Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

CHÉP LẠI NHỮNG GIẤC CHIÊM BAO CỦA TÔI - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

 

CHÉP LẠI NHỮNG GIẤC

CHIÊM BAO CỦA TÔI

*

- Tổng hợp các status trên facebook ghi lại giấc mơ: 2012 - 2020

 

24 tháng 10, 2012:

TRỞ VỀ CHỐN XƯA

Đêm kia, (22/10/2012) khi đang mơ mơ màng màng, thấy có tiếng người thầm thì, hối thúc: - Trần Văn Toán, Trần Văn Toán (hoặc Trần Văn Toản),... Sau đó, tôi thấy mình lạc vào một ngôi làng lạ lắm, cảnh vật như quen, như lạ, có nét dân dã ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng có nét hoang dại của miền sơn cước. Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt nửa hân hoan, chào đón, nửa cự nự, dò xét. Mặc họ, tôi cứ thủng thẳng đi. Đến một khu đất trống, giống như sân kho hợp tác xã ngày xưa, có một đám thanh niên đang tụ tập hát hò, hình như là họ đang tập văn nghệ. Tôi bước vào, hắng giọng rồi diễn giải một vài tuồng cổ cho đám trai làng. Đám thanh niên giương mắt nhìn tôi rồi bàn tán điều gì đó, vẻ như không thích sự có mặt của tôi. Buồn, tôi lững thững bước ra đường. Một phụ nữ, chừng 30 tuổi, phảng phất nét đẹp của một sơn nữ, nói gì đó với đám trai làng, đám thanh niên nháo nhác gọi tôi, vẻ như ân hận vì đã xúc phạm tới bậc tiền bối.

Tôi cứ đi, đi đến một đám đông khác - hình như là phiến đất rộng ở giữa làng - đang bàn tán, phổ biến cho nhau kinh nghiệm gì đó. Mọi người ở đây ăn mặc thật lạ: Áo gụ, quần nâu, tóc xõa vai, đi chân đất,.... cứ như là đang sống ở đầu thế kỷ XX vậy. Cách nói chuyện, cư xử cũng thế, rất lạ. Cứ dè dặt, lo lắng, cứ như đang sợ sệt điều gì đó sắp ập xuống, sắp giáng họa xuống cho dân làng.

Thấy tôi, mọi người phấn chấn hẳn, nói chuyện hình như có chủ ý để tôi nghe được, thấy được....

Có vẻ, tôi rất được dân làng tôn trọng.

Có vẻ như mọi người đang chờ đợi chủ kiến của tôi.

Dửng dưng nhìn mọi người tranh cãi, bàn luận, tôi lơ đễnh bước ra đường.

Đến cạnh dặm cúc tần, tôi lưỡng lự, nửa muốn đi tiếp, nửa muốn quay lại với mọi người...

Một thanh niên dong dỏng cao, có khuôn mặt trái xoan, nước da ngăm ngăm, chạy ra đứng cạnh, đượm buồn hỏi:

- Đã về rồi sao không ở lại còn đi?

Tôi lảng tránh ánh nhìn của người thanh niên, không nói gì nhưng tâm trạng thật lạ: Có chút day dứt, xốn xang, có chút xót xa, hờn tủi...

Nắm chặt bàn tay thanh niên nọ, tôi cúi mặt, trốn chạy ánh mắt của người phụ nữ có khuôn mặt tròn phúc hậu, bảo bà là mẹ của tôi, đau đáu nhìn tôi, xót xa, trách giận...

Hình như tôi đau lắm nên thổn thức thành lời, khiến Tuấn Hưng tỉnh giấc, hỏi:

- Bố nằm mơ gặp bà nội à?

--------------

*. - P/s: Giấc mơ thật lạ.

Lạ vì cảm giác trong mơ như thật, rất thật.

Lạ nữa là sao cứ Trần Văn Toán (hoặc Trần Văn Toản), mà không phải ai khác, trong khi tôi đâu biết Trần Văn Toán (hoặc Trần Văn Toản), là ai?

*.

Hà Nội, ngày 24 tháng 10.2012

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

https://www.facebook.com/photo/?fbid=234822013338015&set=a.279793202174229

 

19 tháng 06, 2013:

ÉP LÀM THẦY BÓI

Đêm hôm kia (17/06/2013) mơ giấc mơ thật lạ.

Lang thang một mình đến khu vườn lạ, gặp rất nhiều nam thanh nữ tú đang dập dìu ong bướm. Tôi cứ tha thẩn đi, mặc mọi người rủ rê, bỡn cợt.

Bất chợt một cơn mưa ập đến. Mọi người nháo nhác tìm nơi trú mưa. Có ai đó cứ kéo tôi nép vào gốc cây để tránh mưa nhưng tôi gạt ra. Chạy đến ngôi nhà 2 tầng, gần giống kiểu nhà sàn, làm bằng tre nứa, tôi vội leo lên.

Lên tầng 2, tôi hốt hoảng khi thấy mái nhà xiêu vẹo, dột nát, định chạy xuống thì cầu thang không còn nữa, ngôi nhà như lơ lửng giữa không trung.

Vội chạy vào góc nhà nhìn có vẻ tươm tất nhất để tránh mưa thì nghe thấy giọng sang sảng của một phụ nữ, rất giống giọng chị Đông:

- Nhà của cái Tho đấy. Thánh định cho nó ăn lộc nhưng thấy nghiệp nó còn quá nặng mới thu lại nên nhà cửa giờ mới hoang vắng như thế.

Ngơ ngác nhìn quanh, không thấy người đâu chỉ thấy cuốn sách có tựa: CHÂN TRUYỀN TỬ VI LÝ SỐ đặt trên chiếc chõng tre, tôi cầm lên đọc.

Thấy hay, tôi lấy điện thoại để chụp nội dung cuốn sách thì bị một bàn tay chặn lại. Một cụ bà không biết từ đâu xuất hiện, miệng bỏm bẻm nhai trầu, tủm tỉm nói:

- Lạy ta 3 lạy, gọi ta là sư phụ ta sẽ cho cuốn sách đó.

Tôi cười cười:

- Bà cho mượn thì cháu cám ơn chứ lạy bà, tôn bà làm sư phụ thì cháu không làm đâu.

Bà cụ quắc mắt:

- Bay không lạy ta, không gọi ta là sư phụ mà dám cầm sách của ta đọc à?

Tôi cười:

- Thì cháu trả lại bà. Cháu không có số để làm thầy bà ạ.

Bà cụ quát:

- Bay láo nhỉ. Dám cãi lời của ta à!

Rồi cầm gậy, nhằm đầu tôi phang tới tấp.

Vừa giơ tay đỡ, vừa cuống quýt bỏ chạy, tôi hốt hoảng kêu:

- Có ai không? Cứu tôi với!

Vấp phải bậu cửa, ngã, tỉnh giấc.

--------------

Tỉnh mộng mà vẫn thấy lạnh cả người.

Chép lại để ngẫm xem sao.

*.

Hà Nội, 19 tháng 06 năm 2013

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

https://www.facebook.com/photo?fbid=234795070007376&set=a.279793202174229

 

19 tháng 06, 2013:

MUA NHÀ Ở QUÊ

Đêm qua (18/06/2013), lại gặp giấc mơ rất lạ. 

Khi tôi và con trai (Đặng Tuấn Hưng) đang loay hoay với đồng đồ đứng chờ xe taxi thì gặp Dũng (con trai em Đạm). Cháu mời tôi và Tuấn Hưng lên xe: “- Tiện đường về quê có việc, cháu mời bác và anh Tuấn Hưng về cùng.”. Nhìn đống đồ, cháu hỏi: “- Bác về quê sao lỉnh kỉnh đồ đạc như về nhà mới thế?”. Tuấn Hưng trả lời: “- Bố anh vừa làm thêm nhà ở quê, hôm nay bố con anh dọn về nhà mới.”. 

Trên đường về, Dũng nói chuyện thật nhiều về những ngày cháu mới ra Hà Nội tìm việc phải vất vả, bươn chải thế nào? cơ cực ra làm sao? Rồi cháu cười, nụ cười tự tin, mãn nguyện: “- Giờ cháu đã kiếm được tiền, tuy không giàu có nhưng cũng đủ để lo cho cuộc sống của vợ con được no đủ và có chút ít báo hiếu bố mẹ. Thôi thế cũng được rồi bác nhỉ?”. 

Khi rẽ vào nhà mới khoảng mươi mét, thì bị vợ chồng anh Phần, chị Minh nằm ngáng đường, không cho ô tô vào ngõ. Dũng xuống xe năn nỉ thế nào vợ chồng anh Phần cũng không chịu đứng dậy. Tôi bước xuống, chào anh chị, rồi nói dăm câu (tôi không nhớ cụ thể đã nói gì nhưng đại loại là dù thiên hạ rỉ tai tôi thế này, thế kia nhưng tôi vẫn tin anh chị là người tốt.), bấy giờ anh chị mới chịu đứng dậy. 

Xe từ từ lăn bánh vào nhà. Tâm trạng tôi lâng lâng khó tả. Có gì đó như háo hức, chờ đợi, như muốn được vỡ òa ra cho thỏa cơn khát khao, dồn nén lâu ngày nhưng lại xen lẫn nỗi sợ mơ hồ, như muốn trốn chạy, muốn bưng kín, đóng chặt để đi vào tĩnh lặng, quên lãng...

Nhìn ngôi nhà mới, hoàn toàn khác ngôi nhà khánh thành cuối năm ngoái (2012). Tuấn Hưng làu bàu: “- Bố lãng phí tiền. Con chẳng thích ngôi nhà này. Con về nhà trong làng đây.”. Động viên mãi, con mới chấp nhận ở lại làm lễ nhập trạch xong thì cùng mọi người về nhà trong làng. 

Đang loay hoay không biết vào nhà bằng cách nào vì bỏ quên chìa khóa trên Hà Nội thì anh Đặng Văn Thắng mang chùm chìa khóa đến. Anh cười, mắng tôi là thằng dở, hậu đậu, về nhà mà quên mang chìa khóa thì khác gì đi cày quên dắt theo trâu. Vẫn thế, vẫn miệng nhai trầu dẻo quẹo, anh vừa bày biện đồ lễ, vừa hỏi: “- Thằng dở đã chuẩn bị đủ đồ lễ chưa? Chị mày sợ mày đàn ông đàn ang không biết gì nên bảo anh đến ngó xem thiếu gì còn chuẩn bị cho đủ”. Sắp xong, anh sai mọi người bê lễ vào nhà. Dũng cười cười, nháy mắt: “- Bác ơi, chừa lại rượu, tối cháu vào hầu rượu bác.”. Tôi cười, mắng: “- Nhà bác đâu thiếu rượu mà anh phải nhắc bớt lại rượu.”. Dũng cười hì hì, chào mọi người về nhà. Khi ra đến cổng, một con chó rất to, đi bằng 2 chân, lao vào tấn công Dũng. Cháu vật lộn với nó nhưng có vẻ yếu hơn nên luôn bị nó cào cắn. Tôi lao ra giúp cháu thì con chó bỏ chạy, người nó cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút. Dũng ôm chặt tôi, lắp bắp: “- Bác ơi, ma đấy. Cháu sợ lắm.”. Tuấn Hưng cằn nhằn: “- Con đã bảo bố đừng mua nhà này, bố cứ tham rẻ, không nghe. Giờ thì có bán rẻ hơn cũng chẳng ai mua.”. Tôi giật mình, phân vân, hình như nhà này tôi chưa trả tiền, nhập trạch sao được? Anh Thắng sốt ruột, hỏi: “- Thực ra chú đã trả hết tiền người ta chưa? Cái nhà này anh cũng không ưng. Nếu mua rồi thì làm lễ nhập trạch cho có thủ tục rồi về nhà trong làng nghỉ ngơi, ăn uống, chứ ở đây anh cũng thấy thế nào ý.”

Tôi và mọi người vào trong nhà. Đến gian bếp thấy thiết kế rất lạ: Gian bếp rộng. Đun nấu bằng rơm rạ. Ban thờ thần bếp được thiết kế, trang trí theo kiểu của bọn người Tàu... Đồ vật sắp xếp rất cẩu thả, luộm thuộm… Tôi bắt đầu thấy ngán ngẩm. Anh Thắng, lầm bầm: “- Thật vớ vẩn. Nhà này mà chú cũng mua.”. Tuấn Hưng đế thêm: “- Bố cháu tham rẻ đấy bác ạ. Cháu gàn nhưng bố cháu không nghe.”. Dũng, vẫn còn sợ vụ bị ma chó tấn công, phân bua: “- Nhà này rộng, thoáng mát, vườn cây lại xanh tốt như thế nên bác Xuyến mới bị đánh lừa...”. Cô Nha ở đâu tự dưng xuất hiện, phân trần: “- Bác Xuyến mua nhà này cũng không sao bác Thắng ạ. Bác ấy sẽ trị được bọn ma chó đó. Có bác Xuyến về làm hàng xóm thì em an tâm lắm. Em định làm lại nhà nhưng giờ không cần nữa, tiền đó để em gửi tiết kiệm dưỡng già bác ạ.”.

Anh Trần Tiến, anh rể tôi, càu nhàu: “- Cậu mua nhà này phí quá. Đã không có tiền làm lại nhà trên 344 Đường Láng lại quẳng tiền vào mua nhà này làm gì? Rõ phí phạm.”. Chú út khì khì: “- Chắc bác ấy mua để dành cho cô con gái rượu khi nó tìm về nhận tổ quy tông.”. Chị gái tôi quát: “- Cậu vớ vẩn. Con gái rượu nào? Đặng Tuấn Hưng là duy nhất. Không có cháu gái nào cả. Nhà này trả lại khẩn trương, không mua bán gì nữa. Một nhà ở quê là đủ rồi. Phí tiền.”. 

Khó khăn lắm tôi mới gàn được mọi người không bàn cãi về ngôi nhà mới mua nữa. Cùng cháu Dũng về nhà cũ của bố mẹ để lấy thêm đồ, gặp anh Sao, anh ấy trừng mắt: “- Mày về đây làm gì? Về để cười đểu vợ chồng tao à?”. Bực nhưng tôi vẫn nhẫn nại: “- Em về lấy lại chút đồ của em mang sang nhà mới. Hay dở thì mình cũng là ruột thịt, lẽ nào em lại cười đểu anh chị?”. Dũng thấy vậy, đon đả cho dịu căng thẳng: “- Hai bác sang giúp bác Xuyến dọn về nhà mới đi, chứ nhà cửa bề bộn như thế không có hai bác sang giúp thì hơi mệt đấy. Cháu cũng vào giúp bác Xuyến mấy ngày bác ạ.”. 

Tuấn, con chú Toại, cùng thằng bạn bỗng xuất hiện, mắng tôi về nhà mới sao không thông báo cho anh em bạn bè biết. Tôi gãi đầu, cười trừ: “- Tại anh bận quá Tuấn à. Thôi, đã về đến đây thì sang giúp anh một tay. Nhà cửa còn bề bộn lắm. Xong thì vào nhà trong làng, anh em mình hàn huyên tâm sự, mai hãy lên Hà Nội.”. Tuấn ghé tai thì thầm: “- Anh biết chuyện vợ chồng chị Phượng chưa? Vừa lôi nhau ra tòa, có vẻ căng thẳng lắm đấy. Anh đúng là vô tâm.”. 

Chuyện trò một lúc, tôi cùng mọi người kéo nhau sang nhà mới. Khi thắp hương làm lễ nhập trạch, bỗng xuất hiện một cụ bà, tay cầm roi mây quất túi bụi vào mọi người, mắng mọi người sao không ngăn cản, lại a dua xúi tôi mua ngôi nhà này. Chừng như đã mệt, cụ ngừng tay, chỉ mặt tôi, mắng: “- Còn ngươi nữa, đã biết đất này không hợp với ngươi còn cố dẫn xác đến đây làm gì. Cút! Cút ngay! Cút về nhà trong làng ngay”.

Tôi nhìn cụ, bực tức hỏi: “- Không cho mua thì thôi sao bà lại đánh mọi người? Can cớ gì bà lại chửi cháu như thế? Bà là ai mà hung hăng thế?”. Cụ bà mím môi lại, tức giận chửi tôi: “- Tiên sư thằng học sinh mất dậy, dám hỗn láo với ta à?”. Thuận tay, cụ vớ cây bút trên bàn phi thẳng vào mặt tôi, chửi: “- Ta là ai à? Phục sinh cái loại học trò hỗn láo nhà ngươi.”

Sợ quá. Tình giấc.

--------------

- P/s: Giấc mơ thật lạ: Rất liền mạch, có đầu có cuối, hệt như câu chuyện có thật được kể lại một cách trình tự. Chỉ có điều, ngôi nhà mới trong giấc mơ rất lạ nhưng tôi lại có cảm giác quen quen, như đã thấy ở đâu đó. Những người đã gặp trong mơ, trừ cụ bà và con chó ma, tất cả đều là người thân quen với tôi. Ngôi nhà trong làng và ngôi nhà của bố mẹ trong giấc mơ cũng y hệt như thực. 

Ghi lại giấc mơ này để chiêm nghiệm xem sao.

*.

Hà Nội, ngày 19 tháng 06.2013

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

https://www.facebook.com/photo/?fbid=480541285432752&set=a.279793202174229

 

07 tháng 08, 2013:

Vừa đặt mình nằm đã mơ mơ màng màng, thấy lạc vào giữa đám đông, tâm trạng rất lạ, nửa muốn nán lại cùng vui với mọi người, nửa lại muốn rời nhanh để tránh xa thị phi, đàm tiếu. Cứ dùng dằng như thế, chừng một lúc, cỡ dập bã trầu, bỗng thấy anh Tiễu xuất hiện, mắng như chan canh đổ mẻ: - “Mẹ mày chứ! Mồm ăn thì có mồm nói thì không! Chúng nó vu oan cho mày như thế mà mày cứ lặng im là thế nào? Tưởng mày có ăn có học thì phải biết ăn nói để bảo vệ mình chứ, sao lại ngu ngốc như thế!

Lúc còn sống, chưa bao giờ anh chửi mình cả. Lúc nào anh cũng hết lòng bao bọc, chở che cho mình. Bị chửi, ức quá mình cãi lại: - “Anh cũng vừa vừa thôi. Chửi em mà như chửi kẻ thù là sao?”. Anh trợn mắt: - “Mẹ thằng này mày muốn tao đánh chết mày à? Mồm năm miệng mười với tao còn với chúng nó thì mày lại lặng im là thế nào?”. Vơ cây điếu, anh định đánh mình thì một giọng nói rất ấm, rất quen thuộc, ngăn lại: - “Bảo ban em chứ không được đụng chân đụng tay với em như thế!

Giật mình.

Tỉnh giấc.

https://www.facebook.com/dangxuanxuyen/posts/225289820957901

 

1 tháng 1, 2014:

Đêm 24 tháng 12 năm 2013, nằm mơ về quê một mình. Không hiểu vì lý do gì mà mình cứ lững thững vào ngôi nhà cũ của bố mẹ. Giật mình khi thấy cháu Đặng Quang Hiệp, cháu đích tôn của bác ruột mình, đang ngồi trên bàn thờ khư khư ôm bát nhang. Mình hốt hoảng đuổi cháu xuống nhưng cháu gân cổ cãi: - “Đó là việc cháu phải làm. Ông mặc kệ cháu.” Nhìn sang bên, thấy anh trưởng của mình cứ đứng trân trân nhìn cháu Hiệp, mình định nói: - “Nhà của anh sao anh lại để cháu leo lên làm bậy như thế? Anh đuổi cháu xuống ngay đi!” Nhưng mãi ú ớ, không tài nào nói được. Phải một lúc lâu, chắc anh trưởng lúc đấy mới hiểu ý mình định nói nên thủng thẳng: - Không phải việc của mày!

Tỉnh giấc, cứ mãi phân vân.

Trưa 25 tháng 12 năm 2013, ngồi ăn cơm với mọi người, mình phàn nàn về giấc mơ “gở” đó và nói với chị gái: - “Em nửa phân vân là ông Ba sẽ đi trong năm nay nên cháu Hiệp mới khư khư ôm bát nhang như thế nhưng lại phân vân là sao cháu ôm bát nhang nhà bác Sao mà không phải bát nhang nhà cháu Hiệp? Chẳng lẽ giấc mộng đó có liên quan tới cả bác Sao?”

Tối 26 tháng 12 năm 2013, cháu  Đặng Quang Hiệp có việc lên Hà Nội, tạt vào nhà nhờ mình chút chuyện, mình hoảng hốt khi nghe cháu nói: - “Cụ ông ở nhà bị ngã, tưởng là đi hôm qua ông ạ! May mà hôm nay cụ khỏe lại nhiều rồi!”

Sáng 29 tháng 12 năm 2013, ra thăm Ông, thấy giọng Ông có phần méo nhưng mình vẫn cứ hy vọng Ông sẽ qua được để con cháu tổ chức mừng đại thượng thọ (90 tuổi) cho Ông vào ngày Mồng Bốn tết năm Giáp Ngọ.

Sáng nay, các anh chị ở quê điện lên báo Ông đã đi rồi.

Giờ tranh thủ sắp xếp công việc để chiều về quê chịu tang bác ruột!

*

Hà Nội, 01 tháng 01 năm 2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

https://www.facebook.com/photo/?fbid=273469192806630&set=a.507923416027872

 

23 tháng 2, 2014:

“THẰNG CHÁU” TRONG MƠ

Trưa (23 tháng 02 năm 2014), ngủ, lại mơ lên 344 Đường Láng. Thấy bà Mùi và bà Tý cãi nhau hăng lắm. Bà Mùi xông vào quán, ôm đồ đạc của bà Tý vất đầy ra ngõ, rồi chỉ mặt, chì chiết, chửi bà Tý là con mụ béo, con nhà quê. Bà Tý hăng tiết, chửi lại bà Mùi là con nặc nô, con “a đầu” rẻ rách, rồi cầm cán chổi tới tấp đập vào đầu bà Mùi. Đau quá, bà Mùi lăn đùng ra ăn vạ. Bà giãy hăng lắm. Vừa lăn vừa gào nhưng mắt vẫn canh chừng cán chổi của bà Tý: - “Ới làng ới xóm mau cứu tôi với. Con Tý nhà quê nó đang định giết tôi đây này…”

Định ra can 2 bà nhưng ngại lại sảy ra hiểu lầm rồi mang vạ vào thân như năm nào nên tôi lẳng lặng vào nhà tránh mặt. 

Rõ ràng là đi lên tầng 2 nhà ở 344 Đường Láng, vậy mà khi bà Tý mang nước lên lại là cảnh tôi đang ngồi trên con đường đất mới mở, ở quê, không phải ở Hưng Yên, quen nhưng mà lạ lắm. 

Một cậu bé quãng 10, 11 tuổi, nước da trắng trẻo, khuôn mặt sáng đẹp đến chào tôi, đưa chiếc ghế nhựa, lễ phép mời tôi ngồi, rồi vạch “chim” định đái vào tường nhà. Tôi quát: - “Cháu không được tè bậy như thế. Chú cho no đòn đấy!”. Thằng bé khúc khích cười, đi vòng ra sau, ôm cổ tôi, tình cảm hệt như với người thân vậy, rồi lừa lúc tôi sơ ý, tè luôn vào tường ngôi nhà kế sau. 

Bực, định phát vào mông thằng bé thì bà Tý hề hề cười, bảo: - “Ô, thế bố Xuyến không nhớ thằng bé này là con ai à mà lại định đánh nó? Phải hỏi thân thế của nó xem sao đã chứ? Nhỡ may đánh nhầm phải người thân thì thế nào?”

Tôi sững người, chưa kịp trả lời thì thằng bé khúc khích cười, liến thoắng: - “Chú ấy già rồi, lẩm cẩm lắm nên không nhớ được gì đâu bà ạ! Đấy! Vẫn hấp tấp như mười mấy năm trước. Chả thay đổi gì cả! Chán!.” 

Nói xong, chạy mất hút vào ngõ.

Tôi quay sang hỏi bà Tý thằng bé ấy tên gì? Con nhà ai? Sao trông quen thế? Thì bà cụ tròn mắt hỏi lại: - “Ơ thế anh cũng không biết nó à? Cô tưởng anh với nó là chỗ thân tình? Thấy nó bảo là người “quen cũ” của anh, để nó mang nước lên cho anh nhưng cô sợ nó lóng ngóng, đánh vỡ ấm chén nên cô bê lên.”

Tôi đứng dậy, móc túi để trả tiền nước thì thằng bé lại xuất hiện. 

Nhìn tôi, nó buồn buồn hỏi:

- Thế chú không nhớ cháu thật à?

Tôi bảo:

- Ừ! Chú xin lỗi! Thật sự chú không nhớ cháu là ai? con nhà nào?

Nó ngước mắt nhìn tôi, rưng rưng lệ, ai oán trách:

- Người đâu mà vô tâm thế! Mới xa nhau có hơn mười năm, giờ gặp lại mà đã quên cả anh cả em rồi.... 

Tôi phì cười, mắng:

- Uầy. Hư nào cháu! Chú với cháu sao có thể là anh em được. Hư quá!.... 

Không đợi tôi hết câu, nó gào lên: - “Thằng anh mất dậy, bạc nghĩa bạc tình này! Kiếp trước, ngồi uống rượu với nhau bao lần mà quên em nhanh thế? Nhìn kỹ đi, rồi cố mà nhớ xem ngôi nhà này đã gặp ở đâu?”. Rồi lao vào đấm đá tôi túi bụi. 

--------------

Giật mình, tỉnh giấc.

Thấy giấc mơ lạ, chép lại để ngẫm xem sao.

*.

Hà Nội, 23 tháng 02 năm 2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

https://www.facebook.com/photo/?fbid=446185128868368&set=a.279793202174229

 

29 tháng 3, 2014:

CỤ BÀ TRONG MƠ

Đêm qua (28/03/2014), lại mơ, một giấc mơ rất lạ.

Tôi về quê, vào nhà cũ của bố mẹ. Cảnh vật y như ngày còn bé: Vườn rau trước sân, nhà bếp xây bằng gạch non, lợp rạ, liền kề sân nhà anh Sứ. 

Tôi chưa vào nhà, cứ đứng trân trân ở sân, tâm trạng xốn xang, rất lạ. Đến lúc định vào nhà thì tự dưng mặt sân chao đảo, rạn nứt. Tôi tò mò lần theo vết rạn, thấy bức tường phía sau nhà bếp từ từ tách làm đôi. Bước qua kẽ nứt, định sang nhà anh Sứ thì bị bức tường rào cản lại. Tôi ngó sang, thấy bác Lễ đang nói với anh Sứ về chuyện duyên số vợ chồng trong vòng luân hồi sinh tử. Nghe nhưng câu được câu chăng nên tôi chẳng hiểu gì.

Nhìn dãy đất trũng sau bếp, tôi hỏi với sang:

- Bác và anh làm lại sân à? 

Anh Sứ nói:

- Không! Bên nhà anh có làm gì đâu. Chắc ý chú định hỏi nhà anh sửa sang gì mà làm toác tường bếp nhà chú chứ gì? Mưa gió như thế, bếp nhà chú xây bằng gạch non nên bị hỏng thôi.

Nhìn kỹ thì đúng là nhà anh Sứ không sửa sang gì, bức tường ngăn cách 2 nhà vẫn chắc như cũ. 

Thấy tôi đăm chiêu, bác Lễ bảo:

- Nhớ con nhớ cháu nên bác với anh về thăm, chứ giờ có muốn động chân động tay đỡ đần con cháu, bác cũng đâu làm được? Đồ cũ đã hỏng thì thay đồ mới, là chuyện tốt, chuyện nên làm, sao còn lấn cấn hả cháu?

Tôi ngẩn người vì thấy bác Lễ nói cứ như nhà hiền triết. Ngờ ngợ điều gì đó nhưng tôi mãi không nghĩ ra. Có lẽ đoán được lấn cấn của tôi, anh Sứ cười cười, bảo:

- Chú ngạc nhiên khi gặp bố con anh à? Chú là người có căn duyên nên mới nói chuyện được với người âm. Bố anh khuyên chú đúng đấy. Phấn chấn lên chú nhé!

Chưa kịp trả lời anh Sứ thì đã thấy tôi cùng con trai, cháu Thắng đang ở nhà trong làng. 

Lục đồ ăn mang từ Hà Nội về, con bảo Thắng:

- Mày ăn thử đi! Ngon lắm! Chú để dành, mang về cho bọn mày nếm thử đấy.

Nhìn quang cảnh không giống nhà trong làng, nhất là cây nhãn, bể nước, sân, vườn... Tôi hỏi anh Đặng Văn Thắng sao lại khác vậy? Anh cười, mắng:

- Thằng dở! Chú điện về nhờ anh làm lại bể nước, anh mới làm. Bể nước thiết kế lại thì đương nhiên khuôn viên sân, vườn cũng phải thay đổi. Thổ địa ở đây tốt nên cây cối mới xanh đẹp như thế. Chú phàn nàn gì nữa!

Kéo tôi đến bể lọc, anh chỉ dòng nước đang chảy, bảo:

- Anh thiết kế dòng thoát như thế này hợp lý hơn trước. Chú thấy ổn không? Duy mỗi cái bể nước chìm ở sân thì anh chưa ưng lắm. Chị mày phàn nàn thành bể xây thấp quá, không tốt.

Vừa lúc đó, chị Sáu đi vào, cằn nhằn: 

- Anh em nhà chú chẳng để ý đến chuyện kiêng kỵ phong thủy gì cả. Cái thành bể phải xây cao hơn mặt sân, chứ thấp như thế vừa không vệ sinh, vừa không tốt về phong thủy. Mà chú cũng nên để mắt tới thằng Đức nhà chú Sao một tí. Nó có lớn nhưng không có khôn, còn nhiều dại dột lắm. Thương con thương cháu thì chú giơ cao đánh khẽ, dạy bảo nó chứ cứ để thế thì đời nó tàn. Chị thấy dạo này chú Sao cũng có vẻ căng lắm, hình như có chuyện về thằng Đức đấy. Thôi, anh em chín bỏ làm mười chú ạ. 

Định giãi bày với chị thì thấy một bà cụ, tóc bạc trắng, khuôn mặt tròn, phúc hậu, chống gậy đi vào, nhìn mình chằm chằm rồi mắng: 

- Tổ cha học sinh nhà mày! Nhìn lại bản thân xem nào? Bằng từng đấy tuổi rồi mà vẫn cứ ngơ ngơ ngác ngác, sống trên mây trên gió! Cứ thế này thì bao giờ mới khôn lớn được hả con! Thiên hạ thì ma lanh, còn nhà anh thì cứ dở dại dở khôn mãi là thế nào?

Cũng như mấy lần trước, định trả lời bà cụ thì lại thấy lạc vào nơi mới: Một khu vườn xanh tốt, rất nhiều nam thanh nữ tú đang đùa dỡn.

Thấy tôi đi vào, đám đông ngẩn người, nhìn tôi như nhìn người của hành tinh khác. Kệ họ chỉ trỏ, to nhỏ, tôi cứ lững thững đi. Đến ngôi nhà, trước cửa trồng nhiều loại hoa, bên trái là mấy khóm tre đằng ngà, bên phải là mấy cây khế trĩu quả, tôi mở cổng, bước vào. Từ trong nhà, một thanh niên dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm, khuôn mặt trái xoan, điển trai, chạy ra, sững người khi thấy tôi, ngập ngừng hỏi:

- Về chơi hay về hẳn? Mẹ gọi hay tự về?

Tôi không nói gì, lững thững vào nhà.

Thanh niên nọ lại hỏi:

- Hở... Thế về hẳn hay chỉ về chơi rồi lại đi? 

Tôi lắc đầu, không nói. 

Thanh niên nọ làu bàu:

- Đến lạ! Vẫn cố chấp, giận dai! Bao năm rồi mà chẳng thay đổi gì cả!

Lại xuất hiện cụ bà tóc trắng như mây, khuôn mặt tròn phúc hậu, tay cầm gậy, chỉ mặt tôi quát:

- Phục sinh nhà mày! Ai cho mày trở lại đây! Có đi ngay không thì bảo?

Rồi cụ sấn tới, đuổi tôi quyết liệt!

Thanh niên nọ quỳ xuống, xin cụ bà cho tôi ở lại vài ngày. Kéo tay tôi, thanh niên nọ khẩn khoản:

- Quỳ xuống! Xin lỗi mẹ đi! Xin mẹ cho ở lại chơi vài ngày đi!

Tôi gạt tay thanh niên nọ ra, sẵng giọng:

- Điên à! Đi hay ở liên quan gì tới ông!

Như bực lắm, cụ bà giơ cao gậy nhằm đầu tôi phang tới tấp. Thanh niên nọ hoảng hốt lao ra, đỡ đòn thay tôi, cuống quýt quát:

- Chạy đi! 

Rồi đẩy mạnh tôi ra khỏi nhà.

--------------

Giật mình. Tỉnh giấc.

Thấy giấc mơ lạ, chép lại để ngẫm xem sao.

*.

Hà Nội, 29 tháng 03 năm 2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

https://www.facebook.com/photo?fbid=447655308721350&set=a.279793202174229

 

22 tháng 5, 2017:

ÂN NGHĨA TIỀN KIẾP

Mơ. (Đêm: 21/05/2017, sáng 22/05/2017) Một giấc mơ thật lạ.

Lại lững thững vào ngôi nhà với những nét cổ xưa, có mấy bụi tre đằng ngà, nằm ở phía bên trái cổng ra vào, và xa xa, nơi giáp với con đường làng gồ ghề, phía bên tay phải, là mấy bụi cúc tần xanh mướt... Mệt mỏi, tôi ngả lưng xuống phản. Đang thiu thiu thì hắn, người thanh niên dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan, nước da ngăm ngăm, đánh thức tôi dậy. Đưa cho tôi cốc nước nghi ngút khói, giục uống nhanh kẻo “mẹ về bắt gặp là em không được uống đâu.”. Định gạt đổ cốc nước, không uống, nhưng nghĩ sao tôi lại cầm, từ từ nhấp môi, uống. Thật lạ. Cốc nước nghi ngút khói mà uống vào lại thấy mát lạnh, rồi dương khí như chảy tràn khắp người, ấm nóng và sảng khoái. Hắn nhìn tôi, tủm tỉm:

- Biết nghe lời là tốt rồi. Không lo nữa. Cam lộ sẽ bảo vệ em. Chợp mắt tí đi rồi trở lại nơi đó, không ở lại đây được đâu, mẹ sẽ trị tội thêm nặng đấy.

Tôi ngả lưng xuống phản. Rồi thấy mình lơ lửng, lơ lửng, bay phía trên một con đường. Tôi càng cố hạ thấp độ cao để xuống con đường thì càng hạ, con đường càng thấp xuống, như cố giữ khoảng cách giữa tôi và con đường không thay đổi. Giữa lúc chán nản, định buông xuôi, thì con đường bị ngắt làm đôi, rồi như có ma lực rất mạnh hút tôi xuống hố sâu phía dưới. Hốt hoảng, tôi vũng vẫy để bay lên nhưng càng cố càng bị hút sâu xuống. Nhìn con đường cao dần, xa dần, tôi bất lực, bật khóc... Bỗng một thanh niên, từ đâu lao đến lấy thân mình làm bệ đỡ, hất tôi bay lên mặt đường, rồi người đó cũng bay lên, đổ vật xuống cạnh. Cảm động, tôi rối rít cám ơn. Cậu thanh niên lạnh tanh trả lời:

- Ơn huệ gì. Nợ thì phải trả. Còn 6 lần nữa, ông ạ.

Hỏi tên tuổi, nhất định cậu ta không nói. Rồi cậu ta ghé lưng bảo tôi ôm cổ để cậu ta cõng, bay cho nhanh. Chừng dập bã trầu, đến một ngôi đền, cậu ta đặt tôi xuống, giục: - Anh vào lễ Mẫu đi. Rồi lao xuống hồ nước. Tôi hét to hỏi tên, cậu ta trồi lên mặt nước, búng tay ra 2 chữ ĐT, rồi lại lặn sâu xuống hồ.

Tôi lững thững vào đền lễ Mẫu.

Thật lạ, ở ngoài là ngôi đền rất nhỏ nhưng vào bên trong lại rộng lớn, càng đi càng hun hút, hun hút. Đến một gian thờ, rộng lắm, bên phải, bên trái, trước mặt, sau lưng đều là những ban thờ, với những tượng thờ không rõ là thờ Tam Tòa Thánh Mẫu hay thờ Đức Thánh Trần Triều. Tôi loay hoay, loay hoay không biết thắp hương ban thờ nào trước và khấn lễ ra sao thì một ni cô, quãng chừng 18, 20 tuổi xuất hiện, chắp tay trước ngực, nhìn tôi, rất khẽ: - “A Di Đà Phật! Mẫu tại tâm! Phật tại tâm! Phật trong ta! Ta trong Phật!”. Rồi bay lên không trung, biến mất.

Tôi ngồi xuống, chắp tay trước ngực, tư thế như niệm chú. Rồi thấy mình lại lơ lửng, lơ lửng bay đến một khu vườn, cây cối xum xuê, đầy hoa trái.

Đến một ngôi nhà cao nhất, to nhất, tôi hạ xuống.

Đón tôi là một cụ ông, râu tóc bạc trắng, ánh mắt sáng quắc. Cụ hắng giọng, e hèm vào phía trong:

- Cậu về rồi. Sao bay không ra nước nôi cho cậu?.

Một đám choai choai, bưng nước ra để tôi rửa mặt. Rồi pha nước mời tôi uống.

Nhìn xuống nền nhà, tôi giật mình vì ngôi nhà lơ lửng giữa không trung, không có nền. Hun hút bên dưới là chen chúc những người là người. Tôi căng mắt nhìn và nhận ra một nhóm 7 người trông quen quen, có cả nam cả nữ, cả già cả trẻ đang bị đánh đập dã man. Tôi chỉ vào cậu thanh niên bị đánh nhiều nhất, hỏi cụ già:

- Cậu miệng lệch kia phạm tội gì mà bị đánh dã man thế?

Cụ ông phẩy phẩy quạt, thủng thẳng:

- Hạn Song Hao, khởi đầu là cờ bạc bịp, lừa đảo, mới chỉ là khởi đầu, cậu ạ. Đại vận 10 năm, mới là năm đầu, tránh sao được quả báo!

Tôi hỏi:

- Có cách gì cứu không?

Cụ già cười:

- Khó lắm! Mệnh trời, cãi sao được!

Tôi gặng:

- Chẳng lẽ không còn cách nào sao?

Cụ vuốt râu, khà khà:

- Có đấy cậu ạ. Ngoài tích đức thì lợi dụng bản tính của Song Hao mà tát nước theo mưa, may giảm được họa chút ít.

Thấy cậu ta bị đánh đau quá, tôi đứng dậy, búng tay một cái, một luồng điện chạy thẳng xuống đánh tên cai ngục gục ngã. Cụ ông hốt hoảng giữ tay tôi, lắp bắp:

- Thiện tại! Thiện tai! Thiên cơ bất khả lộ! Thiên cơ bất khả lộ!

Vừa lúc đấy, cụ bà với khuôn mặt tròn phúc hậu lại xuất hiện. Giơ cao gậy, chỉ thẳng mặt tôi, quát:

- Phục sinh nhà mày! Ai cho phép trở lại đây! Có cút ngay không!

Rồi phang tới tấp.

Tôi vội chạy.

Và lại thấy mình đứng trong sân nhà, ở quê. Nhìn mấy cây đào bị bứng ra khỏi chậu, tôi cằn nhằn với anh Đặng Văn Thắng:

- Năm ngoái để chết cây đào bích tiếc quá. Năm nay gây lại được 2 cây đào phai, không đẹp nhưng trồng để trừ tà, rước lộc, sao bác lại bứng cả ra ngoài như thế?

Anh Đặng Văn Thắng cười:

- Cây đào bích chết là do chú. Cây đang xanh tốt, chú về nghỉ cuối tuần, lại trách anh để ũng nước nên đào mới bị chết. Tuần sau y rằng cây đào bị chết. Cây khế cũng thế. Anh quên tưới nước nên cây bị khô, héo. Tưới nước lại, cây bắt đầu nảy mầm thì chú về, trách anh để chết cây khế quý. Y rằng, tối chủ nhật chú lên Hà Nội thì thứ 2, mấy mầm khế tự dưng héo, cây khế chết thật. Mà anh thấy chú lạ lắm. Cây bưởi mấy năm không ra quả. Chú đe không ra quả chú sẽ chặt thế là năm ngoái đậu được mấy quả, năm nay quả sai trĩu cành.

Tôi cằn nhằn:

- Em đang nói 2 cây đào phai và thêm cây sung kia nữa. Sao bác lại bứng ra khỏi chậu thế.

Anh Đặng Văn Thắng gắt:

- Chú hay nhỉ. Cây thì chậu vỡ anh chưa thay được chậu. Cây thì để trồng trong chậu không hợp lý nên anh bứng ra, đợi kiếm được chậu hợp với cây thì thay. Chú toàn thắc mắc thừa.

Đang định to tiếng với anh Đặng Văn Thắng thì cụ bà xuất hiện. Chống gậy đứng đầu cổng, ngắm nghía mấy cây cảnh, vẻ vừa ý, cụ gật đầu rồi nhìn tôi, bảo:

- Phục sinh nhà anh! An phận mà ở lại đây chứ còn bén mảng trở lại chốn đó là tôi đánh anh què chân đấy.

Nói xong. Cụ biến mất.

--------------

Tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ: 05 Giờ 15, ngày 22 tháng 05 năm 2017.

Ghi lại giấc mơ để ngẫm xem sao.

*.

Hà Nội, sáng 22 tháng 05.2017

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1592678484219021&set=a.279793202174229

 

10 tháng 6, 2017:

Thật lạ!

Ba năm nay, cứ mỗi lần lôi chứng từ ra để làm kết toán với đối tác, khách hàng là y rằng gặp chuyện abc, không thể làm tiếp được. Nếu lẳng lặng vác chứng từ đi thu nợ hoặc kết toán công nợ thì ngày hôm sau kiểu gì cũng bị ốm. Đem điều này thắc mắc với người thân thì mọi người cũng thấy lạ (vì đã chứng kiến nhiều lần như thế) nhưng không tìm được câu trả lời.

Hôm kia (08/06/2017), vác chứng từ đi mấy nhà sách, về thấy ổn, không có chuyện gì đã mừng. Chiều qua hí hửng đi tiếp thì giữa đường chóng mặt, lảo đảo mấy lần suýt ngã, đành quay về, nằm bẹp dí suốt từ chiều qua đến giờ.

Không thể tìm được câu trả lời!

https://www.facebook.com/dangxuanxuyen/posts/832943006859243

 

28 tháng 10, 2017:

KHÔNG THỂ HIỂU

Hai năm nay, rất nhiều lần rồi, cứ lôi chứng từ ra làm để chuẩn bị đi kết toán, thu nợ còn tồn đọng là y rằng bị ốm, phải cất chứng từ vào tủ. Khó khăn lắm, từ đầu năm đến giờ mới thoát được 3 “vụ” mà toàn là những “vụ” thuộc diện “quên cũng được”.

Cũng đi khám nhiều nơi, rồi chụp chiếu đủ kiểu, đều nhận kết quả: cơ thể bình thường, không bệnh tật gì.

Lạ nữa là thi thoảng, nửa đêm thấy lạnh toát người, tỉnh giấc có cảm giác như vừa có người âm nằm bên cạnh. Cũng thường để củ tỏi trong phòng ngủ để xua đuổi tà khí nhưng những khi trở trời hoặc người mệt mỏi là lúc ngủ lại gặp cảnh như bị người âm mơn trớn, quấy đảo. Lâu rồi, cách đây hơn chục năm, cũng gặp những chuyện tương tự như thế. May mà sớm tìm ra được bùa yểm nên giải được.

Năm ngoái, đầu xuân xin thẻ ở chùa làng Đá, “Mẫu” phán: “Bị ma ám”. Nhưng năm nay, xin thẻ, không bị ma ám mà sao vẫn gặp những chuyện oái oăm như thế? Chẳng lẽ 2 năm nay lại bị kẻ xấu yểm bùa?

https://www.facebook.com/dangxuanxuyen/posts/911094405710769

 

16 tháng 7, 2018:

LẠ LẮM LẮM…

(Chuyện không hề bịa)

Đang ngủ, chợt tỉnh giấc vì như có ai đó chui vào màn, nằm xuống bên cạnh...

Định ngủ tiếp nhưng chợt nghĩ nên giả ngủ để xem “vong này” làm tiếp trò gì?

Cố nằm im nhưng không thấy động tĩnh gì.

Một lúc sau, run bắn người vì lạnh. Vùng dậy, vơ chiếc áo cộc tay, mặc vội vào người rồi chùm chăn ngủ tiếp. Không sợ, vì cảnh đó gặp nhiều rồi, thành quen nhưng chả hiểu sao mắt cứ thao láo, thao láo. Lại vùng dậy, lôi điện thoại để dạo zalo thăm thú bạn bè nhưng màn hình trắng xóa, chừng vài phút thì hiện lên dòng chữ “zalo không phản hồi”, ừ thì thoát, sang lướt facebook vậy, nhưng cũng chỉ được mươi phút, màn hình điện thoại lại có vấn đề, nguồn bị sụt, từ trên 80% xuống còn 21%, thêm dòng chữ “không có thẻ sim nào”. Bực. Tháo sim lắp sang điện thoại khác, rồi dùng máy bàn gọi sang di động để kiểm tra xem đã được chưa vì chỉnh sim mấy lần mà màn hình điện thoại vẫn hiện lên dòng chữ “không có thẻ sim nào”. Ngạc nhiên khi phía đầu dây bên kia là những người lạ hoắc. Lần đầu là giọng một người nam, lần sau cũng là giọng người nam, lần sau nữa là giọng của người nam lần đầu, chửi: “Đ.M mày bị điên à.”. Kiểm tra lại, rõ ràng là gọi máy bàn sang số di động của chính mình sao cuộc gọi lại chuyển đến những số lạ hoắc? Quay đầu sang phải, nhăn nhó: Đùa dai thế. Rồi tháo sim ra lắp lại, thì được. Định lên giường ngủ bù thì thấy chuông báo thức: 06 giờ 45.

Gõ vội vài dòng để lưu ý.

https://www.facebook.com/dangxuanxuyen/posts/1072802449539963

 

23 tháng 9, 2018:

CHUYỆN VỚ VẨN CỦA THÁNG TÂN DẬU (2018)

Tầm 11 giờ trưa thứ 2, Mồng Một tháng Tám âm lịch (10/09/2018), xuống ban thờ Thần Tài - Thổ Địa thắp hương. Vừa ngồi xuống chắp tay, thấy phảng phất nam nhân chừng 25, 26 tuổi, đầu trần, tóc ngắn, áo sơ mi trắng trước ban thờ Thổ Địa. Dụi mắt mấy cái, vẫn thấy nam nhân đó tủm tỉm cười, môi mấp máy, loáng thoáng như cậu ta nói về mấy chuyện định nghiệp, tiền kiếp... Mãi mới đứng dậy được, dụi mắt thêm lần nữa thì không thấy nam nhân đó nữa. Lạ là nam nhân đó không phải là một vong nam mà là ảo ảnh của một người mới gặp hôm trước, chủ nhật, trên một chuyến xe.

Cơm trưa xong, tranh thủ chợp mắt để chiều đi lễ chùa thì vừa thiu thiu ngủ, thấy một luồng hơi lạnh phả dọc sống lưng, rùng mình vì lạnh và thế là phát sốt.

Đêm, chợt tỉnh giấc vì những tiếng chân lạo xạo quanh phòng, mở mắt nhìn nhưng không thấy ai, ngó qua màn hình camare quan sát ở sảnh chờ cầu thang cũng không thấy bóng người, vội vùng dậy, đi sang phòng bên kiểm tra, thấy vắng lặng, tịnh không có gì lạ. Lên giường nằm, một lúc cũng khá lâu, lại thấy những tiếng lạo xạo như ai đó rón rén ở phòng bên, nghe quen lắm, liền vùng dậy đi sang, vẫn không thấy gì khác thường. Bực, buông câu trách: - “Phá đám vừa vừa thôi. Khuya rồi. Cho người ta ngủ chứ.”. Rồi lên giường, bật điều hòa, đắp chăn ngủ. Rồi mơ, lạc về một làng quê hẻo lánh, lại gặp người thanh niên dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan, nước da ngăm ngăm, nhắc nhở: - “Ít đi thôi, ở nhà giữ sức khỏe.”. Tỉnh giấc, thấy người đẫm mồ hôi, hạ sốt.

Sáng thứ 6, 15/09/2018, thấy đã khỏe hẳn nên đặt xe để thứ 7 về quê. Phấn chấn vì Chủ Nhật sẽ đi Hải Phòng (từ quê với họ hàng) dự đám cưới cháu gái (Huyền Xoăn)  nên tranh thủ chuẩn bị chút đồ. Vừa sắp xếp xong mấy bộ quần áo, ra cửa sổ ngó xuống đường, bỗng thấy chóng mặt bởi một luồng gió lạnh từ ngoài hắt vào. Lảo đảo, lên giường nằm và sốt trở lại, nặng hơn trận sốt trước.

Thứ 4, 20/09/2018, khỏi sốt nhưng vẫn hung hắng ho. Chị Nhan (mẹ cháu Bùi Thị Nhung) ở quê điện lên mời Chủ Nhật tuần tới về dự đám cưới cháu gái. Chị hỏi: - “Thế hôm ấy liệu cậu có khỏe không? có về dự cưới cháu được không?”. Sốt sắng quả quyết với chị: - “Từ nay đến đây cả chục ngày, em sẽ khỏe hẳn, sẽ về chứ, chị. Cưới cháu Huyền, em không dự được, ngại lắm.”. Đêm ngủ, lại thấy lạnh người, rồi sốt trở lại.

Sáng nay, 23/09/2018, thấy khỏe nhiều, định ngồi lọ mọ gõ vài chuyện cần làm thì díu mắt lại. Lên giường, định nhắm mắt chút rồi dậy lọ mọ bàn phím tiếp thì lạc vào giấc mơ, lại gặp thanh niên dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm đen, tủm tỉm: - “Ba bảy hai mốt ngày, mới khỏi.”. Giật mình, tỉnh giấc, lẩm bẩm: - “21 ngày mới khỏi.”.

21 là ngày cưới cháu gái. Phải 7 ngày nữa mới khỏe hẳn sao?

Uầy... lạ nhỉ?

Ghi lại, để kiểm chứng.

*

Hà Nội, trưa 23.09.2018

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

https://www.facebook.com/photo?fbid=1136685226485018&set=a.507923416027872

 

27 tháng 1, 2019:

Trưa nay, 27 tháng 01 năm 2019, tranh thủ chợp mắt, “gặp” giấc mơ lạ lắm,:

Về quê, gặp anh Đoan (bác Ban) ở ngõ nhà anh Bốn (bác Lưu), anh hỏi: - Chú không vào bà Sắt à? Tôi trả lời: - Chốc em vào. Anh cười: - Có vụ gì mà thậm thụt thế. Tôi nhát gừng: - Có gì đâu anh. Em đợi bác Ngã và chú Tân cùng vào. Anh nhìn tôi, nhắc: - Ăn diện trai lơ thế này trông nhố nhăng lắm. Thay quần áo khác đi, không làng xóm người ta chửi cho đấy. Tôi cười: - Vâng. Rồi lững thững vào làng.

Vào nhà anh Đặng Văn Thắng, thấy mọi người tụ tập ăn uống đông vui lắm, đầy hoa quả, bánh kẹo trong buồng. Mấy thằng cháu chạy ra hỏi: - Bánh này người ta cho cậu à? Tôi trả lời: - Cậu mua chứ ai cho. Lạ là không thấy bác Sắt gái đâu, chỉ thấy con cháu ngồi ăn uống, đông và vui lắm. Đang phân vân thì anh Thắng hỏi: - Chú trầm tư gì thế? Tôi ấp úng: - Có gì đâu anh. Anh cười: - Chú lại lo cho tao à? Giật mình vì thấy anh cười lạ lắm.

Rồi tỉnh giấc.

Ghi lại và để ở chế độ MÌNH TÔI để kiểm chứng.

(Tag thêm: Đặng Quang Hiệp để cùng kiểm chứng)

https://www.facebook.com/dangxuanxuyen/posts/1219764621510411

 

15 tháng 4. 2020:

MƠ:

Hoảng hốt thấy tủ sách cạnh cầu thang không còn. Nhìn vào thì phòng trống trơn. Định lên tầng thì một nhóc trai trong xó nhà vọt chạy. Đuổi theo nhưng không kịp, quay về lại thấy bố con anh Quý cùng 1 thanh niên đang dọn phòng.

Định đi ngủ thì 5 thanh niên vào chào tạm biệt. Hỏi: Các cậu là ai? Áo đen trả lời: Quấy quả anh đủ rồi. Áo vàng cười nhạt: Anh tò mò thế. Giật mình hỏi: Là mấy vong vẫn trêu tôi? Áo trắng toét miệng: Biết làm gì? Sợ quá, tỉnh giấc.

Ngó đồng hồ: 3 giờ 45. Người mệt nên mơ vậy?

Ghi lại để kiểm chứng.

https://www.facebook.com/dangxuanxuyen/posts/1573043199515883

 

28 tháng 8, 2020:

Hơn 3 giờ sáng (28/08/2020) tỉnh ngủ vì gặp giấc mơ rất lạ:

Chú Nguyễn Bàng đến nhà tôi chơi nhưng không ngồi nói chuyện mà cứ lững thững đi dạo khắp nhà. Tôi đi theo xin lỗi chú vì đầu năm được chú thông báo đã ra Hải Phòng rồi nhưng phần vì dịch bệnh, phần vì bệnh xương cốt của tôi trở nặng nên cứ lần lữa chưa về thăm cô chú được. Chú cười, bảo: - Cháu đau lưng, đau cổ như thế về Hải Phòng để bệnh nặng thêm à. Tôi trách chú sao tôi điện bao lần mà chú không nghe điện thoại. Chú cười: - Thì chú lên chơi với cháu đây còn trách gì. Tôi hỏi: - Chú hỏi ai mà biết địa chỉ nhà cháu thế ạ? Chú không trả lời mà trầm ngâm một lúc mới nói: - Cháu khác ảnh thời trẻ cũng nhiều! Giờ đã có tuổi, phải biết giữ sức khỏe cháu à.

Rồi chú đi ra cửa, người nhỏ dần, nhỏ dần. Tôi hoảng hốt gọi nhưng chú không quay lại, cứ đi...

Tỉnh ngủ, bật dậy, ngồi ngơ ngác.

----------------

Mong dịch nhanh hết để tôi còn chữa bệnh, chứ cứ thế này thì không biết ngày nào mới về Hải Phòng thăm cô chú được. Cũng mấy tháng rồi, tôi không liên lạc được với chú.

https://www.facebook.com/dangxuanxuyen/posts/1695886620564873

 

10 tháng 10, 2020:

GẶP VONG?

Đêm qua, 09 tháng 10, 2020 (23 tháng 8 âm lịch), khi lơ mơ ngủ thấy lởn vởn bóng người ngồi xuống giường, cười lẳng lơ, tình tứ lắm. Tự dưng lại có ý thích kỳ quặc: muốn hôn người âm xem cảm giác thế nào, liền nháy mắt, mời gọi. Khuôn mặt xinh xinh cúi xuống, phả làn hơi lạnh ẩm ướt vào mặt, liền giật mình hoảng hốt: nếu bị hút hết dương khí thì sao? liền đẩy khuôn mặt đó ra nhưng không được. Bực, chửi: - "Mẹ mày! Muốn đọa xuống chín tầng địa ngục à!". Khuôn mặt đó liền nhòa đi rồi biến mất.

Tỉnh giấc, không biết là mơ hay đã gặp người âm thật.

Từ sáng đến giờ, thi thoảng nghĩ đến giấc mơ vẫn thấy lạnh người.

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1736354476518087&set=a.507923416027872

 

20 tháng 10, 2021:

VỀ CÂY NHÃN TRƯỚC SÂN NHÀ Ở QUÊ

Năm 2012 mua đất làm nhà ở quê, tôi giữ lại cây nhãn trước cửa để lấy bóng mát (bìa trái) nhưng đến năm 2015, một lần về quê, khi rượu đã “tới bến”, có chút liêng phiêng của men rượu, tôi gọi người đến chặt bỏ cây nhãn vì không muốn phạm vào thế "độc mộc" trước cửa.

Lạ ở cây nhãn này là nửa phía cổng vào cành lá rất xanh tốt, quả mọng nước, cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt dịu, thơm chỉ thoang thoảng, nhưng phía nửa cây bên trong sân thì cành lá kém xanh tốt, quả sai nhưng to không đều, cùi dày nhưng ít nước, vị ngọt nhưng gắt. Sau này, khi chặt cây nhãn rồi, tôi mới biết sở dĩ cây nhãn có những khác biệt về chất lượng quả ở 2 phía cây như vậy là do chủ cũ đã ghép loại nhãn lai vào phía nửa cây trong sân.

Đêm trước khi chặt cây nhãn, tôi lại mơ thấy cụ bà mặt tròn phúc hậu đứng ngắm cây nhãn rồi nói: "Cây nhãn đang xanh tốt thế này sao nhà anh lại hồ đồ gọi người chặt bỏ.". Tôi tủm tỉm cười: “Cụ nhiều chuyện thế! Cháu làm gì cụ cũng quản là thế nào?”. Cụ bà nhìn tôi rồi gõ gõ cây gậy xuống sân, mắng: “Phục sinh nhà anh! Vẫn không chịu thay đổi! Vẫn cố chấp làm theo ý mình!”. Nhìn cây nhãn, tôi lẩm bẩm: “Lạ thật! Sao cháu hay gặp cụ thế!”, rồi hiêng hiếng mắt về phía cụ thì không thấy cụ đâu nữa.

Sáng hôm sau, tôi kể lại giấc mơ với anh Đặng Văn Thắng (anh con bác ruột), anh bảo: "Thế thì chú đừng chặt nữa. Nói thật, tối qua chú nhờ cháu Bốn sáng nay sang chặt bỏ anh đã định gàn nhưng biết tính chú đã quyết việc gì thì sẽ không thay đổi nên anh không nói.". Lúc cháu Bốn sang, mới bước vào sân đã oang oang: "Ông chặt cây nhãn này làm gì? Phí lắm! Để lấy bóng mát ông ạ.". Khi nghe kể lại giấc mơ, Bốn thủng thẳng: "Cây nhãn này trồng mười mấy năm (thực ra cây nhãn đó chủ cũ trồng đã trên hai mươi năm) mới to cao được như thế mà ông chặt đi thì rất phí. Ông cũng là người tín tâm đã mơ được cụ bà gàn như thế thì càng không nên chặt bỏ.". Đắn đo nhưng lại nghĩ đến thế "độc mộc" trước cửa nên tôi tặc lưỡi: "Anh cứ chặt giúp chú." mà không nghĩ ra trồng thêm vài cây trước cửa vừa phá được thế "độc mộc", cũng “tiện thể” hóa giải ít nhiều thế nhà hướng Đông Nam không hợp với Mệnh chủ.

Ngày 1 tháng 12 năm 2018, về quê trồng lại cây nhãn truyền thống (giống nhãn Lồng Hưng Yên, đã ra trái và cũng đã nhờ người kiểm tra chất lượng quả) trước cửa (bìa phải) để lấy bóng mát nhưng mấy năm rồi mà cây nhãn này cao lên cũng không đáng bao nhiêu, tán xoè ra cũng rất ít. Mỗi lần về quê cứ ngẩn ngơ tiếc cây nhãn từ chủ trước.

*.

Hà Nội, 20 tháng 10-2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2032241376929394&set=a.507923416027872

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CUỒNG YÊU

của Đặng Xuân Xuyến, do Đinh Dũng dựng video:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét