(Đặng Xuân Xuyến năm 2017) |
TÌNH TRONG "CƯỠNG XUÂN" -
TẬP THƠ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
*
Có lẽ không ai cầm tập thơ “Cưỡng Xuân” của nhà thơ Đặng Xuân
Xuyến mà không có một chút hoang mang với tên của tập thơ... Một người bạn thơ
nói với tôi: “Cưỡng Xuân” là khống
chế mùa xuân, nghĩa là hoặc làm cho xuân đến sớm, hoặc làm cho xuân quay lại.
Với tuổi đời của Đặng Xuân Xuyến hiện nay, cưỡng xuân tức là làm cho xuân đã đi
qua quay trở lại. Riêng tôi, tôi cũng lấy cái chủ quan của mình để hiểu được
phần nào ý nghĩa của hai từ “Cưỡng Xuân”
khi đọc được hai bài thơ trong tập thơ này.
Bài thơ thứ nhất có
đầu đề là “Cưỡng” như sau:
“Rỉ rắc mưa
Rét ngọt trở mùa
Em vê tròn ném tôi
vào cơn lốc
Tay run rẩy
Lẩy từng khuy cúc
Ngai ngái hương
thầm thĩ
em cười
Vít cổ xuống
Cong người
Em rướn…
Em!”
Qua bài thơ này ta
có thể hiểu em là người cưỡng xuân, nghĩa là em đã ép cho mùa xuân tình dục
trong thể xác anh nẩy nở.
Bài thơ thứ hai là bài “Xuân”
như sau:“Áo trắng em cười với gió đông/
Run rẩy đào phai đón xuân nồng/ La đà trong gió đôi vạt nắng/ Ngơ ngẩn trai
làng, ngơ ngẩn xuân”.
Như vậy cũng cho thấy em đã đưa mùa xuân tình yêu thuộc về phần tinh thần
đến sớm trong tim những người trai làng. Vậy qua hai bài thơ trên, có thể hiểu
“Cưỡng Xuân” trong thơ Đặng Xuân
Xuyến là làm cho mùa xuân trong thể xác, trong tâm hồn dậy lên không theo một
quy luật nào. Phải nói rằng tiếp theo cái tựa đề “Cưỡng Xuân” của tập
thơ, hầu như các đầu đề của những bài thơ trong tập thơ này Đặng Xuân Xuyến
dùng từ hoặc cụm từ như “Mơ”, “Lỡ”, “Chấp chới”, “Ấm Trời”…
đều ngắn gọn nhưng trừu tượng, xúc tích, thâm trầm và thâm thúy. Từ đó đọc thơ
Đặng Xuân Xuyến, nếu ta cảm nhận được cái bề dày, bề sâu của nó thì ta sẽ thấy
thơ ấy như một bức tranh nhỏ nhưng mô tả sống động một khung trời, khung đời
hiện thực trong cuộc sống. Người viết bài này xin chỉ đề cập đến một góc cạnh
trong phần nổi bật của tập thơ, với chủ đề tình yêu trong “Cưỡng Xuân”.
Đặng Xuân Xuyến
yêu:
“Trái tim anh không yêu vì thương hại
Sẽ ngàn lần không
buộc khổ vào nhau”
(Tình Anh)
Vâng, từ độ ấy đến
giờ
Sông trăng dầu cạn
vẫn chờ đò xưa
Cầu trời đổ một
trận mưa
Cho sông trăng nước
đò xưa trở về.
(Sông Trăng)
Đoc những bài thơ của Đặng Xuân Xuyến trong “Cưỡng Xuân” ta hay gặp những cuộc tình chớp nhoáng như chỉ để
khỏa lấp sự trống vắng trong đời nhưng thật ra, qua những câu thơ trên ta khám
phá được tính cao thượng và chung thủy trong con tim yêu chân thành và sâu đậm
của người thơ. Từ cái tình yêu quá đỗi chân thành và sâu đậm đó đã làm cho nhà
thơ trở nên bi quan vì không ai đền đáp đủ trong đời: Quá khứ buồn cứ để lạc trôi / Trăng với sao không đắp nền hạnh phúc/
Thuyền với biển không nối cầu nguyện ước/ Mây gió buồn cứ để dật dờ trôi
(Quá Khứ).
Tình yêu “trăng với sao” là thứ tình yêu đầy thơ
mộng nhưng cũng không đắp thành “nền hạnh
phúc” được. Rồi tình yêu “thuyền với
biển” là thứ tình yêu gắn bó keo sơn cũng gảy đổ cây “cầu nguyện ước”. Thế nhưng tác giả không quên đi bao giờ bởi vì “Quá khứ buồn cứ để lạc trôi/ Mây gió buồn cứ để dật dờ trôi” nghĩa là nó không
tan đi, không biến mất, còn hóa ra thiên hình vạn trạng, dật dờ trôi trên bầu
trời kia mãi mãi. Bầu trời kia là gì? Phải chăng là tâm hồn bao la của tác giả,
là ký ức chứa những đám mây tình.
Từ những kỷ niệm
buồn trong đời, nhà thơ mang mặc cảm, không còn thấy mùa xuân với hoa lá của
nó. Nhà thơ nghĩ rằng tất cả niềm vui trong tình đều là sự “Cưỡng Xuân”
nghĩa là mình hay ai đó phải tự làm cho mùa xuân đến, và chỉ cần đến để thỏa
mãn cơn khát tình là đủ:
“Ừ thì rượu. Ừ thì
thơ. Ừ mộng đẹp
Ừ thì say chi hỉ hả
phong trần
Đêm phập phồng,
ngực nõn hứng trăng non
Môi đón lưỡi uống
hương tình bất tận.
Yêu thương nhé
Một lần thôi. Là đủ
Ta đâu cần gian díu
giữa nhân gian…”
(Say Yêu)
Đọc cái chủ đề tập thơ là “Cưỡng Xuân”
và những bài thơ bên trong như “Ẩm
Trời”, “Cưỡng”, “Khát”, “Đêm”, “Say Yêu”…
nhiều người có thể cho rằng nhà thơ Đặng Xuân Xuyến thiên vể sự khoái lạc của
tình dục. Thật thế, trong những bài thơ này tình yêu nóng như lửa, sôi động như
phong ba làm da thịt người xem thơ cũng nóng lên hừng hực. Tuy vậy, nói như
trên là ép tác giả. “Cưỡng Xuân” trong thơ Đặng Xuân Xuyến chỉ là hành
động đáp ứng nhu cầu tình yêu cần phải có do đòi hỏi của con người, còn “Xuân”
với hương hoa đầy đủ ý nghĩa của nó luôn luôn có trong thơ và trong tâm hồn tác
giả nên không cần phải cưỡng. Xuân ấy là sức sống ứ căng. Có sức sống của xuân
thì mới cưỡng được xuân đến với mình. Nếu nhà thơ Đặng Xuân Xuyến không có sẵn
xuân trong hồn thì sẽ chẳng bao giờ cưỡng được xuân vì sẽ ít có hoa nào nở
trong giá lạnh, mà không có hoa thì chẳng có xuân bao giờ. Bởi vậy đọc toàn bộ
tập “Cưỡng Xuân” với 80 bài thơ ta mới thấy xuân tồn tại trong mỗi bài
thơ với sức sống tươi thắm của nó, ta mới thấy xuân tồn tại trong nhiều bài thơ
với chân tình của nó, với niềm say đắm đam mê, thanh khiết trong con tim chan
chứa tình yêu.
Người viết xin rút
gọn bài thơ có 12 câu còn 6 câu để khái quát cái điều mà tác giả tự nhủ đặt
trong tim:
Đừng khắc lời thề
trên đá
Đừng khắc lời thề
trên cát
Đừng ghim lời thề
trên lá
Hãy nghe vọng tiếng
con tim!
Hãy thở nhịp đập
trái tim!
Hãy đặt trong tim
lời thề!
(Đừng Thề)
“Hãy đặt trong tim lời thề” nhưng nếu ta
bị lỗi lời thề thì phải “Cưỡng Xuân”
nghĩa là cố mà quên để “đón bình minh
trước cửa”: Ừ ly nữa/ Ừ thêm ly nữa/
Ừ thì say! Ừ quên quãng sống thừa/ Quên bóng tà lẩn khuất phía song thưa/ Ta
cạn chén đón bình minh trước cửa. (Men Đắng)
Tuy thế nhiều khi
cưỡng xuân phải chịu đau thương vì đó là hậu quá của những điều trái với lẽ tự
nhiên:
Anh ngại ngùng khi
em chợt hỏi anh
“Anh hạnh phục hay
chỉ là chót lưỡi”
Biết nói sao để
không thành giả dối
Rưng rức buồn…
Day dứt giấc mơ
trăng.
(Mơ Trăng)
Với những bài thơ như “Người Xưa”, “Hương Thu”, “Tim
Đau” và nhiều bài thơ khác ta thấy ở Đặng Xuân Xuyến một con tim thả
lỏng tình yêu như thời còn trai trẻ, sôi động, thật thà, tha thiết, chân thành
kể cả những lúc cưỡng xuân: Đứng trước em
anh thành người rất lạ/ Thả rông hồn đắm đuối mắt em/ Em rất gần/ Nhưng cũng
thật xa xăm/ Em hời hợt để anh thèm vị biển/ Em hoang sơ để anh khát đại ngàn.
(Trả Em)
Yêu như thế là yêu
với tất cả trái tim còn xuân. Lánh yêu như sau đây là lánh yêu với con tim đau
nhưng vẫn là con tim còn xuân trẻ: Thôi
đành như người xa lạ/ Hững hờ gom gió mùa đông/ Thẩn thơ nhìn cây trút lá/ Lánh
nghe điệu lý tơ hồng. ( Lánh Yêu)
Tóm lại, đọc “Cưỡng Xuân” của Đặng Xuân Xuyến, ta có hai sự rung
động cùng một lúc. Đó là sự rung động của con tim yêu chân tình, say đắm và độ
lượng. Cùng lúc đó cũng bốc lên trong bầu máu nóng của ta một thứ hương tình
cúa thể xác. Hai thứ hương đó quyện vào nhau cho ta sự khoái lạc lạ lùng trong
nỗi đau khổ quặn thắt. Khoái lạc vì thơ Đặng Xuân Xuyến như ngùn ngụt ngọn lửa
của ái ân thể xác và của âu yếm tinh thần. Đau khổ vì thơ Đặng Xuân Xuyến làm
lạnh con tim, nỗi sầu được diễn tả như bông lơn nhưng làm cho người nghe quặn
lòng se thắt. Thơ đó không phải là thứ thơ hư cấu. Thơ đó là thứ thơ nở ra như
những bông hoa trường trãi được nẩy mầm từ hạt của nó, hạt ấy đã bị vui dập
trong bao nhiêu biến động của đời./.
*
CHÂU THẠCH
Địa
chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
Email: truongvantran@hotmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét