ổn dễ dẫn tới đổ vỡ phải có độ cưng nhu mới tạo thế Âm - Dương cân bằng mới an bình.
Hai sao Tham Lang và Thất Sát trong tử vi không đồng cung mà chỉ hợp chiếu thôi nhà thơ Đặng Xuân Xuyến ạ. Phải chăng vì chú trọng đến gieo vần mà nhà thơ để vậy?!
Kết thúc bài thơ, Đặng Xuân Xuyến đã tự ngộ:
Biết phận mình khoác số kẻ cuồng yêu
Tình chồng vợ như trưa chiều đổi áo
Tuế-Kỵ-Cô hay Đồng-Riêu trở tráo
Cũng dâm ô, đắc kép tựa Mã-Đào
“Cuồng yêu” có nguyên nhân và nguyên nhân chính là anh tự kìm nén, đã bao tháng năm kìm nén vì thương con mà không chịu tục huyền và chỉ cuồng yêu trong thơ. Soi tình yêu của đời mình qua lăng kính tử vi thấy ''Tuế-Kỵ-Cô hay Đồng-Riêu trở tráo/ Cũng dâm ô, đắc kép tựa Mã-Đào''.
Toàn những sao lạnh lùng, cô đơn, dâm đãng và tráo trở dày vò trái tim cuồng yêu, anh đau đớn như người bệnh vô phương cứu chữa. Chờ ở số phận và trách số phận: ''Số phận này oan nghiệt bởi trời cao/ Ta phẫn uất hận bàn tay tạo hóa/ Trời cao hỡi! Trời cao ơi! Đểu quá!''
Tôi đã xong việc chú giải các sao tử vi trong bài thơ CUỒNG YÊU của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến, hy vọng bạn đọc hiểu thêm về bài thơ.
*
Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2017
NGUYỄN THANH LÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét