Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

MẤY ĐIỀU THÚ VỊ VỀ BÀI THƠ "HOA NHÀI" CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai



MẤY ĐIỀU THÚ VỊ VỀ BÀI THƠ
"HOA NHÀI"
CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
*
HOA NHÀI
- Mến tặng H.H.Ph -

Lần đầu đến thăm tôi
Cô mang theo một đóa hoa nhài
Hoa bình dị
Tôi mỉm cười
            Nhìn mây bay
                        Hờ hững.

Rồi lần sau
Cả những lần sau
Cô không mang thay đổi sắc màu
Vẫn bình dị những đóa nhài nho nhỏ
Và tôi cười
             Hờ hững ngó mây trôi.

Rồi một chiều cô không đến thăm tôi
Một ngày đông hoa nhài không nở
Tôi ngơ ngẩn bên thiếp hồng để ngỏ
Ngó mây trời tôi đếm bâng quơ
Tôi trách cô vội bước sang đò
Không thương nhớ những cánh nhài nho nhỏ
Thấm trong tôi hương nhài nỗi nhớ
Tôi trách mình hờ hững ngó mây trôi.
*
Đại học Văn Hóa Hà Nội 1990
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH:
Đọc bài thơ "Hoa Nhài" của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến tôi nghĩ chắc nhiều người không chú ý đến chi tiết tả hoa nhài của nhà thơ, vì thế sẽ không thấy được chủ ý của tác giả. Cũng như tôi, mấy lần trước đọc bài thơ “Hoa Nhài” đã không phát hiện ra chi tiết thú vị này.
Khổ thứ nhất bài thơ, tác giả để chàng trai rất thờ ơ khi nhắc đến đóa hoa Nhài (tượng hình tình yêu cô gái dành cho chàng trai) của cô gái:
"Cô mang theo một đóa hoa Nhài"
Sang khổ thơ thứ 2, tác giả cho chàng trai đã có những chú ý tới cô gái qua chi tiết miêu tả hình ảnh bông hoa cô cầm theo kỹ hơn: "đoá Nhài nho nhỏ", qua đó thể hiện tình cảm của chàng trai dành cho cô gái đã có phần gần gũi hơn, thân mến hơn:
"Vẫn bình dị những đóa Nhài nho nhỏ"
Nhưng sang đến khổ thơ thứ 3 thì tác giả lại để chàng trai buồn bã buông lời trách cứ cô gái:
"Không thương nhớ những cánh Nhài nho nhỏ"
Từ "một đóa Nhài", đến "đóa Nhài nho nhỏ", rồi "những cánh Nhài nho nhỏ", là tỉ lệ thuận tình cảm của chàng trai với cô gái: từ thờ ơ đến để ý, rồi chú ý, quan tâm và yêu.
Điểm đặc biệt nữa ở bài thơ "Hoa Nhài" là tác giả đã sử dụng câu thơ bậc thang để diễn tả tâm trạng, tình cảm của chàng trai với cô gái ở những câu cuối của 3 khổ thơ.
Từ thờ ơ, thậm chí có phần coi thường tình cảm của cô gái ở khổ thơ đầu:
"Tôi mỉm cười.
Nhìn mây bay
Hờ hững."
Đến sự chú ý, quan tâm, thích thú tới cô gái ở khổ thơ thứ 2.
"Và tôi cười.
Hờ hững ngó mây trôi."
Rồi tới khổ thơ thứ 3, khổ thơ kết thúc bài thơ thì không còn câu thơ bậc thang. Từ 3 bậc thang, xuống 2 bậc thang, rồi đến không còn bậc thang để diễn tả tâm trạng, tình cảm từ thờ ơ, hững hờ đến thích thú, rồi yêu của chàng trai với cô gái. Khoảng cách tình cảm của chàng trai với cô gái cứ ngắn dần, ngắn dần đến không còn khoảng câch qua từng lần giảm bậc thang trong 3 khổ thơ.
Thêm một điểm thú vị nữa là ở bài thơ "Hoa Nhài", tác giả đã cho chàng trai cười 2 lần và 2 nụ cười đó nếu không chú ý thì người đọc cũng sẽ dễ bỏ qua chi tiết thú vị này.
Lần thứ nhất: "Tôi mỉm cười." là nụ cười kiêu ngạo, có chút khinh dễ khi lần đầu chàng trai nhận ra tình cảm cô gái dành cho mình.
Lần thứ hai: "Và tôi cười." là nụ cười thẹn thùng, thích thú, có ý chờ đợi cô gái của chàng trai mặc dù chàng trai vẫn còn tạo "ra vẻ" giữ chút "xa cách" với cô gái.
Tất cả từ cách tiếp cận đóa hoa Nhài, đến nụ cười của chàng trai và cách dùng câu thơ bậc thang đều đồng nhất sự phát triển tình cảm của chàng trai với cô gái: từ thờ ơ, lạnh nhạt đến thân thiện, quan tâm, rồi yêu.
Đó là những điểm khá thú vị trong bài thơ "Hoa Nhài" của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến.
*.
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
quận Long Biên, thành phố Hà Nội.    
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
                                            .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét