Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

HÃY YÊU THƯƠNG VÀ HIỂU CHO NỖI ĐAU CỦA BỐ - Tác giả: Hạ Vinh Thi

 

HÃY YÊU THƯƠNG VÀ

HIỂU CHO NỖI ĐAU CỦA BỐ

*

Thắc mắc:

Thưa các anh và các bạn!

Mình là anh trai cả trong nhà, bố mình là sỹ quan mới nghỉ hưu, mẹ mình là giáo viên. Cả mấy anh em mình đều ngoan và học giỏi. Từ ngày bố mình nghỉ hưu thì bố mẹ hay to tiếng với nhau vì mình. Bố thường rất hay để ý việc mình làm, bao giờ ông cũng nhìn thấy mình có lỗi và quát mắng mình nhưng mẹ lại thường bênh vực mình mỗi khi bố la mắng. Mình chưa tìm được nguyên nhân vì đâu bố thay đổi thì bỗng một lần mình tình cờ nghe được mấy bà hàng xóm xì xào với nhau: "Thằng K càng lớn càng giống bố đẻ nó, chả trách ông D hay mắng vợ chửi con..." "Thằng K" ở đây là tên mình, còn D là bố mình, họ nói thế có ý gì? Mình đã nhiều lần hỏi khéo mẹ nhưng mẹ không nói gì. Mình có nên hỏi thẳng mẹ mình chuyện này không? Nếu những lời xì xào kia là sự thực thì mình sẽ ra sao?

(N.T.D - thành phố Việt trì, tỉnh Phú Thọ)

Giải đáp:

N.T.D thân mến!   

(Tác giả Hạ Vinh Thi)

Qua thư bạn, tôi thấy bạn là một người con ngoan và hiếu thảo, luôn lo lắng cho hạnh phúc gia đình. Bạn và các em bạn đã làm tròn đạo hiếu của những người con, đó là ngoan ngoãn và học giỏi. Như thế, theo lẽ thường thì hẳn bố mẹ bạn phải hạnh phúc lắm?!. Nhưng mọi chuyện lại không như bạn tưởng dù bản thân đã cố gắng nỗ lực, bạn vẫn không làm vừa lòng bố. Sự thay đổi cách cư xử của bố bạn với bạn là mâu thuẫn chính dẫn đến những xô xát của bố mẹ và làm cho không khí gia đình trở nên căng thẳng, ngột ngạt. Bạn sẽ không tìm ra nguyên nhân của sự bất thường ấy, nếu bạn không nghe được những lời xì xào của bà con hàng xóm. Tất nhiên dư luận có đúng có sai, đúng nhiều hoặc đúng ít nhưng trong trường hợp của bạn thì cũng nên cân nhắc câu các cụ nhà ta đã nói: “Không có lửa làm sao có khói”, nên tôi nghĩ những lời bàn tán, xì xèo của hàng xóm không hẳn là không có căn cứ. Là hàng xóm, họ là những người có thể chứng kiến sự hình thành và phát triển của gia đình bạn, ít nhất cũng là những hình ảnh phía bên ngoài “ngôi nhà” của bạn. Hơn nữa ở làng quê, như bạn đã biết, mọi chuyện dù giấu kín đến đâu cũng khó có thể giữ mãi được, các cụ cũng từng nói: “Cái kim bọc trong giẻ lâu ngày cũng lòi ra” phải không bạn?. Tuy nhiên, tôi nghĩ, bạn không cần kiểm chứng những lời xì xào kia là đúng hay sai vì sẽ “lợi bất cập hại”, chỉ thêm tổn thương những người trong cuộc và cả những người có quan hệ ruột thịt. Mặc dù người nắm giữ bí mật đó là bố mẹ bạn nhưng để nói ra sự thật đó sẽ rất khó khăn vì khi sự thật được làm sáng tỏ sẽ làm đổ vỡ sự tự tôn, tự trọng và “mái ấm gia đình”, dù chỉ là vỏ ngoài gượng ép, không chỉ của bố mẹ bạn mà còn kéo theo anh em bạn và những người “liên quan”. Theo tôi, bạn không nên và cũng đừng gặng hỏi mà ép mẹ bạn phải trả lời bố đẻ bạn là ai, vì điều đó thực ra không cần thiết. Bạn hãy bỏ ngoài tai những lời xì xào bàn tán của những người láng giềng không tốt, dù thế nào thì bạn vẫn là con của bố bạn và chỉ duy nhất mình ông đủ tư cách là bố của bạn. Hãy sống tốt hơn, hãy gần gũi và quan tâm đến bố nhiều hơn. Hãy hiểu cho nỗi khổ và gánh nặng tâm lý đè nặng trong ông. Hãy hiểu mà cảm thông việc hành hạ bạn là phương cách duy nhất ông có thể làm để nhẹ đi phần nào nỗi khổ và gánh nặng tâm lý ấy. Bằng tấm lòng chân thật của người con, bạn hãy làm mất đi nỗi đau âm thầm đang đè nặng sự tự tôn, lòng tự trọng trong ông để ông dần dần hiểu được sự chân thành và lòng hiếu thảo của bạn; để ông cảm nhận một cách vững chắc rằng bạn là của ông, bạn thuộc về ông và ông sẽ sống vì bạn. Mọi thứ khác đều không quan trọng.

Chúc bạn thành công và gia đình sớm trở nên hoà thuận.

Hạ Vinh Thi (*)

-----------

(*): Hạ Vinh Thi: bút danh của Đặng Xuân Xuyến

(Trích từ: BẠN TRẺ NÓI VỚI BẠN TRẺ ; Đặng Xuân Xuyến chủ biên ; Nhà xuất bản Thanh Hóa xuất bản năm 2002.)

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét