Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

NHÀ THƠ CHỬ VĂN LONG 'ĐỌC THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN'

 

NHÀ THƠ CHỬ VĂN LONG

“ĐỌC THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN”

*

BẠN QUAN

 

Bạn cũ lâu ngày gặp lại   

Chén rượu quê đưa đẩy tẩy trần

Tao ruột ngựa hỏi câu ngớ ngẩn    

Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền

Chức ấy rẻ mà sinh lắm lãi     

Mày học ngu nhưng thủ đoạn tài

Tao học giỏi nhưng mù thủ đoạn   

 Mãi long đong chức phó dân quèn

Mày nhăn mặt chửi tao thằng đểu     

Quá nửa đời mãi chửa hết ngu...

 

Rượu tới tầm  

Mày ghé tai tao   

Nói thật nhỏ   

Căng tai mới rõ

Làm người khó   

Làm quan càng khó

Chốn quan trường chó vịt giống nhau  

Mày than đời chỉ rặt những thau

Quan càng lớn chữ nhân càng nhỏ

Ví miệng quan giống trôn trẻ nhỏ

La liếm quen rồi nào biết bẩn nhơ.

 

Tao gật gù giả bộ ngớ ngơ

Khen các quan vì dân vì nước

Nghe nửa câu mắt mày trợn ngược

Chửi tao khùng hệt “lũ dân ngu”

Mày chửi thề đặc giọng quân khu

Đời đã chó

Quan trường càng chó

Rồi nhăn nhó

Than đời mày nhọ

Mấy tháng trời bổng lộc hụt xơi...

 

Rượu mày mời

Tao uống khó trôi

Thịt mày gắp

Tao nhai khó nuốt

Trời nhiều gió

Hay lòng tao nổi gió

Rượu đầy vò

Tao ngất ngưởng vờ say.

*.

Hà Nội, trưa 18 tháng 03.2016

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

ĐỌC BÀI THƠ “BẠN QUAN” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Tôi quen Đặng Xuân Xuyến đã lâu, từ thuở anh mới dựng nghiệp, mở cửa hàng “phát hành sách”. Là một nhà thơ, làm bạn hàng gửi sách nhờ anh bán hộ thường xuyên. So với những nơi khác bao giờ cửa hàng của Xuyến cũng giúp tôi bán được số bản cao gấp bội. Nhìn dáng vẻ bên ngoài tươi tắn, đẹp trai, hoạt bát và cái phong thái “dứt khoát” mỗi khi bàn việc…, ở Xuyến tôi thầm nghĩ con đường lập nghiệp gắn với sách vở văn chương sẽ tiến xa hơn! Bẵng đi một thời gian nền văn chương với những ước vọng thanh cao bị cuốn vào vòng xoáy kinh tế thị trường không còn phân biệt được đục trong lẫn lộn. Thơ thành sản phẩm của xã hội hóa cấp thấp, không còn biết viết để làm gì, viết để vì ai. Tôi cũng nản, ngồi nhìn bút giấy và cũng đã lâu không gặp Xuyến.

Một hôm, bất ngờ tôi nhận được tin nhắn của Đặng Xuân Xuyến mời cộng tác với trang mạng của anh… và tôi được đọc bài thơ rất tâm sự “Bạn quan” anh in trên trang mạng. Tôi thật ngưỡng mộ vì nội dung, giọng điệu, câu chữ già dặn, từng trải, vừa tiếp thu cách nhìn đời, nhìn người của các lớp nhà thơ cha anh mỗi khi bĩ cực, nhưng hơn hẳn lớp nhà thơ ăn theo xã hội bây giờ, khi vui thì vỗ tay vào, hết lộc thì thở ra những lời ai oán vụn vặt làm người đời chán đọc thơ vì vậy. Thơ Xuyến cũng mượn hơi men “giả tỉnh giả say” như để có cớ lôi tuột những mưu mô giả trá của một xã hội đang thịnh hành, đang phân hóa, làm đảo lộn hết đạo đức, nhân cách, làm người dù chỉ giới hạn bằng những lời bộc bạch, tâm sự của hai người bạn lâu ngày gặp lại, có nhu cầu phơi trải lòng mình thật đến nỗi chỉ thiếu cái tát bằng những ngón tay in lên mặt nhau, dù làm quan có chức tước giàu sang hay là dân ngu ngơ, nghèo túng, khi nhìn lại đời mình đều nhục, chưa thấy xứng kiếp người, tự mình thấy mình như súc vật, kiếp ngan, kiếp chó....

Bài thơ như một bầu tâm sự dốc thẳng sang nhau không cần niêm luật, kỹ thuật câu chữ. Đoạn đầu còn tỉnh, lời lẽ thăm dò giao đãi:

Bạn cũ lâu ngày gặp lại

Chén rượu quê đưa đẩy tẩy trần

Tao ruột ngựa hỏi câu ngớ ngẩn

Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền?

Tình bạn xa lâu gặp lại nhau, người ta thường ôn lại kỷ niệm trong lành một thuở, rồi mới có nhu cầu hỏi han công việc hiện tại gia cảnh của nhau. Đằng này có tình bạn ngày xưa của họ chỉ phụ họa thêm cho nỗi ấm ức về những rối ren, bất công xã hội. Thằng học giỏi không sống thủ đoạn thì làm dân quèn, thiếu cơm rách áo. Thằng học ngu, biết nịnh nọt cúi luồn vẫn có thể mua được chức tước lên quan để kiếm bổng lộc bạc vàng, thành ra cuộc gặp gỡ nơi chôn nhau cắt rốn lại là cái cớ để nổ ra cuộc vạch mặt chỉ tên những bất công xã hội đang ấm ức nơi lòng mỗi kẻ. Những tưởng chỉ kẻ thua thiệt mới buồn, mới đau, mượn rượu để nói ra lòng mình cho thỏa:

Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền

Chức ấy rẻ mà sinh lắm lãi     

Mày học ngu nhưng thủ đoạn tài

Tao học giỏi nhưng mù thủ đoạn   

 Mãi long đong chức phó dân quèn

Nào ngờ kẻ được mũ cao áo dài cũng lại ngồi thở than phận kiếp:

Làm người khó   

Làm quan càng khó

Chốn quan trường chó vịt giống nhau  

Mày than đời chỉ rặt những thau

Quan càng lớn chữ nhân càng nhỏ

Ví miệng quan giống trôn trẻ nhỏ

La liếm quen rồi nào biết bẩn nhơ.

Những lời bộc trực, thật lòng này nghe thật tội, thì ra kẻ làm quan đứng trước bàn dân thiên hạ, qua những cầu truyền hình đi khắp thế gian, nhìn oai phong lẫm liệt, có ai ngờ nơi tận sâu con tim, khối óc họ cũng bị dày vò, có khi lại gấp bội những buồn đau túng nghèo cơm áo, cũng thấy được nhục vinh cuộc thế:

“Làm người khó   

Làm quan càng khó

Chốn quan trường chó vịt giống nhau”  

“Đời đã chó

Quan trường càng chó”

Thì ra đã là con người dù giả trá gian manh đến đâu, dù có ngập sâu vào đống bùn nhơ tội lỗi thì thẳm sâu nơi nào đấy trong linh hồn của họ vẫn nhận ra vị bùn nhơ nơi đầu lưỡi họ đã ngậm phải. Khác nhau chăng kẻ ngày tháng quen dần với những gì nhơ bẩn, còn có kẻ còn biết cố trườn ra khỏi những đám bùn nhơ để thở chút khí trời trong lành trước khi xuôi tay, nhắm mắt. Bởi quyền tước bạc vàng có thể xây được nấm mộ cao chứ không để lại trong không gian, thời gian được chút tiếng thơm. Huống chi lúc sống đã bị người đời nguyền rủa.

Cái đau của thân phận dân đen cũng là đau nhưng có thể mượn phút giây gặp gỡ, nói vung mạng, tung tán tàn cho hả hê. Còn kẻ chức tước, giàu có, gian manh thì phải đợi lúc:

Rượu tới tầm

Mày ghé tai tao

Nói thật nhỏ

Căng tai mới rõ

Bởi đã khoác vào tấm áo quan trường phải biết học phép mưu ma chước quỷ. Nhiều việc giả danh gian trá phải giấu kín cả cha mẹ vợ con, đem xuống dưới mồ mới mong hoạn lộ, an toàn… chỉ giây phút ngồi trước người bạn thuở trong sáng ngây thơ, sau biền biệt mỗi đứa một phương, thắng thua nếm đủ quay về, men rượu ngấm vào ấm ức, nói ra cùng nhau cũng chẳng phương hại nữa rồi mới dám “ghé tai”, “nói nhỏ”…

Bài thơ thành bữa tiệc giữa hai người bạn thết nhau vị ngọt bùi, cay đắng tình thân, vừa là của riêng, lại vừa dọn mời người đọc nhâm nhi, cụng chén ở những năm tháng đời người thật ít điều vui, ít tình thân thiện và gần như không còn thứ tình cảm tri kỉ mà ông cha ta đã ngìn năm trồng cây cho gỗ nên trầm. Giờ rừng bỗng dưng bị đốn trụi. Tình người rồi sẽ sao đây! Đặng Xuân Xuyến đã gửi tâm sự lòng mình vào thơ cho vơi ấm ức! Có lẽ chỉ còn thơ có thể an ủi anh chăng!

Bài thơ “BẠN QUAN” đã ghi lại sống động cuộc sống hôm nay, của người Việt Nam mình./.

*.

Hà Nội, 23 tháng 5-2016

CHỬ VĂN LONG

Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.    

Email: haicv08@gmail.com

 

Mời nghe nhạc phẩm QUÊ HƯƠNG

của Giáp Văn Thạch, qua tiếng hát Tùng Dương:

 

QUÊ NGHÈO

 

Quê tôi nghèo lắm

Vẫn lác đác nhà tranh

Vẫn tiếng thở dài những chiều giáp hạt

Vẫn bát cơm chan mồ hôi mặn chát

Cha cả đời lam lũ

Mẹ một đời chắt chiu

Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ

Tuổi thơ tôi đói ngủ

Thương cánh cò bấu bíu lời ru.

 

Quê tôi nghèo lắm

Phiên chợ còn èo ợt nghèo hơn

Dăm ba nải chuối

Vài mớ rau tươi

Mẹt sắn, mẹt ngô

Í ới mời chào cao hơn mời cỗ

Lèo tèo dăm người bán

Lẻ tẻ mấy người mua

Ế bán

Chán mua

Phiên chợ quê xác xơ già cỗi.

 

Quê tôi nghèo lắm

Lũ trẻ gầy như con cá mắm

Lũ trai mặt mũi mốc meo

Gặm nhấm nỗi đau nghèo khó

Nơm nớp âu lo đời như chiếu bạc

Thương con cò con vạc

Mỏi cổ chồn chân trên đồng đất của mình.

 

Quê tôi nghèo lắm

Nước mắt rơi từ thời chị Dậu

Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ

Âm ỉ bủa quanh

Bám đeo đặc quánh

Chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp

Sừng sững bê tông cốt thép

Ngạo nghễ tượng đài

Ngạo nghễ trần ai

Chiếc cổng làng thành tai hại

Giam hãm đời người

Tù túng giấc mơ.

 

Quê tôi nghèo

Nghèo cả giấc mơ...

*.

Hưng Yên, chiều 29 tháng 12 năm 2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

ĐỌC BÀI THƠ QUÊ NGHÈO CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Là người Việt Nam không ai không biết tới cảnh nghèo, cái đói đã đeo bám dân tộc ta từ những ngàn đời. Cảnh đói ăn, thiếu mặc, bán vợ, đợ con đã in đậm vào những trang văn, những bài thơ từ thuở ông cha ta biết dùng chữ viết ghi lại cùng con cháu hôm nay. Nhiều câu thơ, trang văn đã làm rơi lệ người đọc, thương cho số phận người xưa, lại thương cho phận số của chính mình. Cuộc cách mạng năm 1945 giành lấy chính quyền từ chế độ vua quan phong kiến, thực dân cai trị, người nghèo làm chủ lấy vận mệnh của mình với bao hy vọng đẹp tươi, xây dựng một xã hội ấm no, công bằng, người không còn bóc lột người… nhưng con đường ấy chưa biết bao giờ tới đích. Sau những bộ mặt đô thị, thành phố tập trung được xây dựng khang trang đẹp đẽ, vẫn còn những làng quê chưa thoát khỏi cảnh nghèo:

Vẫn lác đác nhà tranh

Vẫn tiếng thở dài những chiều giáp hạt

Vẫn bát cơm chan mồ hôi mặt chát

Cha cả đời lam lũ

Mẹ một đời chắt chiu

Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ…

Bộ mặt đời sống mỗi vùng quê mỗi nơi tuy có khác nhau nhưng nhìn chung vẫn chưa nhấc nổi bàn chân thoát khỏi cái vòng nghèo khó. Bây giờ không còn đói dài đói rạc, không còn quần mảnh áo manh, sự nghèo khó lại mang bộ mặt khác.

Nhìn từ bên ngoài:

Chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp

Sừng sững bê tông cốt thép

Ngạo nghễ tượng đài…

Chiếc cổng làng thành:

Giam hãm đời người

Tù túng giấc mơ!

Còn đời sống thật bên trong, văn hóa, hiểu biết, kiến thức, khoa học, tục lệ, lễ nghi… vẫn chưa nâng con người thêm lên là bao. Thật buồn cười, hàng ngày qua đài báo ta cứ nghe ra rả những lời nói đẹp: “cán bộ là đầy tớ của nhân dân!” nhưng nhìn vào anh chị cán bộ nhỏ bé nhất của làng ai cũng quần là áo lượt, còn nhân dân thì áo đẫm mồ hôi, quần quật nắng sương lại được tiếng là ông chủ của đất nước. Trong khi mảnh đất hẹp của chính mình vẫn cày cuốc, người tà có thể lấy đi để mua bán đầu từ cho những tập đoàn tư sản nước ngoài năm, bảy chục năm, lấy tiền bỏ túi nhà nước thì ít, còn túi những ông bà đầy tớ, chỉ một hai khóa nắm quyền, là có thể tậu nhà mặt phố, thị trấn, thành người của lớp giàu sang. Còn dân đen thì phải rời nhà, rời cả mồ mả tổ tiên và được cái tiếng là người có quyền làm chủ… Trong một bài thơ Đặng Xuân Xuyến khó nói hết điều này nên sau những câu thơ khắc họa cái nghèo rất thực:

Quê tôi nghèo lắm

Lũ trẻ gầy như con cá mắm

Lũ trai mặt mũi mốc meo

Gặm nhấm nỗi đau nghèo khó

Mà cuộc sống khổ nghèo trì trệ, tù đọng ấy cũng đâu yên ổn:

Nơm nớp âu lo

Đời như chiếu bạc

Nay hãy biết nay, còn mai chưa biết thế nào.

Hình ảnh trong bài thơ của Đặng Xuân Xuyến viết là những làng quê của vùng khoai lúa cây trồng nơi những vùng đồng bằng ít biến động bởi thiên tai bão tố. Nước ta với hơn ba nghìn cây số biển dài còn bao làng quê sống nghề chài lưới. Mỗi gia đình ở đây còn nơm nớp bao nhiêu khi đặt cược đời mình nơi những chiếc phao nổi nênh mặt nước. Dù không giàu có nhưng sống nhờ con tôm, con cá …qua ngày. Bỗng nhiên người ta bán đất đầu tư cho nước ngoài gần cả trăm năm. Công nghiệp đem được lợi ích gì cho những người dân chài lưới chưa thấy đâu, đã gây nên vụ ngộ độc suốt dải biển bắc miền Trung cá chết, đã hơn hai tháng nay chưa tìm được nguyên nhân. Tuy được cho cơm gạo cầm hơi để sống, để nhìn ra biển. Nỗi đau dân chài, tự dựng rơi lại vào cái bẫy khó nghèo, so với nỗi sợ, nỗi lo ở những làng quê đời sống dân chài còn nơm nớp bấp bênh hơn. Đúng là “Đời như chiếu bạc” mình không đánh bạc mà bị trắng tay… Nỗi buồn lo đến vậy cả một dải đất miền biển, nhưng trên báo chí truyền thông ta chỉ được đọc một hai bài thơ đồng cảm với biển, chứng tỏ còn một nỗi đáng sợ hơn là lòng người bây giờ, tuy vẫn cười vẫn nói cùng nhau nhưng thứ tình nghĩa quê kiểng xóm làng sống không còn ấm áp “Tắt lửa tối đèn” như xưa.

Giữa không khí thơ như thế bài thơ của Đặng Xuân Xuyến như đốm lửa tình người vẫn còn lửa hồng than đỏ, hàng ngày sống giữa những cạnh tranh giành giật phố phường mà còn gửi được hồn mình ở nơi tình người và cảnh vật lẻ loi là thật đáng quý:

Phiên chợ quê còn ẽo ợt nghèo hơn

Dăm ba nải chuối

Vài mớ rau tươi

Mẹt sắn mẹt ngô

Í ới mời chào…

Ế bán

Chán mua

Phiên chợ quê xác xơ già cỗi

Bài thơ “Quê nghèo” của Đặng Xuân Xuyến cho ta cái tình, tình người muôn thuở.

Làng thơ Việt Nam bây giờ có nhiều người giàu có, quyền tước ngất trời muốn mượn thêm thơ để làm phật đạo, rằng mình cũng hiền, cũng triết, cũng thanh cao, đã mượn cả danh của hội nhà văn Việt Nam để in sách, mời những nhà thơ có tiếng để hội thảo, in song ngữ, tam ngữ, quảng bá rùm beng như đám rước hội làng, nhưng thơ nhạt thếch, bởi lòng họ còn đâu thứ tình người lửa khói. Tình người đã cạn kiệt còn lấy gì để rung ngân… Trái tim không còn nhói đau khi chạm phải “cái nghèo” cái bất công hàng ngày vây bủa thì còn đâu thơ phú...

*.

Hà Nội, 15 tháng 6-2016

CHỬ VĂN LONG

Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.    

Email: haicv08@gmail.com

 

Mời nghe nhạc phẩm LÀNG TÔI

của Văn Cao, qua tiếng hát Hương Lan:

 

VIẾT CHO NGÀY VALENTINE

 

Có lẽ xưa đường tu vụng dại

Vung vãi tình giờ nghẹn đắng chữ yêu

Ta nhìn người mà rậm rật bờ môi

Cứ da diết vòng tay tình chồng vợ.

 

Đêm rũ xuống. Ngằn ngặt niềm yêu đắng

Chăn gối đơn rệu rạo đêm trường

Ta rụt rè ngóng gió muôn phương

Mà ứa lệ. Mà bẽ bàng cay đắng...

 

Tình yêu ơi sao xa xỉ thế

Đến bao giờ thoát khỏi bến mê

Đến bao giờ hết rầu rĩ tái tê

Lại hối hả dệt mộng lành ân ái...

 

Ừ, đừng nói đạo người phải trái

Tình bán mua soi kỹ làm gì

Chót nhỡ nhàng phận hẩm duyên thiu

Thì cũng cố vê tròn chữ nghĩa.

Thôi, ta mặc lời người độc địa

Cố nín câm giữ biển lặng sóng ngầm

Ta gồng mình giữ chặt vẻ trầm ngâm

Chầm chậm bước giữ nhịp đời thật chậm.

 

San niềm vui gom vội niềm cay đắng

Ta cuộn mình sống hết kiếp nhân sinh.

*.

Hà Nội, đêm, 14 tháng 02 năm 2016

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

ĐÔI LỜI CẢM NHẬN KHI ĐỌC “VIẾT CHO NGÀY VALENTINE”

Đọc bài thơ “Viết cho ngày Valentin” của Đặng Xuân Xuyến lòng ai không khỏi ngậm ngùi, không thấy nuối tiếc cho những cuộc đời một đời lỡ dở trong tình yêu đôi lứa. Thứ tài sản quý nhất ở đời mà trời đất đã ban cho mỗi người sinh ra trên mặt đất này, ta đã được cầm trong tay nhưng vô tình để tuột rơi tan vỡ, giờ nghĩ lại chỉ còn biết đổ cho phận số:

Có lẽ xưa đường tu vụng dại

Vung vãi tình, giờ nghẹn đắng chữ yêu.

Ngày Valentin, ngoài đường nườm nượp những lứa đôi chồng chồng, vợ vợ, nhìn những bó hoa tình yêu người ta trao tặng cho nhau mới thèm khát biết bao những cử chỉ hạnh phúc, những vòng tay êm ái mà ta không biết nâng niu gìn giữ khi tuổi trẻ còn phơi phới cùng bao mơ ước ngông cuồng tiền bạc, lợi danh ta đã nhầm lẫn tưởng nó giúp ta dựng nên được những lâu đài hạnh phúc vững bền, khi nhận ra điều này thì đã muộn:

Đêm rũ xuống. Ngằn ngặt niềm yêu đắng

Chăn gối đơn rệu rạo đêm trường

Ta dụt dè ngóng gió muôn phương

Mà ứa lệ. Mà bẽ bàng cay đắng…

Có lẽ, đến cả những anh hùng vĩ nhân từng dọc ngang trời đất, từng chiến thắng hết thảy mọi gian nguy khi rơi vào cảnh cô đơn này cũng trở nên bất lực.

Ta dụt dè ngóng gió muôn phương

Chỉ còn đợi giữa muôn điều may rủi nơi số phận mình đem lại. Lúc này mới tỉnh thức về lẽ sống ở đời, có thể giành giật, mua bán chiếm đoạt được mọi thứ có ở trên đời, riêng với tình yêu thì không có thể mua bán chiếm đoạt. Nó chỉ đến cùng và ở mãi cùng ta bằng những yêu thương giao cảm chân thành. Một ánh mắt gửi trao, một lời yêu an ủi có khi nặng hơn vàng cân, bạc nén. Ta hãy nghe câu hát của những kẻ áo rách vá vai mà vẫn hạnh phúc biết bao:

Chồng em áo rách em thương

Chồng người áo gấm sông hương mặc người

Nhất thời, cuộc sống nơi này, chỗ kia kẻ nọ, đang bị cuốn vào vòng xoáy mua bán đổi trao hết thảy tính bằng bạc tiền nhưng rồi cái giá để có được tình yêu sẽ làm họ tỉnh lại. Chẳng thế sao Đặng Xuân Xuyến lại thốt nên lời:

Tình yêu ơi sao xa xỉ thế!

Nó đắt lắm không tính được bằng tiền, không chinh phục được bằng tước quyền danh vọng, chỉ có thể đến được với nhau, ở mãi trong nhau khi cùng một nhịp trái tim mãi đập chân thành. Tác giả vừa thức ngộ cho mình vừa như nhắc nhủ người khác:

Đến bao giờ thoát khỏi bến mê

… Lại hối hả dệt mộng lành êm ái…

Thức ngộ được cuộc sống này, người tốt kẻ xấu, tình thắm đượm, nghĩa phôi pha đang xảy ra ở khắp mọi nơi, đếm xỉa hết thảy chẳng để làm gì:

Ừ, đừng nói đạo người phải trái

Tình bán mua soi kỹ làm gì

Chót nhỡ nhàng phận hẩm duyên thiu

Thì cũng cố vê tròn chữ nghĩa

Người tốt không phải bao giờ cũng gặp được người tốt để thủy chung gắn bó. Đau đến vậy, nhưng là người cầm bút làm thơ thường khác với người đời là không vì người phụ ta mà ta phụ lại người, tự nhận lấy không may “phận hẩm duyên thiu” để sống giữa đời này và mỗi câu thơ viết ra để mong con người sống tốt đẹp hơn, thương nhau, yêu nhau chân thật không lọc lừa giả trá. Và Đặng Xuân Xuyến rút ruột trải lòng:

Thôi ta mặc lời người độc địa

Cố nín câm giữ biển lặng sóng ngầm

Chầm chậm bước giữ nhịp đời thật chậm

Tình yêu là hoa, là hương, là trời xanh mây biếc. Có được tình yêu, có được hạnh phúc thật sự trên đời ta như chắp cánh lượn bay tới cõi trăng sao. Nhưng yêu cũng lại là niềm bất hạnh không gì sánh nổi.

Qua những dòng thơ “Viết cho ngày Valentin” của Đặng Xuân Xuyến như nhắc cùng ta hãy biết trân trọng giữ gìn những gì có được trong tay đã là hạnh phúc, không gì thay thế được.

*.

Hà Nội, tháng 07 năm 2016

CHỬ VĂN LONG

Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.    

Email: haicv08@gmail.com

 

Mời nghe nhạc phẩm NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU

của Tiến Minh, qua tiếng hát Lam Anh và Bằng Kiều:

 

TÔI NGHE

 

Tôi nghe...

Quan đầu tỉnh xứ Thanh

Cung phụng bồ nhí siêu xe bạc tỉ

Biệt thự rải khắp nơi

Chiếm đất vàng phố thị

Còn ủ mưu đầu cơ chính trị

Bợ gót đưa “nàng” vào cơ cấu

Quan thật giầu!

Quan tính kế thật sâu!

Quan lấy tiền từ đâu?

Từ bòn rút dân đen?

Hay tận vét bằng trò buôn quan bán chức?

 

Tôi nghe...

Quan đầu tỉnh xứ Bái khử nhau

Hệt như phim hình sự

Vì ân oán tư thù?

Vì ăn chia không đủ?

Vì lật lọng bảo kê ghế ngồi cơ cấu?

Tháng Tám mùa thu

Tám phát giang hồ

Khô khốc nổ

Niềm tin gục đổ

Náo loạn lòng người

Choáng váng tình đồng chí.

 

Tôi nghe...

Quan đầu tỉnh Hà Giang

Thiết lập vương triều nhà Triệu

Này thì vợ

Này em trai

Này thêm chồng em gái

Mật ngọt ruồi bu

Khoanh vùng chia nhau cát cứ.

 

Tôi nghe...

Đứa trẻ Gia Lai chết trong tức tưởi

Ba năm tới trường bằng mượn áo rách của anh

Bà Lò Thị Phanh

Bệnh viện trả về

Không tiền thuê xe

Xác cuốn chiếu

Gập ghềnh xe thồ hơn trăm cây số.

 

Tôi nghe...

Những mảnh đời khốn khó

Những anh Vươn sắp trơ lì hãi sợ

Có câu tức nước ắt vỡ bờ

Khi niềm tin rạn vỡ.

*.

Hà Nội, chiều 21 tháng 09 năm 2016

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

ĐỌC BÀI THƠ “TÔI NGHE” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Ở tuổi “Cổ lai hy” rồi, trái tim chẳng dễ gì xúc động, vậy mà đọc bài thơ “Tôi nghe” của Đặng Xuân Xuyến thật khó cầm lòng. Chỉ với năm khổ thơ ngắn đưa lại những thông tin, sự kiện đã và đang xảy ra ngoài xã hội, gần như ai cũng biết, nhưng khi nó được dồn nén bằng những câu chữ thành dòng dài ngắn, thành một bài thơ, những sự kiện rời rạc kia bỗng gợi nên những tương phản buồn vui của đất nước không của riêng ai những tháng năm này.

Chuyện vị quan đầu tỉnh xứ Thanh dùng bồ nhí thao túng cơ cấu chính trị tỉnh đâu còn là chuyện riêng của xứ Thanh. Cái chết một lúc ba nhân vật đứng đầu của tỉnh Yên Bái không được giải thích nguyên nhân, đâu chỉ là sự báo động của riêng Yên Bái? Chuyện tưởng không có gì ở Hà Giang:

Quan đầu tỉnh Hà Giang

Thiết lập vương triều nhà Triệu

Này thì vợ

Này em trai

Này thêm chồng em gái…

Đọc xong những câu thơ, liệu có ai nghĩ chuyện này chỉ riêng ở Hà Giang!

Còn bao chuyện tha hóa biến chất của các quan chức nhà nước cấp tỉnh, cấp trung ương, có việc đã lộ ra như nguyên thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền về hưu, mới biết ông đã can tội tham nhũng (chưa có án xét xử). Rồi gần đây là vụ ông Trịnh Xuân Thanh lãnh đạo ngành xây lắp dầu khí làm thất thoát hơn 3.000 tỷ, đơn vị vẫn được hai lần tặng thưởng huân chương, phong tước anh hùng, để điều chuyển về làm phó chủ tịch tỉnh nọ, lại đắc cử nghị viên quốc hội mới bị phát hiện. Đích danh tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ thị các cơ quan trách nhiệm phải làm rõ việc này đưa ra ánh sáng, xét xử. Dù ông Thanh đã cao chạy xa bay thì vẫn còn đó cái lệnh truy nã toàn cầu…

Mừng cho ngòi bút tác giả bài thơ “Tôi nghe” nếu không vững tay nghề sẽ đem kể hàng loạt những vụ tham nhũng biến chất như thế, bài thơ sẽ biến thành một “bản trường ca bất hảo” trường thiên… đọc sẽ nhàm chán bởi bản chất của xã hội, dù tha hóa đến đâu vẫn còn lại bao điều tốt đẹp, vị tha, cao cả.

Và đoạn thơ thứ tư bất ngờ xuất hiện:

Tôi nghe...

Đứa trẻ Gia Lai chết trong tức tưởi 

Ba năm tới trường bằng mượn áo

                                                rách của anh

Bà Lò Thị Phanh 

Bệnh viện trả về

Không tiền thuê xe

Xác cuốn chiếu

Gập ghềnh xe thồ hơn trăm cây số.

Một em bé ba năm tới trường với chiếc ao đi mượn, lại là chiếc áo rách và chiếc áo rách ấy theo em cả lúc xuống mồ. Hỏi còn gì tủi cực hơn cho một tâm hồn ngây thơ trong sáng, và một kiếp người! Bàng hoàng hơn, ở thế kỷ 21 này và ở Việt Nam mình mà có hình ảnh một người chết ở bệnh viện, không có tiền thuê xe, cuốn trong chiếc chiếu, chở xe thồ hơn trăm cây số!

Tám câu thơ gợi hình ảnh tương phản với ba đoạn thơ trên về màu sắc sáng tối làm nên bức tranh toàn cảnh sinh động mà lâu nay mỗi khi nghĩ đến thi ca người ta có cảm giác nó là thứ nghệ thuật đã tách ra, đứng bên lề cuộc sống thì nay nó lại nhập cuộc vào vui buồn thao thức lương tri.

Tám câu thơ ngắn liệm trọn số phận con người nghèo khó ở bất cứ nơi nào khi mà cuộc sống chưa có công bằng bác ái, ở bất cứ nơi nào mà bọn quan tham còn được che đậy bởi những lời nói ngoài môi “vì Đảng, vì dân”!

Bài thơ không cần đoạn thứ năm:

Tôi nghe...

Những mảnh đời khốn khó

Những anh Vươn sắp trơ lì hãi sợ

Có câu tức nước ắt vỡ bờ

Khi niềm tin rạn vỡ.

Bởi chỉ bốn đoạn trên nó đã gây được xung lực, nó đã gợi lên cho người đọc, dù vô tâm đến đâu cũng phải khơi dòng không thể để “tức nước vỡ bờ”. Nhìn lại những trận đại hồng thủy từng qua, cuối cùng vẫn lại dân đen chìm nổi cùng với đau thương gánh chịu.

*

Hà Nội, ngày 06 tháng 10.2016

CHỬ VĂN LONG

Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.    

Email: haicv08@gmail.com

 

Mời nghe nhạc phẩm ĐẤT NƯỚC LỜI RU

của Văn Thành Nho, qua tiếng hát Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền:

 

LỠ

 

Tôi đắm hồn tôi nơi bến vắng

Lướt khướt trăng vàng rớt đáy sông

Thầm thĩ với người từng vun mộng

Trăng kia bến cũ có thay dòng?

Mỗi độ chiều tàn, đêm rủ xuống

Môi kề môi ấy có lạ không?

 

Và đã khi nào mỏi mòn trông

Héo hắt than hoa lạc cuối dòng?

Có còn đứng đợi chờ trăng xuống

Mơ dạo cùng ai cõi phiêu bồng...?

 

Tôi biết, nhưng thôi, chỉ rầu lòng

Ái tình cố níu cũng bằng không

Lòng người còn thẳm hơn sông rộng

Chỉ lỡ nhịp chèo đã qua sông.

*.
Hà Nội, chiều mưa 19.08.2016

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

ĐỌC BÀI THƠ “LỠ” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

May thay tác giả bài thơ “Lỡ” được sinh ra ở thời đại những làng quê Việt Nam còn nhiều mơ mộng, còn có những bến đò gợi niềm cách trở cho kẻ ở người đi. Phương tiện để nối lại đôi bờ chỉ là những con đò tay người chèo lái… Cuộc sống chậm đến nỗi “Chỉ lỡ nhịp chèo” mà nhiều khi tình duyên lỡ dở, biệt ly, để bây giờ làng quê, thành thị nối liền nhau, qua sông đã có những cây cầu vững chãi vươn thẳng nhịp nối đôi bờ cho những dòng người, dòng xe lăn bánh bon bon, chớp mắt đã được cầm tay, đã được kề tựa bên nhau không còn phải phấp phỏng ngóng chờ mà tác giả vẫn có được những câu thơ trở về trong mộng:

Tôi đắm hồn tôi nơi bến vắng

Thấy lại cả vầng trăng “say lướt khướt rớt đáy sông” vì hồn người lúc ấy đắm say “thầm thĩ với người từng vun mộng”. Bây giờ lấy vợ, cưới chồng tuy thủ tục rườm rà nhưng có lẽ người ta đã mơ ước khác xưa, ước muốn khác xưa. Có đôi lứa nào đến với nhau: “Thầm thĩ với người từng vun mộng”. Cái thực bây giờ đã thay cái mộng. Còn đôi lứa nào giờ yêu nhau như câu thơ Xuân Diệu từng gợi lên vẻ đẹp tình yêu sống mãi muôn đời: “Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì”. Yêu mà không nói được vì sao tôi yêu em. Vì sao em yêu tôi, thời nay chắc không còn nữa. Khi viết câu thơ “Trăng kia bến cũ có thay dòng” hẳn tác giả là người có tình yêu bền chặt. Đời thật tất cả đã đổi thay. Sông, người ta đắp đập, chặt khúc làm thủy điện. Bây giờ còn ai ngẩn ngơ “Cầm tay đi dạo dưới trăng vàng”. Chưa kể thứ tình yêu thác loạn nơi đèn màu, nhạc Rốc nơi phố thị, vầng trăng quê đã bị bỏ rơi từ đã lâu rồi như câu thơ một nhà thơ viết thời đương đại:

Trăng đã mất từ khi Hàn đi mất

Trăng còn đây chỉ là bản photo

Hàn là thi sĩ Hàn Mặc Tử, thi sĩ sống cùng trăng, sống với trăng bây giờ không còn. Vầng trăng ta thấy đây chỉ là “vầng trăng photo” giống hệt vầng trăng muôn xưa, nhưng không phải, bởi còn đâu thứ tình yêu thật sự trong lành để nuôi sống mơ mộng cho trăng…

Nhưng nghĩ lại, giữa đời sống bẩy tỷ người trên trái đất, chỉ có một vành trăng mơ mộng mà thôi, ai còn có nó, giữa bao bậm trợn, ham hố, thèm muốn ở đời, tác giả là một con người hạnh phúc, vẫn sống với vầng trăng đẹp để mơ chung thủy với người không chung thủy với mình. Hơn hết để còn những câu thơ như “kẻ tâm thần không chịu tỉnh” như thế này:

Mỗi độ chiều tàn, đêm rủ xuống

Môi kề môi ấy có lạ không?

Bài thơ “Lỡ” sẽ đem đến cho ai chịu thiệt thòi lỡ dở, thứ hạnh phúc suốt đời vẫn có một tình yêu tươi đẹp, sáng trong.

*.

Hà Nội, 25 tháng 10-2016

CHỬ VĂN LONG

Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.    

Email: haicv08@gmail.com

 

Mời nghe nhạc phẩm TRỘM NHÌN NHAU

của Trầm Tử Thiêng, qua tiếng hát Hoài Lâm:

 

HƯƠNG THU

 

Ô kìa chiều

Ai thả nắng vương cây

Tóc rối ai bay

Mòn ai đuôi mắt

Điệu lý buông lơi tính tang khoan nhặt

Da diết bổng trầm xao xác sông xưa

 

Ta hỏi chiều

Thu đã về chưa

Mà lá vàng rơi khẽ nghiêng thật nhẹ

Mà gió mơn man vuốt ve thật khẽ

Biêng biếc trời chiều

Man mát hương sen.

 

Ta hỏi chiều

Sao rất đỗi thân quen

Tí tách bếp ai dẻo thơm cốm mới

Câu lý giao duyên ngập ngừng bối rối

Bồng bềnh người ơi

Mây tím lưng trời.

*.

Hà Nội, chiều 07 tháng 08 năm 2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

ĐỌC BÀI THƠ “HƯƠNG THU” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Giữa một đô thị như Hà Nội gần như đã chật cứng xe cộ, nhà cửa, âm thanh… Trừ những người giàu có, quyền tước chiếm giữ được những khoảng không gian riêng có cây che bóng mát cho những ô cửa sổ mở ra để nhìn ngắm ánh trời… Còn cuộc sống của hầu hết mọi sinh linh chọn thành phố làm nơi cư ngụ. Âm thanh chát chúa, khói bụi cay mù, xe cộ với tốc độ luồn lách… Nhìn những dòng người, dòng xe với những chiếc mũ bảo hiểm dọc theo những con đường nắng bốc hơi ngùn ngụt người đã thấy nôn nao như mình đã lạc sang một “tiểu hành tinh” nào đấy mù xa… Không biết làm thế nào đấy mà người thơ vẫn có một buổi chiều Hà Nội, vẫn dành riêng cho mình một cõi đắm say thanh thản. Ta như nghe được tiếng reo của người đang chìa bàn tay chờ đón mùa thu bằng cảm giác mùi hương.

Tạo hóa ban phát riêng cho những người làm thơ thứ hạnh phúc không ai có thể tranh giành, không luật pháp khắc nghiệt nào có thể ngăn trở tâm hồn người ta đến với cái đẹp; người thơ như được đứng riêng một cõi:

Ô kìa chiều

Ai thả nắng vương cây

Tóc rối ai bay

Mòn ai đuôi mắt

Điệu lý buông lơi tính tang khoan nhặt

Da diết bổng trầm xao xác sông xưa

 Tóc rối” của ai bay? Ai nhìn ai “mòn đuôi mắt”? Cái gì “bổng trầm”? Cái gì “xao xác” và “sông xưa” là con sông nào mà thả được dòng trôi vào cái mảnh đất nhà cửa chen chúc những khối bê tông thô ráp mệt mỏi dâng đầy giữa Hà Nội ngày càng ngột ngạt, chật hẹp để người thơ vẽ nên chiều thu thơ mộng, lãng mạn?

Đọc đoạn hai bài thơ Hương thu

Ta hỏi chiều       

Thu đã về chưa

Mà lá vàng rơi khẽ nghiêng thật nhẹ

Mà gió mơn man vuốt ve thật khẽ

Biêng biếc trời chiều

Man mát hương sen.

Đọc đến đây ta có thể khẳng định sự mơ hồ của “lá rơi” của ngọn “gió mơn man ve vuốt” của sắc trời chiều “biêng biếc”, thêm vào chút “hương sen man mát” làm cho ngây ngất, mở lòng, chứ anh cũng chưa gặp mùa thu - vì còn phải hỏi chiều “thu đã về chưa”? Nhưng nào say đắm có mất gì, khi lòng ta bỗng dưng bổi hổi, xao xuyến nhớ về một mùa thu đẹp đã đi qua để lại cho hồn ta những vẻ đẹp, những màu sắc âm thanh sáng trong, ngập ngừng, bối rối:

Ta hỏi chiều

Sao rất đỗi thân quen

Tí tách bếp ai dẻo thơm cốm mới

Câu lý giao duyên ngập ngừng bối rối

Bồng bềnh người ơi

Mây tím lưng trời.

Thơ hay thường là những kỷ niệm đẹp nhưng phải được cháy lên hoặc thắt quặn lòng mình.

Thêm vào một tay nghề … Hương thu có nhiều nét đẹp nhưng mới chỉ dừng lại ở những “xốn xang”, còn “thiếu vị buồn”. Bởi cái gì đẹp thăm thẳm thường pha thêm chút ánh buồn (Đẹp và buồn đi với nhau), như thế bài thơ mới chiếm được hết lòng độc giả, mới làm mê mẩn người xem./.

*.

Hà Nội, 26 tháng 10 năm 2016

CHỬ VĂN LONG

Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.    

Email: haicv08@gmail.com

 

Mời nghe nhạc phẩm THƯ TÌNH CUỐI MÙA THU

của Phan Huỳnh Điểu, qua tiếng hát Bảo Yến:

 

VĂN THÙY “DỊ NHÂN”

 

Cuống quýt với thơ

Lử đử cùng thơ

Say thơ như điếu đổ.

 

Cả đời

Đánh đổi 

Được gì?

- Dăm ba bài thơ dán tem "thơ bụi'. (1)

 

Thiếu vợ

Thiếu con

Đâu phải Kép Tư Bền

Sao cứ bắt miệng cười tim héo.

 

Đời lắt léo

Phận eo sèo

Thây kệ thế gian úp mở.

 

Giả ngố

Mượn chữ bày trò

Vác thơ

Tưng tửng.

                                ................

(1): Chữ dùng của nhà thơ Nguyễn Khôi

*.

Ân Thi, đêm 22 tháng 04.2017

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

ĐỌC “VĂN THÙY DỊ NHÂN” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Tôi đã được đọc thơ và một số bài viết ca ngợi nhà thơ Văn Thùy in báo và đăng trên trang mạng rộng rãi, nhưng chưa một lần gặp mặt. Tình cờ một ngày đầu xuân năm nay (tháng 3/2017) tôi sang Ân Thi - Hưng Yên thăm nhà người bạn và gặp Văn Thùy cũng có mặt trong cuộc vui không hẹn này. Thì ra anh là người cùng quê với anh bạn trẻ tôi quen. Còn Văn Thùy không biết hàng ngày và ở những cuộc gặp gỡ khác anh ăn vận ra sao. Trước mặt tôi lúc này với chiếc nón nan rộng vành và tấm áo dài thâm phai màu, chưa thể nhìn được khuôn mặt, bộ râu cùng mái tóc muối tiêu tung tỏa … nom anh như nhân vật dấu mặt trong những bộ phim kiếm hiệp của Kim Dung từ đâu xuất hiện. Có lẽ hình ảnh nón nan với áo trùng than này đã tạo cho người đời nhìn nhà thơ Văn Thùy thành “Dị nhân” đi kèm với tuổi tên chăng? Tôi quan sát anh khi xếp thứ “áo nón phường tuồng” đi, là một ông lão tuy đã râu tóc phai màu nhưng còn nhanh nhẹn, đôi mắt sáng, bộ comple tôn thêm vẻ ngoài đĩnh đạc của một thi nhân khi hai tay đón lấy chén trà… Tan cuộc, anh tặng tôi hai tập sách dày dặn: Tập thơ “Mảnh ghép của thơ Việt” và tập “Thư pháp” có nhiều bức vẽ chữ cho chính những câu thơ anh tâm đắc đã gửi cùng đời. Và anh khoe đã bán được hơn “BẨY CHỤC TRIỆU ĐỒNG” sau hàng tháng bán thơ, vẽ thơ ở Văn Miếu - Hà Nội…

Ngày tháng trôi đi… chiều qua tôi đọc được bài thơ của Đặng Xuân Xuyến vẽ chân dung của người thơ Văn Thùy đã gợi lại những câu thơ và nét thư pháp bâng khuâng của con người xương thịt “Văn Thùy” khi tiễn tôi ở Ân Thi ra về thêm một đoạn đường, không nón để râu tóc được tự do bay trong gió. Nhưng khi sống cùng thơ trong bức chân dung của Đặng Xuân Xuyến vẽ anh thì say thơ, mê thơ đến “cuống quýt”, “lử đử” như đã bị thơ lấy mất đi hồn vía, lấy mất đi chính cả cuộc đời đã hơn bẩy mươi năm bút mực dốc cạn mà không biết có phút nào nhận ra mình:

Cả đời

Đánh đổi

Được gì?

- Dăm ba bài thơ, dán tem “thơ bụi”

Câu thơ như thể nét cắt sắc lẻm, đau tận xương tủy cho những ai đã đi cùng thơ sắp hết đời mình với bao mơ mộng chứa chan khi cầm bút từng mong, không thi hào thi bá thì cũng để lại chút danh thơm như Nguyễn Công Trứ từng ghi “Đã sinh ra ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Giờ nhìn lại, còn lại:

“Dăm ba bài thơ dán tem “thơ bụi”

Đau hơn, cuộc sống bình thường, đời thường no đói, giàu nghèo, sang hèn gì ai cũng có một tổ ấm vợ, con xum họp mới là đời người, mới là cuộc sống… Người thơ ở đây không biết còn lý do gì ngoài sự mê đắm thi ca hay chỉ vì “Dăm ba bài thơ dán tem thơ bụi” đã đổi cả hạnh phúc êm ấm gia đình: 

Thiếu vợ

Thiếu con.

Viết đến đây, hình ảnh Văn Thùy để đầu trần phóng xe tiễn tôi thêm một quãng qua thị trấn Ân Thi bỗng thoáng hiện về trong trí nhớ: Một người hơn bẩy mươi tuổi còn tháo vát nhanh nhẹn như vậy, anh như tự lý giải cho những câu thơ của Đặng Xuân Xuyến, lý giải cuộc đời này:

Đời lắt léo

Phận eo sèo

Thây kệ thế gian úp mở

Đã thế thì anh việc gì phải: Giả ngố/ Mượn chữ bày trò/ Vác thơ/ Tưng tửng như Đặng Xuân Xuyến đã khắc họa? Bởi tất cả từng trải, mất mát và bao nhiêu nỗi buồn đau của giấc mơ bệnh lý do nàng thơ ám ảnh suốt cả đời người đã làm cho con tim khô héo, có thể phẩy tay “Thây kệ thế gian…” thì con người Văn Thùy cũng đủ bản lĩnh nhìn thẳng vào đời với cái nhìn khinh bạc thật sự, không cần “Giả ngố”, không cần phải “Mượn chữ bày trò” anh đã đem chính những câu thơ mình, dùng thêm “hoa tay thư pháp” vẽ thành tranh trước Văn Miếu, Quốc Tử Giám bán cho bàn dân thiên hạ. Liệu có bao người làm thơ dám đem ra bán giữa chợ đời như anh.

Qua bài thơ Văn Thùy “Dị nhân”, Đặng Xuân Xuyến đã thành công ở những nét đặc tả một dạng thi sĩ số phận lận đận trong cuộc sống cơm áo con người.

*.

Hà Nội, 09 tháng 5 năm 2017

CHỬ VĂN LONG

Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.    

Email: haicv08@gmail.com

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Chử Văn Long0

- Các bài viết của (về) tác giả Văn Thùy0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

(Ảnh - Từ trái qua phải: Đỗ Hoàng, Chử Văn Long, Nguyễn Khôi,

Đặng Xuân Xuyến, Nguyễn Đắc Cơ và Nguyễn Đăng Hành)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét